Kinh nghiệm du lịch bụi Phnom Penh (2): Wat Phnom, Centre Maket và Royal Palace

Tiếp tục nhật ký hành trình du lịch Campuchia tự túc: ngày 2 ở Phnom Penh. Bạn có thể xem ngày 1 ở Phnom Penh của mình ở đây Ngày hôm nay mới chính thức được đi ngắm nghía Phnom Penh ở góc độ khách lãng du. Trước tiên phải nói một chút về lịch […]

Trần Việt Anh Tháng Chín 19, 2015

  • Chia sẽ:

Tiếp tục nhật ký hành trình du lịch Campuchia tự túc: ngày 2 ở Phnom Penh. Bạn có thể xem ngày 1 ở Phnom Penh của mình ở đây

Ngày hôm nay mới chính thức được đi ngắm nghía Phnom Penh ở góc độ khách lãng du. Trước tiên phải nói một chút về lịch sử thành phố này. Ban đầu không tìm hiểu kỹ thì thấy thủ đô bé quá. Nhưng mình bỏ lỡ những thông tin lịch sử rất quan trọng, rằng Phnom Penh vào những năm 1975 – 1979 từng được gọi là thành phố ma. Bởi giai đoạn quân Khmer Đỏ của Pol Pot đánh chiếm thành phố, đuổi người dân về làng quê để lao động chân tay, thành phố năm 1975 còn khoảng 45000 người sinh sống, chủ yếu là quân đội. Sau đó Phnom Penh bị bỏ hoang 4 năm, Phnom Penh của những năm 1979 chỉ còn vài ngàn người. Tưởng tượng ra cảnh cái thành phố nhỏ, nhưng cũng khá náo nhiệt này không người sẽ u buồn, ảm đạm ra sao. Tới năm 1978 – 1979 quân đội của Việt Nam đến dẹp quân Khmer Đỏ thì cơ hội lập lại hòa bình nhen nhóm và người dân dần quay trở lại thủ đô. Mãi tới năm 1991 cổng thành mới chính thức được mở, 24 năm để xây dựng lại một thành phố ma sau khi bị tàn phá, bóc lộc, chịu ảnh hưởng nặng nề cả về của cải, thể xác và khủng khiếp nhất là tinh thần. Sau từng ấy tổn thương, những con người nơi này đã xây dựng lại thành phố được như thế này là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Buổi sáng lôi xe đạp ra ngoài, đi một vòng quanh quanh mình đã kiếm được quán bánh mì, bán 6000 riep (khoảng 1,5$) một chiếc, cái bánh mì to đùng, ăn được cả sáng lẫn trưa. Ngồi ngay công viên quảng trường độc lập ăn, vừa ăn vừa ngắm tượng đài.

Tượng đài độc lập nằm giữa phố 268 và Đại lộ Peah Sihanouk, xây năm 1958 để kỉ niệm độc lập. Kiến trúc tháp 5 tầng mái, mỗi tầng đều có tượng đầu rắn thần Naga, tổng cộng có 100 đầu rắn thần. Anh bảo vệ ở đây làm việc khá nhiệt tình, nên khi đi đến chân là đã bị đuổi. Nhìn từ xa, nhất là trên đại lộ Nodorom (phía Hoàng Cung) tượng đài hiện ra hiên ngang, nổi bật đầy ấn tượng.

Wat Phnom – ngôi chùa cổ nơi hình thành tên gọi thành phố Phnom Penh

(bạn có thể xem bài viết chi tiết về Wat Phnom ở đây)

