Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu? Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều […]

Trần Việt Anh Tháng Tám 30, 2021

  • Chia sẽ:

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu?

Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều lần ngày còn bé. Khi ấy, tôi là một đứa trẻ nhỏ, nhỏ lắm, mẹ tôi nói lúc đó tôi 2 tuổi, tôi một mình đi bộ vào trong một khu chợ, tôi nhìn thấy xung quanh mình là một Thế Giới vô cùng to lớn, có nhiều người khổng lồ đi lại, tôi đã rất lo lắng, hoảng sợ, vì thế giới xung quanh quá lớn, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi đến hàng bán tiết canh của một cô trong chợ và hình như, theo lời mẹ kể, tôi đã ăn một bát tiết canh.

Tôi đã cho cả nhà một phen tóa hỏa vì chuyến khám phá đầu tiên trong đời mình. Thực ra chỉ là một thằng bé đi từ cái quầy may quần áo của mẹ nó ở ngoài cổng chợ vào khu bên trong thôi, nhưng tôi nghĩ máu khám phá đã chảy trong huyết quản tôi từ khi tôi còn rất nhỏ, hay từ bao nhiêu cuộc đời trước?

Một ký ức khác, là khi tôi 4 tuổi, gia đình tôi chuyển từ Ninh Giang (Hải Dương) ra Hải Phòng, trên chuyến xe khách hôm ấy, tôi không nhớ đó có phải lần đầu tiên tôi đi một chuyến xe khách hay không, nhưng tôi không bao giờ quên ký ức đó, khi tôi nhìn ra ngoài ô cửa kính là cả một thế giới mới lướt qua trước mặt mình.

Rồi khi ra Hải Phòng, tôi thích lắm khi được ngồi sau xe anh hàng xóm chở tôi đến một “vùng đất mới” cách nhà mình 2km để hái quả tanh tách. Trên đường về tôi tự hỏi: khu nhà mình rộng thế này, không biết bao giờ mình mới khám phá hết từng ngõ ngách nhỉ? – Khi đó tôi đang học lớp 2.

Máu khám phá đã chảy trong huyết quản của tôi từ khi còn là một cậu bé?


2. Chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy và xe đạp cũng lâu rồi nên chị điểm lại thôi, không nhắc nhiều nha. Nhìn lại thì kỷ niệm gì đáng nhớ nhất với em ở 2 chuyến đi này? Lần đầu đi xuyên Việt em đã trải qua những khó khăn gì, khắc phục ra sao?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi xuyên Việt lần đầu tiên bằng xe máy là trải nghiệm 3 tháng bán nước mía, trứng cút lộn ở hè phố Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Kỷ niệm ấy cũng bắt nguồn từ một sự cố, khi vào TP.HCM được vài ngày, tôi đi ăn hủ tiếu với đứa bạn cấp 3 làm rơi mất ví, thế là không thể xin việc và tôi đã cùng 2 người anh mình mới quen bán nước mía, trứng cút lộn, sau này mở một quán cafe nhỏ, nhưng vài tháng thì dẹp tiệm vì đám thanh niên sáng bán nước mía, tối đi Bùi Viện nhậu đến sáng. Đó là một trong những kỷ niệm vui nhất mà tôi từng có ở TP. Hồ Chí Minh.

Chuyến đi xuyên Việt lần thứ 2 bằng xe đạp, khó khăn lớn nhất có lẽ là những con đèo ở dẻo cao Tây Bắc, tôi đã ngây thơ chọn quãng đường khó khăn nhất ngay khi bắt đầu hành trình, có con đèo dốc lên dài tới 30km như Ô Quy Hồ, dắt bộ nguyên một ngày mới lên đến đỉnh đèo. Nhưng đó cũng là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt chặng hành trình.
3.  Có kinh nghiệm đạp xe xuyên Việt rồi, khi đạp xe qua 11 nước ĐNA em có thấy dễ dàng ko hay ngược lại, lại gặp tiếp những khó khăn, trở ngại khác?

Khi đạp xe xuyên Việt rồi, có sức khỏe nên việc đạp ở Đông Nam Á khá dễ dàng, khó khăn nhất là: tài chính và ngôn ngữ. Nhưng may mắn là chặng hành trình ở Việt Nam đã chuẩn bị cho tôi đủ kỹ năng sống, đủ sức khỏe để có thể xoay xở. Tôi từng phải làm bồi bàn ở Lào trong 10 ngày để kiếm tiền đi tiếp, ăn đường, ngủ chợ, ngủ chùa, nhà thờ, đồn cảnh sát… đủ cả.
4. Em kể ngắn gọn về chuyến đạp xe qua 11 nước này nha (điểm lại hành trình theo thứ tự)? Mỗi một nước, ấn tượng nhất với em là điều gì (có gì hay) và điều đáng nhớ nhất là gì?

