Hang Phượng Hoàng Thái Nguyên – Mong lạc bước giữa bạt ngàn gió núi

Cách Hà Nội 80km, cách TP.Thái Nguyên 45km theo quốc lộ 1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn), hang Phượng Hoàng nằm ở trên núi Phượng Hoàng, thuộc đất làng Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Dải núi Phượng Hoàng rộng hơn 20ha, có nhiều hang động lớn.   Hang Phượng Hoàng  Đi, để thấy mình […]

Trần Việt Anh Tháng Bảy 25, 2013

  • Chia sẽ:

Cách Hà Nội 80km, cách TP.Thái Nguyên 45km theo quốc lộ 1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn), hang Phượng Hoàng nằm ở trên núi Phượng Hoàng, thuộc đất làng Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Dải núi Phượng Hoàng rộng hơn 20ha, có nhiều hang động lớn.

Hang Phượng Hoàng - Mong lạc bước giữa bạt ngàn gió núi

 

Hang Phượng Hoàng 

Đi, để thấy mình bé nhỏ giữa đất trời bao la.

***

Tàu Hà Nội – Quán Triều khởi hành lúc 14h35 ở ga Long Biên. Đông đúc một cách kì lạ. Một chị ngồi ghế đối diện cười bảo: “Tàu Thái Nguyên là như thế đấy em. Lần sau em đi không cần mua vé trước đâu, lên tàu mua cũng được.” Chẳng thể nói là tôi cảm thấy thoải mái với cái ồn ào đông đúc này, nhưng thôi thì… âu cũng là thử một lần cho biết cái cảm giác đi tàu chợ.

Nắng nhuộm vàng cả không gian, làm sáng bừng mọi thứ khi tàu chạy qua những cánh đồng rau xanh mướt mát ở Đông Anh. Lúc này, cái cảm giác trong tôi rằng mình đang được đưa đến một nơi xa lạ theo một lộ trình không hề biết trước chợt trỗi dậy mạnh mẽ. Tôi đã từng nghĩ: Đã là tàu thì tàu nào cũng chạy ven theo những miền quê, yên bình, lặng lẽ, và có phần tẻ nhạt. Nhưng lần này, nhìn những gì hiện ra trước mắt theo mỗi nhịp lăn bánh của con tàu, tôi bỗng hiểu: Đôi lúc cái yên bình lặng lẽ nơi miền quê ấy lại là một thứ vô cùng giá trị mà muốn có được, người ta phải tạm xa rời, thậm chí trốn chạy khỏi nơi tấp nập phù hoa.

Những cánh đồng trống trải sau mùa gặt. Những rặng núi xa xa ẩn hiện mờ ảo không rõ vì sương mù hay vì khói bốc lên từ những đám đốt rơm rạ đang cháy dở. Những ruộng ngô đang trổ cờ lấp ló. Những đầm sen mà vài tháng trước hẳn còn phủ đầy bởi những bông sen thơm ngát giờ chỉ còn lại những thân sen trơ trụi. Những ngôi nhà giản dị nơi quê nghèo nằm im lìm giữa vườn cây.

Tàu qua ga Phổ Yên được một đoạn, những ngọn đồi phủ đầy cây xanh mượt mà hiện ra đẹp như trong tranh vẽ. Chỉ một sắc xanh, những giữa hoàng hôn đang buông xuống kéo dần ngày sang đêm, những đồi cây xanh đều đặn ấy nổi bật lên giữa ráng trời chiều vội vã.

Tàu càng đi, những cảnh vật bình dị càng níu con mắt kẻ đang ngồi thinh lặng. Những hàng cây dâm bụt san sát bên đường chưa kịp nở hoa, chỉ đầy những búp chúm chím một màu đỏ nhức nhối giữa lá thẫm xanh, đẹp đến lặng người, làm ai kia thoáng nhớ một thời thơ bé đi ngắt hoa dâm bụt về bày chơi đỏ một góc sân. Một cây sung già cằn cỗi nghiêng bóng bên bờ ao nhỏ, trên mặt ao là thanh tre dài dùng để gạt hết bèo tấm nổi trên mặt nước về một phía. Một cái cổng nhỏ phủ đầy loài hoa dây leo hồng rực, e dè sau cái cổng ấy là lối đi hẹp và dài dẫn đến một căn nhà nhỏ sơn màu xanh da trời xinh xắn nằm lẩn khuất giữa những tán lá cây.