Điểm đến đầu tiên mình chọn để đi là chùa Wat Phnom. Một phần vì đã gần qua thời gian vào thăm cung điện hoàng gia, một phần vì ngôi chùa này là nơi khởi sinh ra tên gọi của thành phố Phnom Penh. Wat Phnom nằm trên ngọn đồi cao phía Bắc thành phố. Wat tiếng Cam nghĩa là chùa, Phnom nghĩa là ngọn đồi. Ngôi chùa này được xây dựng bởi người phụ nữ giàu có tên Penh. Sự tích kể rằng một hôm bà đi bên sông thấy có cây gỗ to từ đâu trôi dạt tới, bà cho người vớt lên thấy bên trong có 4 bức tượng Phật, bà và người dân tin rằng 4 bức tượng là điềm báo của các vị thần, họ muốn có một ngôi nhà mới, năm 1372 bà dân đắp một ngọn đồi và xây một ngôi chùa trên ngọn đồi, rồi đặt các bức tượng vào đó(hình tạc lại trên tường là 5 bức). Ngôi chùa hiện nay nằm trên một ngọn đồi cây cối xanh tươi, Wat Phnom đã qua nhiều lần trùng tu, một lần hư hại nặng do quân của Pol Pot tàn phá. Khách nước ngoài trước khi lên phải mua vé 1$ (mua tự nguyện, bạn không mua có thể đi thẳng lên cũng được không có người soát vé). Cổng chùa được canh giữ bởi rắn thần Naga (linh vật của người Cambodia), tượng sư tử, hộ pháp cầm chày.

Bên trong chùa là bức tượng Phật của người Cambodia mạ vàng nổi bật trước một tòa tháp. Bên dưới là hàng chục bức tượng phật lớn, nhỏ khác. Ở ngôi chùa này người ta cũng đặt tiền lên chân và tay tượng Phật giống ở một số ngôi chùa miền Bắc Việt Nam. Trên tường là tranh vẽ cuộc đời Phật Thích Ca và sử thi Ramayana rất đẹp, các cột trụ cũng được trang trí hoa văn hình rắn, khiến ngôi chùa nhìn rộng hơn và cổ kính hơn. Ngồi ngay cửa vào là một ông thầy cùng với bó quẻ. Khách thập phương tới sẽ ngồi quanh ông, được ông đưa cho bó thẻ, người khách cầm lấy đặt lên trán cầu nguyện, sau đó đặt lên đầu để bốc thẻ. Ông thầy cúng sẽ giải quẻ, kết thúc người khách đặt tiền lễ vào chiếc khay đồng cạnh đó. Khách xem quẻ chủ yếu là người Khmer, vì ông thầy không nói tiếng Anh. Đi tiếp qua sau lưng chùa là ngọn tháp màu trắng rất lớn, cao chừng 30m, đây là tháp cất giữ tro của nhà vua Ponhea Yat (1405 – 1467).

Ngay dưới chân tháp, phía tay trái chùa là ngôi đền nhỏ đặt tượng bán thân của bà Penh. Sát cạnh dó là một ông thầy cúng nữa. Ông này thú vị lắm. Ông ngồi cạnh một chum đựng nước thiêng, trên mặt nước là những cánh sen hồng. Khách thập phương tới, sau khi lễ bà Penh muốn xin nước phép (nước thiêng) thì ngồi trước mặt ông, sau đó ông lấy sợi chỉ đỏ (đã nhúng qua nước phép) buộc vào tay họ, rồi dùng bó chân que nhang chấm nước trong chum, vẩy lên mặt và người người khách. Vừa vẩy nước ông vừa đọc kinh, cánh tay uyển chuyển, chắc ông làm việc này lâu rồi. Khách du lịch (đặc biệt khách nữ) rất thích tham gia vào hoạt động cầu nguyện này.

Phía bên phải tháp nhà vua là đền thờ Preah Chau, chẳng biết người này là ai, nhưng tượng được đặt trong một gian thờ mà mình lần đầu tiên thấy trong đời. Ngôi đền này có mặt rất nhiều vị Phật, Thần, Thành. Từ Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bồ Tát, Peah Chau (đương nhiên), thần Vishnu (đạo Hindu), tượng Quan Vũ (thánh Trung Quốc), ba ông Phúc – Lộc – Thọ… Bên ngoài sân đền có miếu nhỏ đặt những tượng nhỏ như các vị Thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 3 bức tượng sư tử lớn được đặt ngoài trời, thật ra tượng ở giữa giống tượng thờ mãnh hổ ở Việt Nam. Người ta đặt vào miệng những “ông tượng” này thịt sống và trứng sống. Dưới cái nắng nóng, và rất nhiều thứ như thế được đặt ở đây rồi nên nó bốc mùi hôi thối.

