
5 năm hoàn thành 2 bằng Đại học: Làm sao để thỏa sức ‘ăn chơi’ và tốt nghiệp ngon lành?
Chạy theo một trường đại học đã đủ “mướt mải mồ hôi”, vậy những bạn sinh viên học 2 ngành – 2 trường cùng lúc thì biết xoay xở thế nào? “Đám mọt sách, mắt lồi” ấy liệu có hiểu thế nào là tận hưởng cuộc sống ngoài bài vở, bút sách không? Với tư […]
Chạy theo một trường đại học đã đủ “mướt mải mồ hôi”, vậy những bạn sinh viên học 2 ngành – 2 trường cùng lúc thì biết xoay xở thế nào? “Đám mọt sách, mắt lồi” ấy liệu có hiểu thế nào là tận hưởng cuộc sống ngoài bài vở, bút sách không?
Với tư cách là “tấm chiếu từng trải” trong việc tốt nghiệp 2 bằng đại học, mình tự hào vì có cơ hội được quẩy nhiệt thành suốt thời sinh viên. Mình chủ động xin bố mẹ cho học bằng kép. May mắn thay, phụ huynh chưa bao giờ từ chối cho việc đầu tư vào giáo dục.
Khao khát của con – khả năng đáp ứng của bố mẹ, hai việc quan trọng ấy đều được hài hòa thông qua. Vậy còn chần chừ gì nữa, chuẩn bị đầy đủ tinh thần và thể lực để “tắm mình” trong dòng sông tri thức thôi!
Học song song 2 trường: Đời sinh viên chưa từng có một kỳ nghỉ hè
Suốt 5 năm theo học đại học, mình chưa từng biết nghỉ hè “tẹt ga” nướng, ăn uống thỏa thuê “mập múp míp” là cảm giác thế nào.
Trường mình theo học là 2 trong 10 trường thành viên của Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQG). Do ĐHQG chỉ cho phép thời gian tối đa học là 6 năm, kể cả học 2 – 3 trường cùng lúc. Vì thế, thời khóa biểu của trường ĐH thứ hai luôn được “khéo léo”, luồn lách xếp vào bất cứ thời gian trống nào của trường còn lại.
Chót “đâm lao thì phải theo lao”, lịch học làm sao thì mình sẽ nương theo như vậy vì muốn ra trường đúng (trước) hạn và không mất thời gian đi lại nhiều. Chính vì thế, kỳ nghỉ hè dài nhất của mình thời sinh viên thường kéo dài vỏn vẹn khoảng 7 ngày. Sau đó, dù 6h30 sáng hay 12h30 trưa nóng há miệng, mình cũng phi thân băng băng đến trường.
Một phương thức thần chú giúp sinh viên thoát khỏi cảnh bài vở, deadline đè đầu
Một trong những lý do khiến mình đưa ra quyết định học bằng kép đơn giản vì muốn nối gót chị gái. Chị mình cũng học 2 ngành – 2 trường cùng lúc mà chưa từng kêu ca học vất vả. Mãi sau hỏi ra mới biết, không kêu ca – học nhàn nhã bởi chị mình là “chúa trốn học” và có kỹ năng quay cóp thành thần. Thành thử, việc học cứ trôi qua bình bình cho tới lúc ra trường.
Về phần mình, thời gian đầu, bên cạnh việc học 2 trường đại học, mình còn học thêm tiếng Nhật ở trung tâm bên ngoài. Có những buổi thi tiếng Nhật, mình bất lực vì không nhớ được từ, phải trả lời thầy bằng tiếng Anh. Tương tự, điều ngược lại cũng xảy ra ở trường học, thi tiếng Anh – trả lời tiếng Nhật.
Tuy nhiên, quãng thời gian loạn ngôn ngữ và khủng hoảng này không diễn ra lâu. Thừa biết bản thân không có nhiều khả năng “thiên bẩm” như chị gái, mình phải tìm cách để tình trạng này không thể xảy ra thêm nữa.
Mình vẫn luôn tự gọi bản thân là một đứa “sổ bút” – vật bất ly thân trong balo mỗi ngày. Ở đó, mình ghi ra tất cả deadline các môn của 2 trường đại học, yêu cầu của thầy cô, và ý tưởng của mình cho mỗi chủ đề.