5 giờ 15 phút chiều. Trời đã ngả dần sang sắc xám của buổi chiều tối, hơi lạnh bắt đầu theo sương ngấm vào người. Ga Thái Nguyên nằm thu mình khép nép, nhỏ và buồn bã. Xốc lại ba lô, tôi tò mò thích thú quan sát nhịp sống phố thị nơi tỉnh lẻ trong lúc chờ thầy giáo tới đón.

Ngồi ăn cơm, thầy bảo: “Sáng mai thầy không phải lên lớp. Có thích đi chơi không?” Tôi lanh chanh: “Đi Hồ Núi Cốc hả thầy?” Thầy lắc đầu, cười: “Hồ Núi Cốc chả có gì hay đâu, đi rồi lại thất vọng tràn trề thôi. Trên này có một cái hang rất hay, còn hoang sơ lắm, nhưng mà cách đây hơi xa. Nếu đi thì mai phải đi sớm.” “Sớm là mấy giờ ạ?” “Sáu giờ đi được không?” “Được ạ!”

***

Sáu giờ sáng, trời vẫn còn mờ sương. Không phải một tiết trời quá lạnh cho một ngày giữa tháng mười một, nhưng cũng là cái lạnh khiến người ta phải rùng mình và gai người. Mặc một áo len mỏng, khoác áo khoác nhẹ, quàng thêm một cái khăn (cũng) mỏng, buộc tóc thật gọn gàng, tôi nhét vài thứ cần thiết vào ba lô, sẵn sàng lên đường. Bác gái nhìn thấy tôi, kêu ầm lên: “Mặc ấm vào con! Trên hang Phượng Hoàng bây giờ lạnh lắm. Mặc phong phanh thế về là ho đấy.”

Đường phố như vẫn còn ngái ngủ. Khá lâu rồi tôi không ra đường vào lúc sáng sớm như thế này. Hơi lạnh và cái vắng vẻ làm tôi nhớ đến những ngày Tết ở quê, khi mà mọi người đều đang tụ họp trong căn nhà ấm cúng thay vì đi lại ngoài đường. Ở Hà Nội thì có lẽ sáu giờ sáng mọi thứ đã bắt đầu nhộn nhịp.

Gió rít vù vù bên tai. Những đồi chè xanh ngút mắt báo hiệu cho tôi biết đã đến Trại Cài, là vùng trồng chè có tiếng thuộc huyện Đồng Hỷ. Từ dưới đường ngước mắt nhìn lên cũng có thể thấy được màu lá chè xanh mỡ màng, hứa hẹn vị trà “tiên nồng hậu ngọt” nổi tiếng của vùng đất Thái Nguyên. Nhưng hình ảnh những đồi chè ấy không kéo dài trong tầm mắt tôi được lâu. Càng đi, cảnh vật càng tự nhiên và hoang sơ hơn. Dọc theo hai bên đường, những vạt lau cao quá đầu người phất phơ trong gió sớm. Núi xếp tầng tầng lớp lớp. Những khối núi đá vôi đồ sộ, ngất ngưởng sừng sững chắn giữa nền trời. Tứ bề là núi che chắn bao bọc. Cảm giác như mình đi đến đâu, núi mở ra đến đấy, rồi lại tiếp tục khép sát quanh mình. Những căn nhà nhỏ dưới chân núi hoặc trên vách núi trông lại càng bé nhỏ, lúp xúp hơn khi đặt cạnh những khối đồ sộ ấy. Cảnh tượng hùng vĩ mở ra trước mắt khiến tôi không khỏi tiếc hùi hụi khi trong tay mình lúc đó không có một thứ gì có thể ghi lại những hình ảnh tuyệt vời này.

Đi được một đoạn thầy lại ngoái đầu lại hỏi: “Có lạnh không?” Quả thực với cái tốc độ >50km/h giữa trời mùa đông ở một vùng núi như thế này, tay tôi đã bắt đầu tê cóng. May mắn thay, nắng đã bắt đầu lên, sương giá cũng tan dần.

Khí hậu khắc nghiệt của vùng đất Võ Nhai, vốn nổi tiếng là rừng thiêng nước độc không làm giảm đi niềm háo hức của tôi. Hai bên đường, nhà sàn xuất hiện càng lúc càng nhiều. Không phải kiểu nhà sàn xây cách điệu, phủ sơn đẹp đẽ hào nhoáng thường dùng để làm nhà hàng phục vụ các món ăn dân tộc vẫn thường thấy ở các thành phố lớn, những gì tôi nhìn thấy là những ngôi nhà sàn “đích thực”: mộc mạc, giản dị, cũ kĩ vì nhuốm màu thời gian. Thảng hoặc, lọt vào mắt tôi lại là những nét đẹp rực rỡ giữa hoang sơ núi rừng: những bông hoa trạng nguyên đỏ rực trên một cây to trồng trước cửa nhà, hoa giấy tím hồng hút mắt trước cổng, cây hoa hồng đầy những bông nở bung viên mãn, những ruộng cà chua quả mới chỉ vàng hườm hườm hoặc đã kịp chín đỏ au trông ngon lành vô cùng…

Mất hơn một tiếng đồng hồ thầy trò tôi mới đến nơi. Trèo xuống khỏi xe mà cả chân tay đều cứng đờ vì lạnh. Tôi được “hướng dẫn” phải tháo bỏ đôi giày đang đi, thuê một đôi dép tổ ong vì “phải lội suối nữa cơ, mà đường đá như thế đi hỏng hết giày đấy”. Xỏ chân vào đôi dép tổ ong, tôi háo hức nhìn lên dãy núi sừng sững trước mặt. Theo lời thầy nói thì hang Phượng Hoàng nằm trên đỉnh núi, nghĩa là cuộc chinh phục giờ mới thực sự bắt đầu.

Sự háo hức của tôi không đối chọi được với kinh nghiệm của người đi trước. Những phiến đá được đẽo gọt thô sơ thành bậc thang, mà theo như lời thầy thì đã là một thay đổi đáng kể so với sáu, bảy năm trước – thời nhóm bạn của thầy đi lên hang bằng con đường mòn, vẫn khiến tôi thở không ra hơi. Leo lên được một quãng khá dài, tôi bắt đầu cảm thấy đuối sức. Dừng lại nghỉ, tôi đưa mắt nhìn ra xa. Cảnh tượng phía trước mặt khiến tôi có cảm giác ai đang bóp nghẹt tim mình. Nắng sớm rực rỡ chiếu qua khiến ngọn núi sau màn sương như dát bạc mà lại lóng lánh ánh vàng. Nền trời xanh ngọc mượt mà như dải khăn lụa ai vắt ngang hững hờ qua đỉnh núi, tưởng như chỉ cần đưa tay kéo nhẹ là dải khăn ấy sẽ nhẹ bẫng mà bay đi. Phía dưới chân núi, đồng ruộng đan vào nhau giống những ô vải trên nền thổ cẩm muôn màu.

Lối đi lên hang mở ra càng lúc càng đẹp. Những bậc thang đá đơn sơ phủ đầy lá khô nâng nhẹ mỗi bước chân tôi bước đi. Tôi reo lên thích thú chỉ cho thầy những cây ớt chỉ thiên mọc dại quả nhỏ xíu mọc từng chùm xinh xinh. Núi Phượng Hoàng có những cây lá vô cùng lạ mắt, mà nhìn thấy nhiều nhất là loài cây có lá tự khô vào mùa đông, rủ xuống như rèm mi khẽ nhắm lại, cả thân cây cũng trơ trụi như khô héo. Những vạt lau dọc đường đi đã khiến tôi phải ngỡ ngàng, nhưng nếu đem so với những bụi lau trên núi thì chẳng là gì cả. Những cây lau nhìn như “cổ thụ”, búp lau to với những nhánh mượt mà, bông lau khô bung tơi trắng xóa đung đưa khe khẽ.