Trong sân chùa có nhiều người bán những con chim sẻ nhỏ phóng sinh, nhưng hầu hết đều bị cắt đuôi. Quay lại phía sau ngọn tháp nhà vua là bậc thang đá dẫn xuống chiếc đồng hồ khổng lồ xây trên cỏ, cao hơn đó là bức tượng nhà vua sơn vàng đã sức mẻ, tiếp đến là một chiếc tháp nhỏ và sau cùng là tháp nhà vua trắng lúc nãy. Đối diện với chiếc đồng hồ, bên kia đường là quảng trường nơi đặt tượng bà Penh, người đã có công xây ngôi chùa và cái tên Phnom Penh cũng bắt nguồn từ đấy. Khu vực xung quanh ngọn đồi người ta trồng rất nhiều cây xanh mát mẻ, đang lát lại đá để trở thành một công viên vui chơi. Đây là nơi bạn nhất định nên ghé tới khi đến thủ đô Phnom Penh.

Centre Maket, hay còn gọi là Chợ Mới

Sau khi tham quan ngôi chùa cũng gần trưa, mình ghé vào chợ mới, hay còn gọi là chợ trung tâm chơi. Chợ xây kiến trúc rất đẹp. Nếu nhìn trên cao mình nghĩ nó sẽ là hình dấu X với chấm tròn to, nổi bật ở trung tâm. Khách du lịch thường tới đây mùa quần áo, đồ trang sức, khăn Krama, đồ ăn…vv giá khá rẻ và thú vị là ở đây họ nói tiếng Việt tốt, nhận tiêu tiền Việt (những chỗ khác chỉ nhận $ và Riep). Mình nghe nói nhiều thương nhân tới đây mua đồ hiệu made in cambodia về bán ở Việt Nam. Mình mua được một cái mũ tai bèo giá 2$ và 2 hình bằng đồng nhỏ xíu tạc thần Ganesha và Phật Thích Ca. Khu giữa trung tâm bán rất nhiều đá quý loại thô và bạc, nhìn phê lắm. Ở Phnom Penh có nhiều chợ như chợ mới, chợ Nga… dành cho bạn nào thích mua sắm. Đây là nơi nên ghé khi tới Phnom Penh.

Chùa Vàng, chùa Bạc & cung điện Hoàng gia (Royal Palace)

Chơi ở chợ gần tới 2h mình đến Royal Palace và chùa Bạc. Trước khi vào trong mình ngồi công viênhoàng gia nhai nốt nửa cái bánh mỳ còn lại, không phải tiết kiệm, mà cái bánh mỳ nó dài bằng 2/3 cái bánh mỳ BigC ở Việt Nam, đầy nhân ăn không nổi. Mua thêm chai nước giá 2000 riep nữa. Ở đây mình quen được cậu Pinh, 20 tuổi, đang tu học ở chùa gần đấy. Cậu ngồi dưới một gốc cây to, mình thấy cậu giống như Phật Thích Ca đang ngồi thiền định nên lại gần xin chụp hình và làm quen. Lúc đầy mặt cậu ấy khá nghiêm, nhưng sau thì nói chuyện vui vẻ, cậu ấy chịu cười để mình chụp hình.

Cậu Pinh, 20 tuổi, đang học cấp 3 gần cung điện hoàng gia. Khi vào trong cung điện nhìn ảnh nhà vua hồi đi tu có nét giống cậu này, khác lông mày.

Hai khu này nằm trong một khu, cách chợ và Wat Phnom không xa. Giờ mở cửa của nó từ 7h30 đến 10h và từ 12h đến 16h chiều, vé cho foreigner là 6$, mình có thử thuyết phục họ bớt nhưng không được, dù sao thì tự an ủi vẫn còn rẻ hơn cách họ tính tiền vé vào cửa cho người nước ngoài ở Huế.