Ngoài ra, mình có một quy định cho bản thân:
- Không bao giờ hoàn thành bài đúng deadline – luôn phải xong trước ít nhất 1 ngày
- Nếu 2 môn có hạn nộp cùng 1 ngày thì môn dễ hơn phải xong trước, bài khó cần “done” trước deadline nửa ngày.
Có những lần gặp trúng môn khó chỉ biết than “ối dồi ôi”, mình thức liền 24h làm bài. Ngày hôm sau đến trường nộp trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nói năng líu lưỡi. Phù, ơn giời cũng chỉ gặp 2 lần như thế.
Đảm bảo duy trì đủ hoạt động: Học – Thể thao – Làm thêm – Du lịch
Ngoài thời gian học ở trường, mình còn tham gia thêm câu lạc bộ võ Vovinam. Ngoài ra, cuối tuần hoặc bất kể ngày nào nghỉ học, mình đều tranh thủ đi Thư viện quốc gia Việt Nam (địa chỉ: 31 Tràng Thi). Mình hay “lạc trôi” trên thư viện vì ở đây cây cối xanh mướt mải, Hà Nội đố tìm được đâu có được khoảng không gian lớn, yên tĩnh và nhiều sách hay đến thế đấy.

Bên cạnh thời gian học, mình tham gia làm CTV cho trang tin điện tử như Lost Bird, Bất động sản Việt Nam Realtimes tới tận khi ra trường. Các trang mình tham gia cộng tác không yêu cầu số lượng bài viết cụ thể nên mình làm việc chăm chỉ “tùy hứng”.
Như đã chia sẻ, thời gian nghỉ hè của mình thường ngắn khoảng 7 ngày. Nhưng không sao, cái gì càng ít và hiếm, càng dễ khiến người ta thấy trân quý hơn. Thời gian này, mình thường tranh thủ book ngay một chuyến đi xa xa, ăn – chơi – quẩy nhiệt “hết ga hết số”. Nạp đủ năng lượng tích cực xong, quay về thực tại, lại tiếp tục có đủ pin, tự tin cho các chuỗi hoạt động, bài vở từ tứ phía.
Cuối cùng nhưng quan trọng nhất: Dành thời gian đều đặn cho gia đình và bạn bè
Quê mình cách Hà Nội (nơi mình theo học đại học) khoảng 70km. Dù học cả thứ 7 và chủ nhật, mình vẫn tranh thủ sắp xếp về nhà, khoảng 2 tuần/lần. Đây thật sự là điều mình mong chờ nhất mỗi tháng. Về nhà vừa được tận hưởng trọn vẹn combo sung sướng ăn – cười – nói, vừa được chở theo “của nải”, lương thực đủ ăn tưng bừng trong những ngày tháng ở Hà Nội.
Với bạn bè, tụi mình luôn tranh thủ rủ rê nhau túm tụm ăn vặt, lang thang chụp ảnh quanh trường. Chính sự xuất hiện của hơn 10 đứa con gái ế trong nhóm là động lực để tụi mình chăm chỉ đi học mỗi ngày. Đi học để học (hiển nhiên), để bàn tán, để trêu đùa và cùng nhau cười hể hả vì 1 vàn câu chuyện không đầu cuối.
Nếu ai đó hỏi lại, học song song 2 trường 1 lúc có đáng không, mình tự tin khẳng định: rất đáng. Mình vui vì được kết nối, học hỏi từ rất nhiều bạn dễ thương, đa năng, tài giỏi. Mình hạnh phúc vì gặt hái được bồ kiến thức to đùng, dù sau đó rơi rụng đáng kể. Và mình tự hào, vì vừa ra trường, đã nhanh chóng tìm được công việc với mức lương như kỳ vọng của bản thân.
Mình tin rằng, mỗi người sẽ có những hướng khác nhau để trau dồi kiến thức, kĩ năng: học 1 trường, học cùng lúc 2 trường, trải nghiệm trường đời…. Bạn chọn cho mình 1 lối đi phù hợp, tin tưởng vào bản thân và chúng ta cùng cố gắng, phát triển để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình nhé!