Càng đi càng thấy núi cao vời vợi. Tôi vừa leo vừa lẩm nhẩm: “Đỉnh núi ở phía trước, đỉnh núi ở phía trước” như tụng kinh.  Thầy hỏi mấy cô chú nông dân đang quẩy gánh, sọt đi ngay sau chúng tôi thì được biết họ đang đi trẩy quýt ở vườn quýt trên núi. Thật ngoài sức tưởng tượng của tôi, núi đá cheo leo thế này, đất ở đâu ra mà có vườn quýt cơ chứ? Thầy quay lại bảo tôi: “Tiếc thật, nếu chiều mà không bận thì thầy trò mình đi cùng họ vào xem vườn quýt  luôn. Quýt sai quả lắm ấy.” Thì ra quýt Bắc Sơn trồng trong khe đá nổi tiếng chính là đây.

Thầy liên tục hỏi: “Mệt không?”, rồi lại dừng lại đưa tay ra kéo tôi lên. Lắc đầu quầy quậy, tôi một mực :”Em đi được!” rồi vừa thở phì phò vừa leo tiếp. Cái bản tính ngang bướng đến mức gan lì khiến tôi không chịu dừng lại nghỉ cho dù hai chân đã mỏi đến mức run rẩy. Giữ im lặng vì nhận ra ở trên núi không khí loãng, càng nói nhiều càng mất sức, tôi cởi khăn quàng và áo khoác nhét vào ba lô rồi cắm cúi nhấc tiếp từng bước chân trên những bậc đá.

Đi mãi đi mãi rồi cũng tới nơi. Nghe tiếng thầy nói: “Cửa hang đây rồi!”, việc đầu tiên tôi làm là phóng tầm mắt ra thật xa, rồi lại nhìn xuống tầng tầng lớp lớp cây và đá chen nhau phía dưới. Đưa tay vuốt mồ hôi trên trán, nheo nheo mắt nhìn trời, bỗng thấy mình như cao ngang với ngọn núi bên kia.

Cửa hang không quá rộng. Để xuống được tầng dưới của hang, tôi phải cúi lom khom dưới một phiến đá to tướng để dò dẫm từng bước trèo xuống. Một cảnh tượng vô cùng hoành tráng mở ra trước mắt: hàng loạt thạch nhũ rủ xuống từ vòm hang lung linh, huyền ảo. Một lần nữa, cái cảm giác tiếc nuối vì không có máy ảnh trong tay lại trào dâng. Xuống hẳn phía dưới rồi nhìn ngược lên, cảm giác choáng ngợp lại tăng lên gấp bội. Thú thực lấn át tôi lúc đó ngoài sự kinh ngạc trước vẻ đẹp của thiên nhiên còn là một nỗi sợ hãi mơ hồ, một cảm giác rờn rợn cổ quái. Có thể là do những vách đá bào mòn trong hang tạo thành những hình thù quái lạ. Có thể là do những nhũ đá trên vòm hang buông xuống như đe dọa người bên dưới. Có thể tứ phía là những hình thù của đá như đang gầm gào dọa nạt. Cũng có thể do tôi yếu bóng vía nên lo sợ vu vơ. Lúc này, ngước mắt lên nhìn cửa hang mới thấy thật là đẹp: một mảnh trời xanh trong giữa bao bọc đá núi. Thời điểm này  là mùa khô nên phía tầng dưới cùng của hang nước đã cạn gần hết, cũng không có nước nhỏ giọt từ trên cao xuống như lời thầy tôi kể lại. Tuy nhiên, màu đá xanh rêu, xanh côban được nắng hắt nghiêng nghiêng rọi sáng cả động vẫn đủ sức khiến tôi phải trầm trồ tấm tắc. Những khối đá trên cao rủ xuống như bàn tay khum lại. Đá có nét giống những chùm tua rua đan vào nhau. Đá sừng sững như cột khổng lồ trước mặt. Đá chen chúc như những chiếc nấm nhỏ xinh.

Thầy gọi tôi: “Nhìn này, em có thấy giống bức tranh không?” Tôi sững người trước bức tranh của tự nhiên được phối màu quá đỗi ấn tượng mà vẫn hết sức dịu dàng. Vừa như tranh màu nước, lại vừa giống bức sơn dầu. Chỉ đơn giản là những mảng màu đan xen vào nhau, như thể người họa sĩ nào đó đã phết những nhát cọ màu thô ráp và mạnh bạo, để màu bắn tứ tung loang sang cả những góc khác của bức tranh., có những chỗ lại lơ đễnh để màu nước chảy từng dòng từng vệt. Kiệt tác trên đá.