1) Đất nước đầu tiên là Cambodia: ở đất nước này ký ức trong tôi là sự nghèo nàn, khắc khổ của cả người Khmer lẫn những người Việt đang sống lênh đênh trênh Biển Hồ (khi đó người dân mình còn chưa được chứng nhận cư trú hợp pháp, không giấy tờ tùy thân) nó đối lập với những kỳ quan vỹ đại ở Angkor Wat, chùa Vàng chùa Bạc. Hay những dấu tích mà quân Khmer Đỏ đã để lại ở Cánh đồng chết, ở nhà tù Tlung Saleng – nơi nạn diệt chủng diễn ra. Thế Giới quan của tôi đã thay đổi rất nhiều khi đến đó.

2) Đất nước tiếp theo là Thái Lan: một đất nước thanh bình, với những con người hiền hậu, dễ mến. Người Thái có lẽ là dân tộc “lành” nhất ở Đông Nam Á. Tôi ở Thái rất lâu và rất nhiều. Khi đến Thái, thật khó để không ở đó lâu và thật khó để không quay trở lại.

3) Lào – một đất nước bình yên, hạnh phúc. Người dân ở đây sống chậm. Đến Vientiane mà cảm giác như đang ở Hà Nội vậy, vì có quá đông người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây. Lào yên bình, hơi buồn một chút.

4) Myanmar – tôi chỉ ở Myanmar 4 ngày vì đường đi xấu, ở Myanmar lúc ấy Đảng bà Aungsungky đang đấu tranh chống lại chính quyền quân đội nên an ninh ở Myanmar siết rất chặt, khách du lịch không được ngủ nhờ dù là ở chùa, giá dịch vụ du lịch đắt đỏ, đồ ăn không hợp nên tôi quay lại Thái Lan. Ấn tượng với người Myanmar là họ hiền lành, chân chất, đất nước vẫn còn nghèo nàn (như ở những vùng quê tôi qua)

5) Malaysia – đất nước Hồi Giáo đầu tiên tôi từng đặt chân tới, tôi ấn tượng với hệ thống giao thông ở đất nước này, với chế độ Vua Hồi Giáo của các bang, với cách người Ấn – người Mã Lai – người Trung Hoa sống chung tạo ra một cộng đồng rất đặc biệt. Ngày đầu tiên từ Thái qua Malaysia tôi được một người bạn Hồi Giáo giúp, tôi đã “cố tính” xin nghỉ nhờ rất nhiều lần ở nhà thờ Hồi Giáo và thấy họ hiền lành không phải ai cũng là những phần tử cực đoan như trên TV thường nói.

6) Singapore – đảo quốc nhỏ bé nhưng kinh tế phát triển, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, đời sống của người Singapore cao hơn các nước khác trong khu vực, cái gì cũng đắt đỏ. Tôi cảm thấy mình không hợp với sự hiện đại đó khi là một người du lịch bụi, nhưng khi là một doanh nhân khởi nghiệp – đó có vẻ là một thiên đường ở Đông Nam Á với những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, cùng tầng lớp nhân sự chuyên môn cao tụ họp.

7) Indonesia – quốc đảo này là một hòn đảo vô cùng kỳ diệu, đúng như slogan “Wonderful Indonesia” mà họ lựa chọn. Tôi nhớ những ngọn núi lửa, những người bạn Hồi Giáo hiền lành, những con đường rợp bóng cây, những món ăn bốc bằng tay, những nhà thờ Hồi Giáo nhỏ xinh, nhớ hòn đảo Bali với kiến trúc, văn hóa đặc trưng vô cùng độc đáo. Nếu lựa chọn một nơi để quay trở lại ở Đông Nam Á sau khi dịch kết thúc, tôi sẽ trở lại Bali, trở lại Indonesia để tiếp tục hành trình khám phá đất nước này và leo những ngọn núi lửa.

8) Brunie – một quốc gia nhỏ bé, nhưng giàu có. Đất nước này không có gì quá đặc sắc, ngoài việc: người dân ở đây giàu, họ sài chung tiền với Singapore và trong lãnh thổ của họ có rất nhiều giàn khoan dầu mỏ.

