NGỘ – bài viết của người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đạt chân đến Nam Cực

Mình muốn chia sẻ với các bạn một bài viết mình được đọc cách đây cũng khá lâu, của chị Hoàng Thị Minh Hồng – người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực (Năm 1997, lúc đó chị 24 tuổi). Nhắc tới chị Hoàng Thị Minh Hồng người ta còn nhớ […]

Trần Việt Anh Tháng Bảy 7, 2013

  • Chia sẽ:

Mình muốn chia sẻ với các bạn một bài viết mình được đọc cách đây cũng khá lâu, của chị Hoàng Thị Minh Hồng – người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực (Năm 1997, lúc đó chị 24 tuổi). Nhắc tới chị Hoàng Thị Minh Hồng người ta còn nhớ đến hình ảnh người phụ nữ gắn liền với các hoạt đồng kêu gọi bảo vệ môi trường.
Tiêu đề gốc của bài viết là “NGỘ” và quả thật khi đọc hết bài viết này mình cũng “NGỘ” ra rất nhiều điều, thay đổi suy nghĩ về cuộc sống và tạo cảm hứng cho mỗi chuyến đi của mình.

Phượt nam cực
Hình ảnh chị Minh Hồng chụp tại Nam Cực với lá cờ tổ quốc năm 1997

Đã hơn chục năm rồi, vào thời gian này, tôi đang chuẩn bị cập bến Ushuaia (Argentina), sau 2 ngày 3 đêm vật lộn với sóng gió và bão biển trên đường từ Nam Cực trở về.

Hồi ấy trước khi đi, bạn bè bố mẹ gọi điện đến nhà tôi: “Điên à mà cho nó đi! Đi đến cái vùng đấy là chỉ có chết thôi!”.

Kệ, cứ đi xem có chết được không. Thế là, 27/1, cập bến, thoát chết, và cuộc đời tôi cũng thay đổi từ đấy. Những trải nghiệm này, đã tạo nên trong tôi những thay đổi 180 độ trong nhận thức và hành động.

Và tôi đang định nói về những thay đổi ấy!

Chúng ta biết quá ít

Thay đổi thứ nhất: Tôi nhận ra một điều: thế giới thật rộng lớn, và ta thật bé nhỏ. Đến một lúc nào đó, khi đang đứng ở đâu đó trên bề mặt trái đất, tự nhiên thấy mình quá bé nhỏ.
Con người cứ hay ngồi đấy và nghĩ mình thành công, sành điệu, là… trung tâm của vũ trụ; hay rên rỉ đau đớn thằng kia nó bỏ tao rồi, thế giới sụp đổ, sẽ không bao giờ yêu được ai nữa, thế nọ – thế kia. Chẳng là cái đinh gì hết.

Hàng tỷ hàng tỷ người đã sinh ra và đã chết đi, đã sinh ra và sắp chết, sẽ sinh ra và sẽ chết. Trái đất vẫn cứ quay hì hụi, chẳng quan tâm gì đến ai. Nhưng ở đây tôi cũng không hẳn nói về cái kích cỡ của thế giới. Tôi muốn nói là we know so little, we see so little (chúng ta biết quá ít).

Mỗi giây phút, có bao nhiêu sự việc đang diễn ra, hàng tỷ người thuộc hàng nghìn tộc người khác nhau đang làm những việc khác nhau, ăn những thứ khác nhau, tin vào những điều khác nhau, mà mình thì chỉ loanh quanh biết được mấy việc đang diễn ra trên VTV, hoặc oách hơn thì CNN, BCC, kiểu đánh bom ở Iraq, hay đội bóng của ta sang Thái Lan thế nào…

Thế nào là hâm?

Thay đổi thứ hai: Tôi thực sự hiểu được, people are so different (con người thật là khác nhau). Hay nói cách khác, là mỗi người trong chúng ta là độc nhất vô nhị.

Chắc mọi người sẽ bĩu môi bảo “ai chẳng biết”, nhưng mọi người cứ ngẫm kỹ mà xem, bình thường mình cứ hay làm việc gì đấy, hoặc bắt mọi người phải làm điều gì đó. Bởi cứ nghĩ ai cũng giống mình, ai cũng thích những thứ mình thích. Tôi làm việc cho một văn phòng khoảng 30 người, 7-8 quốc tịch. Và mỗi người một kiểu… hâm.