Chùa Phật Ngọc (theo cách gọi người Cambodian) và chùa Vàng, chùa Bạc theo cách gọi người Việt Nam. Nơi cầu nguyện linh thiêng nhất tại Phnom Penh.

Hoàng cung là nơi nếu ghé qua Phnom Penh bạn không đến sẽ vô cùng nuối tiếc. Đó là một quần thể kiến trúc do người Pháp xây dựng từ những năm 1886, nó gần như nguyện vẹn sau cả sự kiện Pol Pot phá hủy thành phố này. Ngay từ bên ngoài mình đã bị ấn tượng bởi đàn chim bồ câu lên tới hàng nghìn con mà họ nuôi, chúng hồn nhiên nhặt nhạnh thức ăn, đậu đầy trên các ngọn tháp mái cổng vào hoàng cung, nhà vua lên ngôi, tới những ngôi chùa. Khi vào bên trong mình đi nghe ké một anh hướng dẫn viên người Anh và người Việt. Khu du lịch chia làm 2 phần: Dinh Ngai Vàng – nơi đặt ngai vàng. Ngôi nhà này chỉ dùng cho sự kiện vua lên ngôi hoặc tiếp kiến các vị đại thần. Ngai vàng được thiết kế kiểu Pháp đặt giữa nhà, sau nó là lọng 9 tầng tượng trưng cho thiên giới, trần nhà trang trí theo sử thi Rayamana. Nền nhà trải thảm đỏ. Đáng tiếc là họ không cho vào. Và ngôi nhà nhỏ nằm phía bên tay phải (hướng từ cổng vào) ngay cạnh đó là nơi thi thoảng ông ta đến ở, nếu nhà Vua ở trong nhà thì sẽ treo lá cờ (cờ riêng của ông ta, khách màu cờ đất nước), khi ông ta đi lại hạ cờ xuống. Vị vua hiện tại của Cambodia khá trẻ. Và giống như các vị vua khác, ông ta có một chiếc cổng to đùng để ra vào hoàng cung, quan lại đi cổng nhỏ, khách du lịch thì đi lối còn nhỏ hơn.

Dinh ngai vàng, được xây bởi người Pháp năm 1886.

Ngôi nhà trưng bày bảo vật, khách được chụp ảnh trong đây. Phía tay phải là cung Napoleon III đang trùng tu.

Bên trái dinh ngai vàng (theo hướng từ cổng vào) là một ngôi nhà nhỏ, nơi trưng bày bảo vật của Hoàng gia. Có bộ long bào của Vua và Hoàng hậu làm bằng vàng, đính rất nhiều kim cương, họ chỉ mặc 1 lần khi đám cưới. Còn lại là các đồ làm bằng vàng, bạc sử dụng cho hoàng tộc. Cung nữ ở đây mặc quần áo chia làm từng màu cho mỗi ngày. Họ quan niệm mặc đúng màu sẽ mang lại may mắn.

Bảy màu cho 7 ngày, từ bên trái sang bắt đầu bằng Chủ Nhật. Chiếc quần của họ thực ra chỉ là một tấm vải dài 3m, quấn nhìn khá hay. Bạn nào muốn may mắn may 7 bộ thế này để mặc nhé!

Ngay sát ngôi nhà trưng bày này Cung Napoleon III hay còn gọi là nhà hóng mát. Nó là ngôi nhà do Vua Napoleon III tặng cho hoàng hậu Eugenie để nghỉ ngơi trong thời gian khai trương kênh đào Suez. Sau đó bà cho tháo dỡ và tặng lại cho nhà vua. Ngôi nhà này do tuổi cao (từ năm 1866) nên đang được tái trùng tu lần thứ n. Tiếp tục bước theo bản đồ chỉ dẫn về bên tay trái Cung Napoloen là lối đi nhỏ dẫn sang chùa Bạc (người Việt Nam gọi là chùa Vàng, chùa Bạc – nhưng thật ra nó chỉ là 1 ngôi chùa duy nhất, do nhiều vàng bạc quá nên phải gọi thế). Đây có lẽ là nơi nổi bật nhất trong cả khu.

