Mẹo tiết kiệm khi đi du lịch của tôi (di chuyển, ăn, ở…)

Với một người thích xê dịch, với kinh phí tự túc như mình thì tiết kiệm khi đi du lịch là điều rất quan trọng. Có nhiều bạn nhắn tin hoặc viết thư cho mình nói rằng họ cũng thích đi đây đi đó, thích khám phá những nền văn hóa, con người mới… nhưng không […]

Trần Việt Anh Tháng Năm 3, 2016

  • Chia sẽ:

Với một người thích xê dịch, với kinh phí tự túc như mình thì tiết kiệm khi đi du lịch là điều rất quan trọng. Có nhiều bạn nhắn tin hoặc viết thư cho mình nói rằng họ cũng thích đi đây đi đó, thích khám phá những nền văn hóa, con người mới… nhưng không có điều kiện. Mình thì bảo rằng không có điều kiện vẫn có thể đi được, chỉ cần biết cách. Hay khi bạn đang đi du lịch rồi, vẫn có những cách để bạn đi được nhiều hơn nữa.

Bài viết này mình sẽ chia sẻ lại kinh nghiệm tiết kiệm khi đi du lịch mà mình đã đúc rút được sau một thời gian đi lang thang, viết blog… Hy vọng nó sẽ giúp cho những người trẻ có cùng sở thích như mình tiết kiệm để đi dược nhiều nơi hơn.

(Để tiết kiệm thời gian bạn có thể click vào chủ đề bạn quan tâm để đọc ngay bên dưới đây)

Đi tiết kiệm

Đi lại, di chuyển là một trong những khoản tốn kém nhất. Một chuyến đi Bangkok trong 3-4 ngày tốn 5-6tr thì trong đấy đã gần 4tr là dành cho tiền máy bay. Ở chỉ mất 5-10$/ngày (hostel), ăn cũng chỉ trung bình 1,5$/bữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, di chuyển là phần tốn kém nhất. Đi có nhiều loại, nhưng hai phương thức di chuyển chính là bay rẻ và đi đường bộ rẻ.

kinh nghiệm tiết kiệm khi đi du lịch

Airasia cam kết vé rẻ nhất Châu Á thì phải. Các chị tiếp viên lại xinh nữa.

Bay rẻ

Để bay rẻ bạn cần biết: các hãng hàng không thường có đợt mở bán vé khuyến mãi như: 0đ, 99đ… Tuy nhiên không phải ai cũng săn được vé rẻ, cần phải có mẹo và vé thì không phải lúc nào cũng đến đúng nơi mà bạn muốn (bạn có thể xem bài viết mẹo săn vé máy bay giá rẻ ở đây). Một cách tiết kiệm thông thường khi ai bất cứ ai cũng có thể làm được là: tự đặt vé máy bay giá rẻ. Kinh nghiệm của mình là:

– Đặt trước vài tháng: có kế hoạch đi từ trước, đặt càng sát ngày giá càng cao, 2-3 tháng là khoảng thời gian hợp lý.

– Bay vào khung giờ giá rẻ: có hai khung giờ để mua vé máy bay rẻ là trước 8h sáng và sau 21h đêm. Bay khung giờ này bạn phải chấp nhận dậy từ sớm để đi ra sân bay check-in và về lúc đêm muộn. Mình bay Hà Nội – SG phải dậy từ 4h30 sáng để đi ra sân bay làm thủ tục. Còn bay về Hà Nội tới hơn 12h đêm, nhưng tiết kiệm được hơn 300k/chặng. Về Hà Nội mình đi bus của Jetstar mất 50k thay cho đi taxi, tiết kiệm được hơn 200k nữa.

– Mang hành lý càng gọn nhẹ càng tốt (nếu không mua thêm hành lý ký gửi bạn đã tiết kiệm được ~150k/1 chiều bay)

– Bỏ phần mua bao hiểm bay tiết kiệm ~100k/chiều bay (cái này nên cân nhắc, bảo hiểm chỉ ~100k, mình vẫn chọn mua bảo hiểm mỗi lần bay)

– Lựa chọn hãng bay rẻ nhất: rẻ nhất đồng nghĩa dịch vụ bị cắt bớt. Ví dụ người ta lên máy bay có khoang riêng, bạn thì đi bộ leo thang. Người ta chỗ để chân rộng rãi, bạn chật hẹp hơn tí xíu. Không vấn đề gì phải không? Bay nội địa thì Jetstar cam kết rẻ nhất, bay Châu Á thì AirAsia cam kết rẻ nhất. Cả hai hãng này mình đều bay rồi, giá ổn, dịch vụ ổn, có điều tiếp viên Jetstar không xinh bằng tiếp viên các hãng khác (rẻ mà kaka).

Chọn phương tiện công cộng (Bus/Xe khách/Tàu hỏa)

Phương tiện công cộng (bus, tàu điện ngầm, tàu cao tốc trên cao) là một trong những cách tiết kiệm rất tốt khi di chuyển trong thành phố. Còn đối với di chuyển khoảng cách trên 100km đi bus là hợp lý nhất. Dạo gần đây mình hay đi bus vì sau vụ ngã xe máy bong gân vẫn chưa tự tin vào tay lái.

Đi bus chỉ thích hợp với những chuyến đi đường dài không có chặng bay. Chứ nếu so ra đi bus vào Đà Nẵng mất 450k tiền vé, phải nằm trên xe mất hơn 1 ngày, mệt mỏi, vẫn phải ăn dọc đường mấy bữa. Thay vào đấy têm 300k đi máy bay khỏe hơn, gần 1h đến nơi.

Cái tiện của đi bus và phương tiện công cộng:

– Khỏe, chỉ chui lên rồi nằm ngủ một giấc (thích hợp với những ai tay lái xe máy yếu)

– Tiết kiệm hơn so với máy bay (nhưng mất thời gian hơn)

– Đi những chặng dưới 400km hợp lý

Cái không thuận tiện của phương tiện công cộng

– Vẫn phải thuê xe máy hoặc xe đạp nếu các điểm du lịch cách xa nhau (Hà Nội có thể đi bus, nhưng Hà Giang, Sapa, Đà Lạt… vẫn phải thuê xe máy hoặc ô tô để đi tham quan, chi phí bị đội lên cao)

Xe máy cho chuyến đi gần

mẹo tiết kiệm khi đi du lịch

Chiếc xe của mình trong chuyến đi Mộc Châu dịp cuối năm 2015.

Nếu bạn tự tin vào tay lái của mình, thích tự do, thoải mái về thời gian thì xe máy là phương tiện tiết kiệm nhất (với những chuyến đi không quá xa). Nhớ trang bị cho mình đầy đủ đồ bảo hiểm: mũ, giáp tay, giáp đầu gối để mang vào nếu đi đường dài. Hồi cuối năm 2015 mình bị ngã lúc đi Tà Xùa không có đồ bảo hộ nên tay và đầu gối giờ vẫn còn đầy sẹo. Bàn tay trái bong gân mãi không khỏi, vẫn may là có cái mũ bảo hiểm nó bảo vệ đầu.

Đi xe máy có cái lợi:

– Siêu tiết kiệm (mình đi Sapa hồi 2013 xăng còn đắt, mỗi chặng chỉ mất tầm hơn 150k tiền xăng, trong khi đấy đi xe bus giá vé 280k. Nếu đi 2 người share tiền xăng thì rẻ hơn rất nhiều)

– Thoải mái, chủ động thời gian, thích đi thì đi, thích dừng thì dừng. Đi bus, hoặc tàu thì thấy cảnh đẹp chỉ có ngồi trên xe tiếc.

– Có thể rủ bạn đi cùng để share tiền xăng

– Đi đến hầu hết các ngõ ngách

Tuy nhiên cũng có bất tiện: bạn cần có sức khỏe nếu đi những chặng đường dài. Và tay lái cứng.

Đi bộ/thuê xe đạp trong thành phố

Khoảng cách vài km đi bộ là phương án tiết kiệm hơn cả. Tuy nhiên chỉ hợp với dân du lịch bụi, có sức khỏe, muốn tiết kiệm tối đa chi phí. Nếu khoảng cách xa hơn bạn có thể thuê một chiếc xe đạp, vì đi xe đạp rẻ hơn thuê xe máy, nhưng nhanh, đỡ mệt hơn đi bộ. Xe đạp và đi bộ chỉ thích hợp với di chuyển trong bán kính khoảng 5km. Xa hơn bạn nên lựa chọn phương tiện khác hợp lý hơn.

Dùng Grabbike – Grabcar khi di chuyển trong thành phố

Một ứng dụng mà mình vô cùng yêu thích khi di chuyển ở Hà Nội – SG – Đà Nẵng là Grabbike và Grabcar. Đây là một dạng chia sẻ phương tiện mà mình mới biết trong chuyến đi SG hồi đầu tháng 4 vừa rồi. Mình nhớ giá cước lần gần nhất mình đi từ sân bay Tân Sân Nhất đến Nguyễn Thị Minh Khai 2km đầu 12k, tiếp theo là 3800đ/km, tổng hết 30k với Grabbike (bình thường quãng đấy phải 70k). Ngoài ra họ còn có cả Grabcar (kiểu xe riêng) mình đi 25.4 km hết 230k mà được đi xe 4 chỗ đời mới, lái xe riêng, trên đầu không có biển taxi. Grabtaxi thì đắt hơn vài chục.

Cái app này hay ở chỗ giá tiền và lộ trình hiện ngay trên app của bạn, chỉ cần chọn phương tiện mà bạn ưng ý, rồi khỏi lo bị chặt chém khi đến nơi lạ nữa. Mình phải công nhận là cách di chuyển này siêu tiện, siêu tiết kiệm. Nó rất phổ biến ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam thì mới chỉ 1 năm trở lại đây. Bạn có thể tìm app Grabtaxi trên điện thoại của mình và cài nhé. Nếu nhập mã 63af4a của Việt Anh khi cài ứng dụng (hoặc sử dụng cho chuyến đi) thì bạn và mình sẽ được đi miễn phí một chuyến khoảng 35k đấy!

Ở tiết kiệm

Tạm biệt khách sạn lớn/làm bạn cùng hostel

Mình nghĩ khách sạn chỉ là nơi để đặt lưng vào buổi tối, tắm và gửi đồ – hết. Không đòi hỏi nhiều hơn, nên mình thường không bao giờ quan tâm đến số sao của khách sạn. Miễn đáp ứng đủ những yêu cầu sau:

– Giá rẻ (ưu tiên số 1)

– Sạch sẽ (phòng tắm riêng hay chung cũng cần sạch)

– An toàn

Cả nam hay nữ những yếu tố trên đều cần thiết. Mình thường đi 1 mình nên hay đặt phòng ở các hostel (nhà trọ) có phòng dorm (giường tầng, ngủ tập thể) để tiết kiệm kinh phí. Ở nước ngoài dorm tầm 5$, ở Việt Nam dorm cho người Việt tầm 3-4$ là hợp lý. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng nên ở dorm, dorm chỉ tiện khi đi một mình. Nếu đi từ 2 người trở lên bạn nên thuê: nhà nghỉ hoặc khách sạn hạng thường. Thuê phòng từ 200 – 250k/1 giường 2 người là có phòng đẹp để nghỉ rồi. Đi đông thì thuê phòng 2 giường (mẹo là bạn có thể thuyết phục chủ khách sạn cho bạn ghép giường để ngủ được đông hơn. Ví dụ 2 giường đôi ngủ 5 chẳng hạn).

Mẹo để tìm phòng giá rẻ

– Tự tìm trên Booking.com hoặc Agoda.com (và so sánh giá – lưu ý nên tìm địa điểm gần trung tâm, giới hạn bán kính 2km nếu bạn đi bộ)

– Tận dụng quan hệ (nếu có người quen bạn có thể sẽ thuê với giá rẻ, thường thì khách sạn trích commission cho người giới thiệu tầm 50k/người, nếu có người quen bạn có thể tiết kiệm được số tiền này)

– Hỏi chủ khách sạn về việc giảm giá (bạn có thể nói bạn là dân đi du lịch bụi không có nhiều tiền, có thể bớt giúp em được không?)