Thực ra, về sau này tôi đã hiểu ra rằng, họ không hâm, họ khác mình. Người ta hay tự cho mình cái quyền cho người khác là hâm. Còn mình thì không hâm! Tất cả các hành vi không giống mình, thì là hâm cả.
Một anh ở văn phòng tôi đi xe đạp đi làm, bị coi là hâm. Một anh Tây không thích dùng túi ni-lông, cũng là hâm. Một số khác ăn chay, không ăn thịt, là hâm. Tôi không thích ăn cơm, cũng là hâm.

Một người yêu 5 -7 gái một lúc bị coi là hâm, chả ra gì. Một người chẳng yêu gái nào, chỉ thích sống một mình, cà phê một mình cả ngày, cũng hâm nốt. Lấy đâu ra cái chuẩn nào quy định thế nào là hâm thế nào là không? Chắc gì những gì đa số làm thì là đúng hơn thiểu số?

Mỗi người có sở thích khác nhau, có kẻ kiếm tiền vớ vẩn nhưng thích đổi điện thoại di động liên tục, hay vay tiền để mua xe máy, ôtô cho hoành tráng. Có người làm nhiều tiền thì lại chỉ thích gửi tiết kiệm, chẳng mua sắm gì.

Có những bạn Tây đang ở Anh ở Mỹ, ăn bơ ăn sữa suốt ngày, tiện nghi sung sướng, tự nhiên một ngày khoác ba lô đến các nước đang phát triển để làm việc, đánh vật với chuột gián, hố xí xổm và Tào Tháo đuổi vì thức ăn đường phố.

Họ chắc cũng chẳng hâm hơn những người cả đời không bao giờ ra khỏi thị trấn quê hương nhà mình. Nói tóm lại, mỗi người một kiểu, không ai giống ai. Tôi là độc nhất vô nhị, cũng giống như tất cả mọi người khác!

Không có gì là không thể

Thay đổi thứ ba: Tôi nhận ra một điều, là nothing is impossible (không có gì là không thể).

Người mình cứ hay bị suy nghĩ mặc định, và khăng khăng những câu kiểu: “Tôi là người không bao giờ lăng nhăng”, hay: “Anh ấy chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ tôi”, hay: “Chắc chắn người đấy không bao giờ dám lừa tiền mình”. Coi chừng! Rồi đến ngày té ngửa đấy! Cuộc đời của bạn sẽ có nhiều điều bất ngờ hơn bạn tưởng nhiều.

Bạn và mọi người đều có những khả năng làm những điều không ai ngờ tới. Chưa kể có bao nhiêu yếu tố khác tác động, và đừng quên, may mắn là một thứ thật sự tồn tại trên đời. Vậy, đừng có 100% vào bất kỳ điều gì. Luôn phải chừa ra vài % cho khả năng kia.
Đừng có tự tin quá vào khả năng của mình, một ngày nào đấy bạn sẽ bị cuộc đời đấm cho một phát tối mắt tối mũi đấy. Và cũng đừng tự ti quá, biết đâu, một ngày, đời bạn lại lên hương. Họ không hâm, họ chỉ khác mình. Người ta hay tự cho mình cái quyền cho người khác là hâm. Còn mình thì không hâm!

Xấu – tốt

Thay đổi thứ tư: Tôi nhận ra một điều, là không có một cái khái niệm rõ ràng cụ thể nào để xác định người xấu người tốt.

Ngày xưa mình cứ hay bị dạy cách phân biệt rõ rệt giữa người xấu người tốt: cô Tấm là người tốt, cô Cám là người xấu; Sơn Tinh là người tốt, Thủy Tinh là người xấu.
Lớn hơn một chút thì bị nhồi vào đầu: Người nghèo là người tốt, người giàu là người xấu; người Liên Xô là tốt, người Mỹ là xấu. Lớn hơn nữa, thì cụ thể hơn: “Thằng đấy nghiện đấy!”, nói chung nghiện là xấu, cave là xấu.