9) Timor-Leste: nãy tôi nói rằng Myanmar nghèo nhất, nhưng chắc không được, phải giành quyền này cho Timor-Leste, một đất nước mới tách ra khỏi Indonesia chưa lâu. Sân bay ở thủ đô cơ sở hạ tầng nghèo nàn và nhỏ như bến xe Miền Đông ở TP.HCM hay bến xe Mỹ Đình ở Hà Nội vậy. Người dân ở đây có màu da, đôi mắt, mái tóc… khá giống với người Nam Mỹ mà tôi thấy trên Tivi. Ở đó 4 ngày, có lần tôi cắm trại trước nhà Tổng Thống Timor-Leste, nhà ông ấy cũng nhỏ xíu. Người dân ở đây vẫn còn dùng dầu hỏa để nấu ăn và thắp sáng.

10) Philippine: một đất nước sôi động, nhộn nhịp và chênh lệch giàu nghèo phân biệt rõ rệt đặc biệt là ở khu trung tâm thủ đô Manila. Những tòa nhà văn phòng, khu căn hộ cao cấp đối lập với cảnh người vô gia cư dưới gầm cầu (Rất nhiều), những khu nhà nghèo nàn rìa ngoại ô. Tôi ở Manila 4 ngày trước khi bay về TP.HCM trong một căn hostel nhỏ nhưng có rất nhiều nhạc cụ, người dân Philippine (hình như) có năng khiếu chơi nhạc. Ở đó, tôi gặp hai nữ travel blogger xinh đẹp người Việt là Hà Ngọc Ngân và Linh.


5. Để thực hiện chuyến hành trình đạp xe giống như em, có cần phải có nhiều tiền không? Em cho lời khuyên cho những bạn chưa thử sức lần nào? (cần chú ý gì, chuẩn bị gì nha)

Hành trình xuyên Việt của tôi bắt đầu với 600 nghìn, một chiếc xe đạp đi mượn, một chiếc máy ảnh đi mượn, một chiếc laptop và ít đồ dùng sửa xe đi mượn nốt. Vừa đi vừa viết báo cho Vnexpress kiếm 150,000 – 200,000đ, bài nào may mắn top trend được 250,000đ, thế mà cũng đi hết được Việt Nam. Đi Đông Nam Á cần nhiều tiền hơn.

Tôi đã từng xoay xở trên đường, xoay xở nhiều cách để thực hiện đam mê của mình, nên nếu có lời khuyên tôi mong các bạn trẻ: hãy chọn cho mình một mục đích của chuyến đi – bạn đi để làm gì? Và (nếu được) nên chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi của mình càng kỹ càng tốt. Tuy nhiên, đừng vì quá kỹ càng mà đâm ra lo sợ, không dám thử sức mình. Thực ra để đi những nước trong khu vực không khó, chi phí hầu hết đều rẻ như đi du lịch Việt Nam (hoặc đắt hơn một chút), nhưng sẽ được gặp những nền văn hóa đa dạng, không có tiền đi Đông Á, Tây Á, đi Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi mình đi quanh xóm làng mình vậy, sau này lớn hơn, làm ra nhiều tiền hơn lại đi tiếp, đi xa hơn. Quan trọng nhất là những kiến thức, những bài học trên đường đi khám phá xóm làng cũng đã giúp mình có sự tự tin, hiểu biết, kiến thức để tạo ra những điều khác biệt rồi.

Sự tự tin là một điều rất cần thiết với bất cứ ai.
6. Công việc blogger bắt đầu từ khi nào? Em thấy công việc này thú vị ở điểm nào?

Thực ra khi viết blog tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ làm nghề này, chỉ vì thích viết và đam mê du lịch nên viết blog. Một ngày có người gọi điện mời hợp tác khi ấy mới biết là có thể kiếm ra tiền. Công việc travel blogger thú vị ở việc được đi nhiều nơi, có nhiều bạn bè chung sở thích, mở rộng tầm mắt, được trải nghiệm nhiều điều thú vị mà không mất tiền, thậm chí còn tạo ra thu nhập.


7. Từ khi dịch bệnh bùng phát, em có thực hiện thêm chuyến đi nào không? Trong những ngày phải ở nhà mùa dịch, em làm gì để thỏa nỗi nhớ xê dịch?

Từ khi dịch bệnh tôi ở nhà tiếp tục với công việc khởi nghiệp của mình, tôi dành thời gian để học, phát triển bản thân, ngồi viết lại những câu chuyện để hoàn thành cuốn sách đầu tay đã chờ đợi 7 năm nay để được viết nó.


8. Nếu sau khi hết dịch, em có dự định đi đâu hay làm dự án du lịch nào không?

Vào tháng 4/2021, tôi đã kết hợp với các đơn vị doanh nghiệp du lịch, ban quản lý du lịch tổ chức các chuyến FAMTRIP quảng bá vẻ đẹp Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đó là sứ mệnh của công ty Wonderful Vietnam – công ty khởi nghiệp đầu tiên của tôi, cũng là ước mơ của tôi sau khi đi hết Đông Nam Á là: quảng bá vẻ đẹp Việt Nam đến Thế Giới và mang Thế Giới đén Việt Nam.

Sau khi dịch kết thúc tôi sẽ cùng những người bạn của mình tiếp tục thực hiện nhiều chuyến đi như thế, giới thiệu nhiều điểm đến ở Việt Nam đến với mọi người. Và sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến truyền thông, quảng bá khác giúp các doanh nghiệp du lịch Việt Nam quảng bá sản phẩm du lịch của mình và phục hồi sau đại dịch.

Tôi cũng đang cùng hai người bạn đồng niên triển khai một dự án Kết nối – Hỗ trợ – Đào tạo cho các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Và bản thân cũng đang khởi nghiệp một dự án giúp các bạn trẻ trở thành Travel Blogger, thực hiện ước mơ được đi nhiều nơi, tạo ra thu nhập từ đam mê, sở thích của mình và sống một đời ý nghĩa.

Có rất nhiều thứ để làm và trong 4 tháng dịch vừa qua tôi đã chuẩn bị cho mình một: sức khỏe mới bằng việc tập thể dục mỗi ngày, đến ngay đã hơn 100 ngày liên tiếp. Tôi đọc sách, học những khóa học mới, khởi động những dự án mới, viết cuốn sách đầu tay của mình. Chuẩn bị cho ngày dịch bệnh qua đi và quyết tâm cháy hết mình với du lịch Việt Nam, góp sức cùng mọi người đưa du lịch Việt Nam đến với Thế Giới.

Mời bạn xem một số video demo tôi đã thực hiện tháng 4/2021 và sẽ ra mắt khi dịch Covid19 qua đi nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

“Câu trả lời ngắn gọn nhất là hành động”

Có bao giờ lời nói, hành động, suy nghĩ của những người xung quanh khiến bạn cảm thấy không còn tự tin? Bao giờ những người đó chính là người xung quanh bạn? Nếu bạn đã và đang ở trong trạng thái đó, hãy để tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của tôi. […]

Tháng Tám 31, 2021

Bản nháp Lời tựa cuốn sách đạp xe 63 tỉnh thành Việt Nam

Năm 17 tuổi, đã có lúc, tôi nghĩ tới việc lao đầu vào ô tô để kết liễu cuộc đời mình, sau những lần chứng kiến những cuộc chiến tranh của Bố Mẹ, và đã có lúc tôi tham gia vào cuộc chiến ấy như một con thú với tất cả bản năng hoang dại […]

Tháng Tám 29, 2021

Đi như thế nhỡ hỏng xe thì phải làm sao?

Đó là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều người từng hỏi mình câu đó. Phải làm sao nhỉ? Mình có cả một bộ dụng cụ sửa xe ở đằng sau chiếc balo, cờ lê, bộ vá xe được WETREK tài trợ, mình mua theo cả săm dự phòng để thay khi cần. […]

Tháng Tám 27, 2021

Cái duyên với Thiền viện Trúc Lâm

Tôi đói lả người, mệt, kiệt sức. Cố hết sức đạp đến chân Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lúc đó cũng gần 7h tối, tôi nhìn thấy đường lên dốc cao hơn những con dốc dạng sóng nhẹ mà mình vừa đi qua, thấy nản. Khi đói, mệt, thêm với sợ tối, tôi đã […]

Tháng Tám 26, 2021

Bạn chọn cách nào để trưởng thành?

Bạn chọn cách nào để trưởng thành? Tôi nghĩ sẽ có nhiều cách, nhưng gói gọn lại có thể là: Tịnh tiến từ từ Và đùng một cái, thay đổi 180 độ Và tôi đã chọn phương án số hai khi 23 tuổi: “Tự ném mình vào thử thách, để mình trưởng thành một cách […]

Tháng Tám 25, 2021