Chùa Phật Ngọc (hay gọi là Bạc, nức tiếng gần xa. )

Quần thể chùa Bạc gồm 3 phần chính: khu chùa Bạc, khu tháp đựng tro hoàng gia và ngôi chùa nhỏ thờ hình một con bò (tôn giáo của Cambodian ảnh hưởng cả Phật giáo và Hindu giáo (hay còn gọi là Bà La Môn giáo). Bằng chứng là họ thờ cả Phật và thần Brahma, hoặc đôi khi là Vishnu của đạo Hindu). Chùa Bạc là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của Phnom Penh. Không ai không biết tới ngôi chùa được lát nền bằng 5329 viên gạch bạch, mỗi viên nặng 1kg, khi bước trên nền nhà cảm giác tiếng lạch cạch không khớp, đấy là bạn đang bước trên bạc. Nhưng thế chưa đủ, ngôi chùa này có bức tượng Phật bằng vàng nặng tới hơn 90kg, trên đó có đính hơn 2086 viên kim cương lấp lánh, lấp lánh. Bức tượng làm từ năm 1906, bằng đồ trang sức của vua Nodorom và là bằng kích thước cơ thể nhà Vua (khá giống với ông vua Khải Định của Việt Nam), một truyền thống có từ thời vua Angkor. Cùng với đó là hàng trăm (có thể hàng nghìn) bức tượng Phật nhỏ bằng vàng và bạc khác chỉ to bằng nắm tay. Nhưng cao quý nhất, lại là bức tượng Phật nhỏ cao tầm 50cm đặt ở vị trí cao nhất của ngôi chùa. Bức tượng được làm bằng Phật bằng Ngọc lục bảo (có tài liệu nói làm từ pha lê Bacarat) vào ban đêm sẽ phát sáng chiếu rọi cả ngôi chùa. Nghe nói cả Châu Á chỉ có 4-5 bức tượng như thế. Phía cuối dãy là các bảo vật quý giá do nước bạn tặng, có một bức tượng Phật bằng đồng đen cao chừng 60-80cm, khách tới đây có thể sờ vào chân tượng để cầu nguyện (người Cambodian có thói quen chạm vào tượng Phật hoặc thần thánh để cầu nguyện, họ quan niệm rằng làm thế thì Phật, hay thần thánh mới nghe được lời họ). Có một vài điểm ai cũng nên biết về chùa Bạc: ngôi chùa này không có sư tu, chỉ dành cho hoàng gia khi muốn tu tập sẽ đến đây tu. Nó gần như là nơi lưu giữ bảo vật Phật giáo hơn là nơi tu tập. Ngôi chùa này cực kỳ linh thiêng, đến Pol Pot cũng không dám lấy đi, phá hủy bất cứ thứ gì ở đây khi chiếm được Phnom Penh. Có câu chuyện kể rằng khi ông ta đến Dinh ngai vàng, thử ngồi lên ngai thì bị té nhào, từ đấy Pol Pot sợ. Người ta nói rằng, thật kì lạ là sau 4 năm Phnom Penh bị bỏ hoang, trở thành thành phố ma thì số bảo vật vẫn gần như nguyên vẹn. Nhưng có một số tài liệu chỉ ra rằng con số mà “gần như” đấy lên đến 60%. Tức là số bảo vật trưng bày ở đây chỉ là thiểu số.

Ngay phía trước cổng chùa Bạc là tượng vua Nodorom, nhưng tài liệu mình đọc nói rằng đây là tượng vua Napoleon nhưng thay đầu vua Nodorom vào thôi.

Tháp nhà vua bên trong khuân viên chùa Bạc. Có tháp dành cho nhà vua, các công chúa. Mỗi tháp đựng tro cốt một người.

Sau khi tham quan chùa Bạc xong mình ra ngoài, lúc đấy cũng muộn, tính mình đi hay la cà lâu la. Nhưng mình nghĩ đi thì nên thế, tìm hiểu thật kỹ chứ đi mà cưỡi ngựa xem hoa thì uổng phí lắm. Trên đường ra có một dãy hành lang trưng bày bản đồ đế chế Khmer ngày xưa, nó bao gồm cả Laos, một phần của Thái, một phần của Malaysia và một phần miền Tây Nam Bộ Việt Nam bây giờ. Khi ấy đế chế Khmer giáp nước Chăm Pa, Đại Việt, Thái… nhưng chuyện chắc của thế kỷ mười mấy khi Chăm-pa vẫn còn thịnh rồi. Kế đến là ngôi nhà có đặt tượng con voi trắng của nhà vua. Khi tới buôn Đôn ở Đắk Lắk, vào nhà vua săn voi Amakong mình có đọc là ông từng săn cho vua Cam một con voi trắng, chắc là con voi này. Voi trắng tượng trưng cho chí huệ, cực kỳ hiếm, loài voi này thường thấy các vị Bồ Tát cưỡi.

Tượng voi trắng của nha vua, bên trong gian này trưng bày cả kiệu, thang lên voi của nhà vua nữa.

Quảng trường Hoàng Gia buổi chiều đông người qua lại, vui chơi.

Cuối ngày, mình ra công viên ngồi chơi tiếp, xem có kiếm được bức hình nào ổn ổn không. Ở đây buổi chiều đông vui, nhộn nhịp, nhiều gia đình cho con ra chơi. Lũ chim bồ câu lúc này tản ra khắp nơi vì mọi người hay trêu cho chúng bay loạn xạ.

Một thanh niên nghịch chim :))

Bức ảnh này mình thích nhất cả buổi chiều. Nó gần như bao gồm tất cả những gì mình cảm nhận trong 2 ngày ở đây: người nghèo lang thang rất nhiều, lũ trẻ lang thang lem nhem, vật vờ giữa những người giàu ở thành phố. Đám trẻ ngoại quốc con của khách du lịch và chúng đúng là ở hai thái cực khác nhau. Đứa thì vật vạ, đứa thì bao bọc từng tí, quần áo sạch sẽ tinh tươm. Ở Phnom Penh rất nhiều nhà sư, họ theo dòng tiểu thừa (buổi sáng sẽ đi khất thực, ai cho gì nhận nấy, cả thịt cũng ăn, nhưng ai biết nhà sư ăn chay, hoặc không ăn thịt cho smà vẫn cho thịt sẽ bị tội, nhà sư ăn không biết không có tội. Ở Phnom Penh ai làm người ấy chịu. Và cuối cùng là bức tường rào cao ngăn cách những những tầng lớp xã hội. Bức tường rào này có thể là một chiếc xe tuk tuk, cao hơn là một chiếc xe máy phân khối lớn, cao hơn nữa là cửa kính ô tô và cuối cùng là bức tường hoàng gia kia. Còn một điều nữa, bảo vệ ở Cambodia làm việc nhiệt tình quá mức, nhiều lúc mình chỉ ngồi nghỉ ở vỉa hè gần một ngân hàng hơi lâu, họ cũng ra đuổi, dù mình chỉ ngồi đó, rất cách biệt rồi. Nhiệt tình quá mức.

Buổi chiều mình ngồi đây, rồi gặp 3 anh em nhà thằng cu trên ảnh, thằng anh cả khoảng 7-8 tuổi, thuộc dạng nghịch nhất quả đất. Nhất định trèo lên xe đạp đòi chụp ảnh, thằng em thì leo lên sau xe. Mình dắt hai dứa đi vòng quanh trên xe đạp, chúng nó thích quá cứ khi nào dừng là lại “one more, one more”. Tới tận lúc mình nói phải về chúng nó vẫn nhất định bám theo. Đúng là lũ quỷ.