Trong đoàn của tôi đi Nam Cực, có 42 chú (35 thanh niên và 7 trưởng đoàn) từ 25 nước. Tôi tự nhiên rơi tõm vào một đám lổn nhổn mỗi người một màu da, một thứ quần áo.

Đứa tin vào ông Giê-Su, đứa tin vào ông Mô – Ha – Mét, có đứa lại chỉ tin vào cái máy tính. Nháo nhào nhào, một lũ nửa điên nửa dại vì cái cơ hội tự nhiên rơi trúng vào đầu mình.

Ngày nào cũng học hành tập tành mệt nhoài, nhưng đêm nào cũng chỉ ngủ vài tiếng còn thời gian còn lại thì nhảy nhót hú hét, tận dụng mọi giây phút để được chơi bời với nhau (và được khoảng 2 tuần thì chuyển sang… yêu nhau).

Mike – người North Ireland (Bắc Ailen) hớn hở lôi ảnh người yêu ra khoe với tôi, thấy một cô mắt mũi xanh lè váy đỏ loét xẻ ngược tận đùi. Về sau đến gần hết chuyến đi, Mike bảo: “Hồng, tao nói mày không tin đâu. Mày biết vì sao tao được đi chuyến đi này không. Vì tao đã từng là ăn cắp, cướp nhà băng”.

Sau đó tôi còn biết thêm về một số thành viên khác của đoàn, những người mà ngày xưa tôi chả bao giờ dám đến gần, chứ đừng nói là chơi. Họ ôm nhau suốt ngày, mặc quần áo chung. Một cậu nghiện heroin 7 năm, một cô 6 năm, hai cậu nữa 4 – 5 năm gì đó. Đứa là criminal (tội phạm), ăn cắp đánh lộn đủ cả.

Hoá ra cái đám 35 đứa chúng tôi, là đại diện cho cả cái thế giới này, kẻ giàu người nghèo, đứa văn minh đứa lạc hậu, tư bản, cộng sản, đứa PhD (tiến sĩ) ở Harvard, đứa thất học ở Nam Phi, đứa tụt quần ra hơ mông trên lửa ngay trước mặt mọi người, đứa lại cả đời rúm ró hễ cứ “sinh hoạt” trước khi cưới là bị ném đá đến chết… Tất cả cái đám ấy được đưa vào sống với nhau, tại một nơi cách xa tất thảy những nơi còn lại trên thế giới.

Một cú sốc văn hoá thật sự! Một trải nghiệm độc đáo cho việc sống với nhau phải như thế nào. Tôi đã ngẩn ngơ mất một buổi, khi biết rằng cái cô Lynn nhí nhảnh ấy, Mike hát hay nhảy đẹp ấy lại là những kẻ, mà theo định nghĩa trong cái hệ giá trị được xây dựng trong mấy chục năm của tôi, là những kẻ dưới đáy xã hội.

Những con người này, khi được chọn đi Nam Cực, tất nhiên cũng phải qua những lần phỏng vấn, như tôi, nhưng cái tiêu chí chọn lựa của người ta không phải là nói tiếng Anh giỏi hay là đạt được bằng sáng chế hay cống hiến gì cho xã hội, mà chỉ cần họ có suy nghĩ đúng. Chúng tôi được chọn, vì chúng tôi đều là con người.

Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã “ngộ”, và tôi đang cố để thực hành cái ngộ này.

Nói thật để giải quyết tốt

Thay đổi thứ năm: Một thay đổi cũng phải mất thời gian dài để tôi có thể nhận ra và thực hành nó, đó là “nói thật là cách hay nhất để giải quyết mọi vấn đề”.
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, ai cũng nói dối cả, và mọi người thường nhất trí với nhau ở một điểm nghe rất thuyết phục, là “nói dối là cần thiết trong một số trường hợp nhất định”.

Tôi công nhận, có những cái mình rất khó có thể thay đổi được, ví dụ như bố mẹ không cho đi chơi xa với bạn trai, nên đành phải nói là con đi công tác, vì sợ bố mẹ “lên huyết áp”. Nhưng nói chung tất cả những trường hợp còn lại, càng về sau tôi càng nghiệm thấy, thì nói thật là hay nhất.

