Khám phá thác Liêng Nung, Gia Nghĩa, Đắk Nông

Nằm giữa núi rừng, với vẻ đẹp hoang sơ bí ẩn, gần như không có dấu chân của khách du lịch, đấy là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến thác Lung Niêng, Gia Nghĩa, Đắk Nông. Phố thị hoa vàng Gia Nghĩa mang trong mình một tương lai trở […]

Trần Việt Anh Tháng Chín 12, 2015

  • Chia sẽ:

Nằm giữa núi rừng, với vẻ đẹp hoang sơ bí ẩn, gần như không có dấu chân của khách du lịch, đấy là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến thác Lung Niêng, Gia Nghĩa, Đắk Nông.

Phố thị hoa vàng Gia Nghĩa mang trong mình một tương lai trở thành thành phố du lịch của tỉnh Đắk Nông. Xưa kia chỉ là nơi dừng chân nghỉ giữa đường của những chuyến xe Sài Gòn đi Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… nhưng nay thị xã Gia Nghĩa, với khí hậu lý tưởng, lượng mưa ít, nhiệt độ trung bình ổn định, vị thế đẹp hứa hẹn trở thành Đà Lạt thứ 2, nhưng sẽ mang dấu ấn của người Việt, thay vì người Pháp.

Khi tới thị xã Gia Nghĩa, nơi nổi tiếng với nhiều con thác hung vỹ, chúng tôi chọn Liêng Nung là điểm đến cho mình. Thác Liêng Nung (hay còn gọi là thác Diệu Thanh) thuộc buôn N’Jriêng, nằm ngay bên QL28 hướng đi Lâm Đồng, chỉ cách thị xã Gia Nghĩa 8km. Rời xa những con đường uốn lượn, khu phố đông đúc trong thị xã chúng tôi đến với buôn N’Jriêng, buôn làng với hầu hết là đồng bào M’Nông sinh sống. Dừng chân ở trung tâm buôn gửi xe máy, chúng tôi đi bộ vượt qua con đường trải nhựa, sau đó là những bậc thang xi măng và cuối cùng băng qua con đường đất cây cối đan vào nhau um tùm, um tùm tới mức nếu không dung tay vén từng đám lá sẽ không thấy nổi đường đi. Liêng Nung nằm ở đó, lặng lẽ một mình.

Đoạn đường ấy dài hơn 1km. Ngay từ xa cách vài trăm mét chúng tôi đã nghe tiếng dòng suối Đắk Ninh rì rào chảy, như tiếng ai đó thì thào trong rừng sâu. Lại gần hơn, tiếng suối nghe rõ hơn, rồi bất chợt, Liêng Nung hiện ra đầy ấn tượng, với hình dáng của một dải lụa trắng vắt dọc trên vách đá treo leo, chắc ai đó đã bỏ quên giữa rừng. “Liêng Nung, chính là Liêng Nung đó” – một thành viên trong đoàn vui sương hô to. Tất cả chúng tôi thêm phần háo hứng, mong đi thật nhanh để lại gần hơn dòng thác. Tuy nhiên càng đi,  qua còn đường nhựa, rồi những bậc thang càng dẫn ra xa phía thác. Chúng tôi hiểu rằng con đường đang dẫn mình xuống thấp hơn. Và rồi ở khúc quanh cuối con đường nhựa, băng qua đoạn đường đất, chúng tôi nghe tiếng thác đổ. Âm thanh ấy lớn dần, lớn dần, dữ dội. Niềm phấn khích dâng trào cao hơn, khiến chúng tôi bước nhanh hơn, vén nhanh những cành cây công sạn, thậm chí để mặc chúng chắn đường cứ thế mà lướt qua, đầy hối hả, háo hức.

Những bụi cây um tùm hai bên đường xuống thác.

Liêng Nung hiện ra sau những lùm cây, rõ ràng, đầy choáng ngợp. Những hạt bụi nước li ti theo luồng không khí mà dòng thác tạo ra bay xa cả vài chục mét, cao tít lên ngang ngọn của những cây cao, ,át rượi. Ánh nắng rọi lên đám bụi nước ấy và cầu vồng xuất hiện. Dải lụa trắng ban nãy khi lại gần thì biến thành dòng nước ầm ầm đổ từ độ cao 30m xuống dưới, khỏe khoắn, mạnh mẽ. Lại gần hơn chân thác, một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp với sắc cồng vồng mở ảo, những mảnh rêu xanh bám chặt lấy mảnh núi đá, vòm núi đá thanh với đầu hình tứ giác, lục giác kỳ lạ ghép vào nhau thành một tổ ong vàng khổng lồ. Một không gian đầy bụi nước, ướt nhẹp, những cây cỏ nhỏ cạnh chân thác bị hơi nước thổi dạt xuống. Cả núi rừng dường như nghiêng mình trước Liêng Nung, không còn một âm thanh nào khác, chỉ còn một màn độc tấu đầy kiêu hãnh, mạnh mẽ vọng vang.

Liêng Nung hiện ra đầy choáng ngợp.