Tối về đi kiếm gì bỏ bụng thì gặp chị Ny. Chị là người Khmer gốc Việt, nhà ở Trà Vinh. Chị sang đây 10 năm rồi, cứ đi đi về về, nói tiếng Việt không rõ bằng tiếng Khmer. Chị bán 1 tô hủ tiếu bò kho 1$, ăn vừa ngon, vừa no. Hai chị em ngồi nói chuyện cả gần 1 tiếng, nói về thu nhập Cambodia, thu nhập Việt Nam, cuộc sống ở đây khó khăn thế nào, ở quê nhà chị ra sao. Nói chung là mình rất quý chị, xe hàng của chị cột cạnh chiếc xe máy, chị hay đi dọc phố chứ không ở một chỗ, rất nhiều người phi xe máy tìm đến chị. Tối thì chị bán ở nga 3 ngay dưới chân Top Banana, mình hẹn tối mai sẽ ăn tiếp. Nhưng quên là tối mai Top Banana có party kỷ niệm 15 năm thành lập ở bar trên sân thượng, các bạn ấy có free buffet, free drinks every hour… mình phải làm sao đây. Về phòng kể cho Francheska (cô bạn người Anh cạnh phòng) về món ăn của chị, cô bạn này nói tối mai cũng sẽ ăn thử, mình sẽ mời vì mới lấy được tiền đối tác, nhưng chẳng biết thế nào. Kết thúc buổi tối là đi bộ loanh quanh quảng trường độc lập, rồi về khách sạn sửa ảnh, viết bài. Đêm các bạn ở trên bar chơi tới tận 2h, lúc đấy mình mới ngủ được. Kết thúc ngày khám phá đầu tiên. Bây giờ cũng là 11h sáng ngày hôm sau rồi, do đêm qua muộn quá vẫn chưa viết xong, sáng phải hoàn thành nốt. Chiều ngày kế mình sẽ đi vài điểm xung quanh thành phố, ngày tiếp theo đi những điểm xa hơn. Phnom Penh còn rất nhiều thứ để khám phá.

“Đừng chết ở tuổi 25”

Bạn có thể xem tiếp phần 3: Bảo tàng quốc gia Campuchia và Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng ở đây

2 thoughts on “Kinh nghiệm du lịch bụi Phnom Penh (2): Wat Phnom, Centre Maket và Royal Palace

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

“Câu trả lời ngắn gọn nhất là hành động”

Có bao giờ lời nói, hành động, suy nghĩ của những người xung quanh khiến bạn cảm thấy không còn tự tin? Bao giờ những người đó chính là người xung quanh bạn? Nếu bạn đã và đang ở trong trạng thái đó, hãy để tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của tôi. […]

Tháng Tám 31, 2021

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu? Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều […]

Tháng Tám 30, 2021

Bản nháp Lời tựa cuốn sách đạp xe 63 tỉnh thành Việt Nam

Năm 17 tuổi, đã có lúc, tôi nghĩ tới việc lao đầu vào ô tô để kết liễu cuộc đời mình, sau những lần chứng kiến những cuộc chiến tranh của Bố Mẹ, và đã có lúc tôi tham gia vào cuộc chiến ấy như một con thú với tất cả bản năng hoang dại […]

Tháng Tám 29, 2021

Đi như thế nhỡ hỏng xe thì phải làm sao?

Đó là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều người từng hỏi mình câu đó. Phải làm sao nhỉ? Mình có cả một bộ dụng cụ sửa xe ở đằng sau chiếc balo, cờ lê, bộ vá xe được WETREK tài trợ, mình mua theo cả săm dự phòng để thay khi cần. […]

Tháng Tám 27, 2021

Cái duyên với Thiền viện Trúc Lâm

Tôi đói lả người, mệt, kiệt sức. Cố hết sức đạp đến chân Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lúc đó cũng gần 7h tối, tôi nhìn thấy đường lên dốc cao hơn những con dốc dạng sóng nhẹ mà mình vừa đi qua, thấy nản. Khi đói, mệt, thêm với sợ tối, tôi đã […]

Tháng Tám 26, 2021