Nói thật làm cho mình đỡ mất công nhớ là mình nói gì, có khi nói với người này thế này, lại nói với người khác thế khác. Nói dối làm nhiều khi mình bị lòi đuôi, và làm cho tình hình còn xấu hơn. Ngày xưa tôi bị trĩ, chẳng nói với ai, cũng chỉ vì không tự tin, sợ người khác cười. Tất nhiên, tôi không dám nói là bây giờ tôi tuyệt nhiên không còn nói dối gì nữa.

Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã “ngộ”, và tôi đang cố để thực hành cái ngộ này. Vẫn còn những cái khó khăn lắm. Bởi vì việc nói dối không chỉ thể hiện ở việc nói dối về một hành động, mà còn nói dối về tình cảm nữa.

Trong cuộc sống mà ta phải bươn chải kiếm sống này, nhiều khi ta không muốn nói thẳng ra một điều mà ta nghĩ, bởi vì ta không muốn chuốc thêm phiền toái.

Có những người tôi rất ghét, nhưng vì tế nhị, vì quan hệ này kia, tôi không thể nói thẳng ra “Ôi tôi chán/ghét anh/chị lắm…”. Dần dần trong mấy năm vừa rồi, tôi học được cái trò nói thẳng ở mấy bạn Tây làm cùng văn phòng tôi.

Ngày xưa tôi ghét ai trong văn phòng, tôi hay cãi nhau với họ, nói xấu họ sau lưng, nhưng không bao giờ biết ngồi nói chuyện cho ra đầu ra cuối, tao ghét mày ở điểm này, tao đề nghị mày thôi cái thói quen đấy đi, mày ghét tao ở điểm kia hả, tao sẽ sửa. Thế nhé, bắt tay nào, ôm nhau cái, giải quyết xong rồi nhá.

Giờ, tôi đã biết thực hiện những cuộc nói chuyện như vậy ở văn phòng. Khó thì khó, nhưng lại hết cả khó chịu, và chắc người khác cũng đỡ khó chịu với mình.

Tác giả: chị Nguyễn Thị Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực.

Nguồn: sholarshipplanet.info

Bài viết có thể bạn muốn đọc: Mộc Châu, hướng dẫn đi du lịch Mộc Châu tự túc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

“Câu trả lời ngắn gọn nhất là hành động”

Có bao giờ lời nói, hành động, suy nghĩ của những người xung quanh khiến bạn cảm thấy không còn tự tin? Bao giờ những người đó chính là người xung quanh bạn? Nếu bạn đã và đang ở trong trạng thái đó, hãy để tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của tôi. […]

Tháng Tám 31, 2021

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu? Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều […]

Tháng Tám 30, 2021

Bản nháp Lời tựa cuốn sách đạp xe 63 tỉnh thành Việt Nam

Năm 17 tuổi, đã có lúc, tôi nghĩ tới việc lao đầu vào ô tô để kết liễu cuộc đời mình, sau những lần chứng kiến những cuộc chiến tranh của Bố Mẹ, và đã có lúc tôi tham gia vào cuộc chiến ấy như một con thú với tất cả bản năng hoang dại […]

Tháng Tám 29, 2021

Đi như thế nhỡ hỏng xe thì phải làm sao?

Đó là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều người từng hỏi mình câu đó. Phải làm sao nhỉ? Mình có cả một bộ dụng cụ sửa xe ở đằng sau chiếc balo, cờ lê, bộ vá xe được WETREK tài trợ, mình mua theo cả săm dự phòng để thay khi cần. […]

Tháng Tám 27, 2021

Cái duyên với Thiền viện Trúc Lâm

Tôi đói lả người, mệt, kiệt sức. Cố hết sức đạp đến chân Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lúc đó cũng gần 7h tối, tôi nhìn thấy đường lên dốc cao hơn những con dốc dạng sóng nhẹ mà mình vừa đi qua, thấy nản. Khi đói, mệt, thêm với sợ tối, tôi đã […]

Tháng Tám 26, 2021