Truyền thuyết kể lại rằng. Liêng Nung là thác nước duy nhất của dòng suối thiêng Đắk Ninh, bắt nguồn từ những khu rừng thiêng, nước trong vắt, uống vào thì khỏe mạnh, bệnh tật tiêu tan. Theo tiếng địa phương Liêng nghĩa là thác, Nung nghĩa là nghỉ ngơi. Bởi vì, nhờ uống nước, tắm táp, nghỉ ngơi ở đây, nên người và súc vật khỏe mạnh, phát triển đông đúc. Tuy nhiên vào một năm xa xưa, hạn hán xảy ra khiến không chỉ cây trồng mà cả cây rừng, thú rừng, vật nuôi chết khát nhiều vô kể. Chỉ riêng người và súc vật ở Liêng Nung là còn sống sót nhờ dòng thác thần kỳ. Người dân quanh vùng hay tin cũng kéo nhau tới uống nước thiêng Liêng Nung. Thế nhưng, được một thời gian, những kẻ ác nổi lòng tham chiếm lấy dòng thác này. Chúng gây hấn, phá ống lồ ô đựng nước dưới thác, đánh đuổi người dân khỏi dòng thác này. Để bảo vệ dòng nước thiêng của buôn làng, K’Ẹ – một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tập hơn thanh niên, trai cháng và người dân trong lành đánh đuổi bọn gian ác. Cuộc chiến diễn ra cướp đi hàng trăm sinh mạng của cả người dân trong bon và bọn xâm chiếm, chỉ còn lại duy nhất mình K’Ẹ sống sót. Còn lại một mình, không người thân thích, nhìn buôn làng xác xơ, xác người chết ngổn ngang, bế tác chàng lên đường đi tìm người giúp đỡ. Bỗng một hôm, trên đường đi chàng gặp một cô gái đang nằm thoi thóp vì khát nước nên đưa về Liêng nung, lấy nước cho cô gái uống. Kỳ lạ thay, sau khi uống nước của dòng thác, người con gái có tên là H’Dệt không chỉ khỏe ra mà còn “lột xác” trở nên vô cùng xinh đẹp. Thế là từ đó K’Ẹ và H’Dệt đã nên duyên vợ chồng. Sau khi lấy nhau, vợ chồng K’Ẹ chăm chỉ làm ăn, nên rẫy nhiều vô kể, lúa chất đầy kho. Nàng H’Dệt thì khéo tay biết làm tất cả mọi việc, từ ủ rượu cần cho đến dệt thổ cẩm, đan lát… Ít lâu sau, hai vợ chồng đã sinh được hai người con trai khỏe mạnh, đặt tên là K’Pên và K’Peo. Sau khi hai con đã biết quấn cái khố thì một hôm nàng H’Dệt xuống thác tắm và từ đấy không quay về nữa. K’Ẹ và các con đi tìm thì chỉ nghe một giọng nói thần bí từ thác vọng lại rằng: “H’Dệt là tiên được Giàng cử xuống để giúp người Mạ ở đây duy trì nòi giống, hết thời hạn nàng phải quay về trời”. Bố con K’Ẹ buồn lắm nên ngày ngày đều xuống thác những mong gặp được nàng H’Dệt, nhưng hình bóng chẳng thấy đâu, chỉ dòng thác thì hiền hòa hơn và dòng chảy ngày càng giống như mái tóc của nàng H’Dệt. Biết không thể gặp lại được H’Dệt, bố con K’Ẹ từ đó dốc sức làm ăn. Hai người con cũng lấy vợ, sinh con lập nên ba bon N’riêng, Bu Sốp và Ting Wel Đơm tồn tại và phát triển cho đến bây giờ.

Gương mặt người phụ nữ M’Nông trong bản J’riêng trên đường lấy củi về.

Liêng Nung vẫn còn rất hoang sơ, ít người lui tới. Có lẽ nơi này sẽ giữ được vẻ hoang sơ ấy cho tới ngày thị xã Gia Nghĩa vươn dậy trong hình hài thành phố du lịch. Và đồng bào M’Nông ở buôn N’Jriêng vẫn giữ cho mình một Liêng Nung hoang sơ, vắng vẻ, đầy tự hào. Còn du khách như chúng tôi khi lui tới đây vẫn vô tình bắt gặp phía xa xa, giữa rừng núi kia có một dải lụa trắng ai đó bỏ quên, chứ không phải những tấm biển chỉ dẫn du lịch, những hàng quán xôn xao…

Một vài lưu ý nhỏ khi ghé thăm Liêng Nung

  • Con đường nhựa theo quy hoạch du lịch không thể đi đến tận phía chân thác, bạn phải để xe cách thác khoảng 2 – 300m rồi đi bộ xuống. Nhưng quanh thác không có gia đình nào kinh doanh, hay trông giữ xe. Để đảm bảo an toàn bạn nên gửi xe tại gia đình người đồng bào M’Nông phía trên dốc. Người dân ở đây rất tốt bụng và thân thiện.
  • Vào mùa mưa thác nhiều nước hơn.
  • Thác Liêng Nung rất hoang sơ và chưa có ai khác thác du lịch. Bạn nên chủ động chuẩn bị đồ ăn và nước uống cho mình.
  • Không nên tắm dưới thác vì dòng nước chảy rất siết.
  • Nên mang theo áo mưa nếu đi vào mùa nước lớn.

*Bài viết có tham khảo tài liệu về truyền thuyết Liêng Nung tại Wikipedia (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1c_Li%C3%AAng_Nung)

Trần Việt Anh

Bài viết và ảnh mình gửi đăng trên Vnexpress.net, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *