
Váy của phụ nữ và đôi điều về văn hóa người H’Mông ở Việt Nam
Việt Anh bị say mê màu sắc, họa tiết trên váy của người phụ nữ dân tộc H’Mông không kém với niềm yêu thích văn hóa, phong tục của dân tộc thiểu số này. Cũng không khỏi ngưỡng mộ trước bản tính hào sảng, hiếu khách của họ. Một điều thú vị mà Việt Anh […]
Việt Anh bị say mê màu sắc, họa tiết trên váy của người phụ nữ dân tộc H’Mông không kém với niềm yêu thích văn hóa, phong tục của dân tộc thiểu số này. Cũng không khỏi ngưỡng mộ trước bản tính hào sảng, hiếu khách của họ.

Một điều thú vị mà Việt Anh mới được biết là người Mông là dân tộc du mục. Nhờ bản tính này họ di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar… Ở Việt Nam họ di cư từ miền núi phía Bắc vào Gia Lai, Kon Tum sinh sống.
Theo thống kê năm 2009, ở Việt Nam có hơn 1 triệu người H’Mông đang sinh sống. Họ tập phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (ngoài ra dọc theo dãy Trường Sơn vào tận trong Tây Nguyên cũng có). Đặc điểm của người Mông là thích sống trên núi cao (800 – 1500m), nhà thường làm bằng gỗ (nhà người Mông ở Hà Giang làm bằng đất).

Tôn giáo của người Mông: theo Việt Anh được biết, đa phần người H’Mông theo saman giáo. Nôm na là thờ cúng ma trong nhà. Việt Anh có anh bạn ở Hà Giang, mẹ ốm, bà cụ bị sưng ở lưng giống như bệnh về phổi phải nằm không di chuyển được. Các cơn đau co thắt khiến bà cụ khó thở. Anh bạn liền mời thầy về cúng ma để chữa bệnh chứ nhất định không đưa bà cụ đi khám, Việt Anh khuyên mãi cũng không nghe, nhưng mấy tháng sau quay lại thấy bà cụ khỏe lại, đã đi lại được, không hiểu do nguyên nhân gì. Tóm lại, người H’Mông chủ yếu theo Saman giáo nhé! Cũng có một số ít theo đạo Phật và Thiên Chúa giáo.

Người Mông là dân tộc Việt Anh tiếp xúc nhiều nhất, ăn nhờ, ngủ nhờ cũng nhiều nhất… Người Mông có tính cách rất hào sảng, hiếu khách. Khách tới nhà được tiếp đãi rất chu đáo, chiếc giường to và sạch đẹp nhất trong nhà luôn để nhường cho khách. Rượu ngô luôn rót đầy. Mình vào ở nhà người Mông cứ tự nhiên thoải mái như đang ở nhà mình.


Ẩm thực đặc trưng của người Mông là: rượu ngô, thắng cố và mèn mén (ngoài ra tết có cả thịt gác bếp, hoặc thịt ướp muối để nửa tháng cho có vị chua chua, thum thủm mới ngon… eo ơi! Việt Anh ăn mấy lần rồi, hơi khó nuốt nhưng lúc đấy đói cứ chén bừa, thế mà không đau bụng gì đâu nhé!). Rượu ngô người Mông chuẩn nấu bằng men lá, ngô thường ủ vào tầm tháng 9 vì thời tiết lúc đấy thích hợp cho việc lên men. Ngô thường ủ lên men trong vòng 20-25 ngày, nhiều khi lâu thì ủ tới 1,5 tháng mới bỏ ra nấu. Chén rượu ngô nhẹ thì uống thấy “mát miệng”, rượu được đánh giá là ngon phải là rượu uống vào đến đâu biết đến đấy (nóng chạy dọc ruột).

Mèn mén là món bột ngô xay, đem hấp cách thủy. Thực sự món này khó ăn. Vì sống ở trên núi cao nên người Mông trồng ngô làm lương thực thay lúa (cũng có nhiều nơi trồng được lúa như Sapa). Mùa nào có tiền đong gạo ăn gạo, không có tiền đong gạo ăn mèn mèn, chan nước canh rau cải mèo cứ thế ăn. Sang hơn thì có hạt đỗ đỏ xào với mỡ lợn thôi… Thịt thì thường có vào dịp lễ, tết.
Đám ma người Mông là phong tục khá hay. Người chết được đặt trên cái võng, làm từ hai thanh tre dài và treo lên ngang tường. Họ đắp cho người chết cái khăn trắng, đặt bát cơm và bình rượu bên cạnh trong 3 ngày (ngày xưa lâu hơn). Kèn trống đánh ngày đêm. Anh em xóm làng đến viếng có gì mang đấy, người có rượu mang 5 lít rượu đổ vào một cái “tét nước” uống chung, người có gạo mang gạo, có đỗ mang đỗ, không có gì đến viếng 20-30k. Còn chủ nhà phải giết bò, giết lợn hoặc dê để làm cơm mời làng xóm. Khách đến nhà chủ nhà mời một chén rượu đầy, quỳ gối cảm tạ vì đã đến chia buồn. Việt Anh thấy ấn tượng nhất là việc người sống đến đứng cạnh người chết trò chuyện. Không chỉ thế, họ còn hát, những điệu hát ma nghe du dương nhẹ nhàng, như một khúc hát ru đưa người chết về với tổ tiên chứ không quá đau thương mất mát như người Kinh mình. Khi hát, tay họ chạm vào chiếc võng người chết đang treo trên tường, thân và vai lắc lư theo điệu hát… Một nghi lễ tiễn biệt rất đẹp. Sau đấy người chết được cho vào quan tài gỗ và đem đi chôn. Hình như không có tục bốc mộ, người đặt xuống vĩnh viễn nằm lại với lòng đất.


Cuối cùng là điều mà Việt Anh ấn tượng, đấy là trang phục của người phụ nữ H’Mông. Những chiếc váy của phụ nữa Mông là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, để làm ra chiếc váy là cá một quá trình lao động công phu. Bắt đầu từ việc trồng lanh vào tháng 2 âm lịch. “Với người Mông, sợi lanh không chỉ là vật liệu cơ bản để dệt vải may mặc, phục vụ nhu cầu của đời sống vật chất con người, mà cây lanh sợi lanh đã đi vào thế giới tâm linh, tình cảm, trở thành một thứ biểu tượng cho sự bền chắc của đời người, của tuổi thọ, sự gắn bó lứa đôi, là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết trở về với tổ tiên, là cầu để linh hồn tổ tiên đầu thai trở lại với con cháu.” (đoạn này copy của nhà báo Nguyễn Hồng Vân trong bài “Nghề dệt vải lanh của dân tộc Mông Trắng ở Cao Bằng). Sau khi thu hoạch, cây lanh được đem về nhà, phơi khô, tách vỏ. Vỏ lanh được đem đi giã, tước lấy sợi tơ mềm bên trong, sau đấy nối lại thành sợi dài (công đoạn này mất công nhất). Lanh sau khi nối, đem ngâm nước cho mềm và được quay thành sợi bằng một guồng quay to (công đoạn này đòi hỏi khéo léo, cũng mất công không kém). Sợi lanh sau đó được tẩy để bong hết vỏ xanh, tẩy bằng cách đem sợi luộc bằng nước có hòa với tro củi. Rồi lại đem đi lu bằng gỗ để cho sợ mềm và bông. Sợi lanh khi đã được tẩy sạch là lu cho mềm, được đưa vào guồng để cuốn thành các ống sợi. Tới công đoạn cuối cùng là cho vào khung dệt thì đã mất tới mấy tháng trời. Người Mông chỉ dệt trong lúc nhàn rỗi nên có khi hàng tuần mới dệt xong một khổ vải. Vải dệt xong muốn được đẹp, trắng thì phải tẩy trắng bằng tro bếp nhiều lần như tẩy sợi. Sau đó giặt sạch nấu với nước có pha sáp ong để hồ vải cho cứng, muốn mặt vải bóng, mịn người ta lại dùng lu vải bằng gỗ lăn cho mặt vải bóng, nhẵn. Cuối cùng là công đoạn thêu hoa văn, họa tiết. Kỹ thuật thêu hoa văn họa tiết của người Mông cũng rất ấn tượng, các mẫu thêu chéo, hình chữ x, hình vuông mà ghép thành một bức tranh đầy màu sắc. Váy người H’Mông hoa ở Sapa, hay H’Mông trắng không có họa tiết thêu, thay vào đó người ta dùng sáp ong vẽ các hình họa tiết, hoa văn lên, sau đấy đem váy đi nhuộm màu tràm tím, cuối cùng sáp ong bong ra thế là có họa tiết màu trắng trên nền váy tím than. Vì trải qua rất nhiều công đoạn nên thường một năm một người phụ nữ Mông chỉ làm được một chiếc váy để mặc dịp lễ tết, mặc trong đám cưới.



Trên đây là những gì Việt Anh đã tìm hiểu về người Mông ở Việt Nam, đặc biệt là về váy áo. Việt Anh sẽ update thêm thông tin và ảnh cho mọi người khi tìm hiểu được thêm. Bonus thêm tấm hình anh người Mông trông giống mặt Việt Anh nhé! Bạn nào cần ảnh chất lượng cao cho việc học tập, hay nghiên cứu có thể nhắn tin cho Việt Anh qua fanpage nhé!

Một số nơi bạn có thể đi du lịch để trải nghiệm văn hóa cùng người H’Mông:
Trần Việt Anh – Dulichbui24.com