Đi ra khỏi hang, thấy nắng đã lên cao. Trèo xuống cũng dò dẫm từng bước, mấy lần tôi suýt trượt chân vì bước hụt, vất vả hơn cả khi leo lên. Thỉnh thoảng, thầy lại dừng lại, níu những cây lau cao quá đầu người lại để cắt những bông lau mướt mát đẹp nhất cho tôi. Hai thầy trò cùng nhau lội qua suối để nhặt đá cuội. Con sóc nhỏ chuyền cành. Tiếng chim hót líu lo đôi lúc khẽ vẳng lại. Gió khẽ rủ rỉ bên tai những câu hát thì thầm. Tất cả thực quá bình yên.

Xuống đến chân núi, chân tôi đã mỏi tê dại. Trả dép, hong khô chân rồi trèo lên xe quay trở lại thành phố Thái Nguyên. Thầy bảo: “Hôm nay đi thấy tinh thần thật là thoải mái.”

Tôi khe khẽ mỉm cười, im lặng không nói. Tay chân xước xát, trầy trụa vì đá núi. Sáng mai ngủ dậy chắc cả người sẽ ê ẩm vì đau. Nhưng có hề gì đâu. Khi mà bó lau và cây lan đá tôi cầm trên tay là những món quà tôi nhận được từ núi Phượng Hoàng. Khi mà những hòn cuội từ suối Mỏ Gà đang lóc cóc trong ba lô. Khi mà những âm thanh của gió vẫn réo rắt trong tai như vẫy gọi tôi quay trở lại. Khi cảm giác mong được bước đi giữa ngút ngàn cây, đá, và gió núi vẫn còn nguyên vẹn trong tim.

Nắng đã lên trong vắt. Nhà nhà phơi ngô đầy sân, phơi giấy dó như nhuộm vàng thêm cho cái nắng mùa đông sóng sánh. Ôm bó hoa lau thật chặt, tôi mơ màng nghĩ về một ngày mình sẽ quay trở lại nơi này…

Truyền thuyết kể rằng: Núi Phượng Hoàng có hai hòn đá với hình hai con chim phượng hoàng nằm ấp nhau. Ngày xưa, trên núi có một đôi chim phượng hoàng sống rất hạnh phúc…

(Bút kí)

18/11/2012

Thanh Lương.

(facebook.com/Ivy.Elysia)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

“Câu trả lời ngắn gọn nhất là hành động”

Có bao giờ lời nói, hành động, suy nghĩ của những người xung quanh khiến bạn cảm thấy không còn tự tin? Bao giờ những người đó chính là người xung quanh bạn? Nếu bạn đã và đang ở trong trạng thái đó, hãy để tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của tôi. […]

Tháng Tám 31, 2021

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu? Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều […]

Tháng Tám 30, 2021

Bản nháp Lời tựa cuốn sách đạp xe 63 tỉnh thành Việt Nam

Năm 17 tuổi, đã có lúc, tôi nghĩ tới việc lao đầu vào ô tô để kết liễu cuộc đời mình, sau những lần chứng kiến những cuộc chiến tranh của Bố Mẹ, và đã có lúc tôi tham gia vào cuộc chiến ấy như một con thú với tất cả bản năng hoang dại […]

Tháng Tám 29, 2021

Đi như thế nhỡ hỏng xe thì phải làm sao?

Đó là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều người từng hỏi mình câu đó. Phải làm sao nhỉ? Mình có cả một bộ dụng cụ sửa xe ở đằng sau chiếc balo, cờ lê, bộ vá xe được WETREK tài trợ, mình mua theo cả săm dự phòng để thay khi cần. […]

Tháng Tám 27, 2021

Cái duyên với Thiền viện Trúc Lâm

Tôi đói lả người, mệt, kiệt sức. Cố hết sức đạp đến chân Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lúc đó cũng gần 7h tối, tôi nhìn thấy đường lên dốc cao hơn những con dốc dạng sóng nhẹ mà mình vừa đi qua, thấy nản. Khi đói, mệt, thêm với sợ tối, tôi đã […]

Tháng Tám 26, 2021