– Chịu ở những phòng vị trí xấu (ví dụ như đi biển, phòng có cửa sổ quay mặt ra biển sẽ đắt hơn phòng có cửa sổ qua mặt vào… tường nhà khách sạn khác)

Xin ở nhờ nhà người bản địa

Mình rất thích ở nhờ nhà người bản địa. Mình thường xin nghỉ nhờ khi đi du lịch bụi ở vùng núi phía Bắc của Việt Nam. Ở nhờ trong nhà người bản địa là cơ hội để mình được hòa mình vào với cuộc sống, biết thêm những kiếm thức mới về văn hóa đồng bào vùng cao. Mình ở nhiều nhất là với người H’Mong, tiếp đến là người Thái. Nhìn chung tất cả đồng bào vùng cao đều hiếu khách, họ sẵn sàng cho bạn ở nhờ miễn phí, nhưng với mình thì mình thường chủ động mang (hoặc mua) thêm đồ ăn để góp với chủ nhà. Ăn chung vừa vui, vừa chia sẻ được với chủ nhà đỡ áy náy. Lần nào ở nhờ cũng “rượu uống mềm môi, đôi ta thành tri kỉ”.

Gia đình người anh em Vảng, dân tộc H’Mong mình ngủ nhờ ở Tà Xùa, Sơn La. Một đêm lạnh run người may mà có bếp lưa hồng và chén rượu ngô thơm nồng của nhà anh ấy mà mình không chết cóng ngoài đường.

Mẹo xin ngủ nhờ:

– Tìm tới trưởng bản để xin ngủ nhờ (hoặc xin phép vào bản). Phép vua thua lệ làng, người trưởng bản, trưởng thôn là người đứng đầu, bạn cần xin phép họ đầu tiên. Ngoài ra có thể tìm đến: công an viên (xã, thông) hoặc người làm ở đoàn thanh niên.

– Nên mang theo thực phẩm để góp chung với chủ nhà (đồng bào vùng cao hiếu khách nhưng điều kiện thiếu thốn, hãy chia sẻ cùng chủ nhà, có rất nhiều cách để chia sẻ phải không!)

– Chuẩn bị trước tinh thần: điều kiện của đồng bào vùng cao không giống như nơi bạn sống, nhiều nơi không điện, không nước sạch, không toilet (lộ thiên)… Nhiều gia đình hiếu khách tới mức khách tới là phải uống say, uống mềm môi nữa đấy.

Mang theo lều trại ngủ giữa thiên nhiên

Với mình, đây vừa là mẹo tiết kiệm, vừa là một trong những trải nghiệm vô cùng thú vị. Vùng núi, biển, trong rừng, cánh đồng… bất cứ nơi nào gần thiên nhiên, đấy là nơi bạn có thể mang theo lều trại để ngủ. Tin mình đi, bạn sẽ không thể nào quên được buổi sáng thức dậy giữa thiên nhiên, hít mùi sương sớm và cỏ thơm, hay đêm nằm nghe tiếng sóng biển rì rào…

kinh nghiệm tiết kiệm khi đi du lịch

Lần cắm trại bên dòng sông Nho Quế ở Hà Giang của mình, cảm giác không tả nổi bằng lời, kiểu “ngôn từ thì quá chật hẹp ấy” :))

Mẹo cắm trại

– Nên mang theo bếp cồn, hoặc bếp nướng, nồi để chế biến thức ăn

– Nếu được nên cắm trại gần nguồn nước (sông, suối)

– Đốt lửa để xua đuổi côn trùng lại gần lều

– Mang theo tấm trải cách nhiệt để ngủ đêm không bị hấp nhiệt, dẫn đến mệt vào sáng hôm sau

– Nên cắm trại nơi đảm bảo an ninh (có thể hỏi công an, người dân trước khi chọn cắm)

Ăn tiết kiệm

Mình không phải người có tâm hồn ăn uống. Những năm trước đây đi du lịch mình hầu như không thử món ăn, nhưng rồi mình nhận ra ẩm thực là văn hóa. Từ đấy mình không còn bỏ qua ẩm thực nữa và luôn cố gắng thử những món ăn đặc trưng ở nơi mình đến.

Vỉa hè, tinh hoa ẩm thực đường phố

Rời xa nhà hàng sang trọng, tìm đến vỉa hè là bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền cho việc thưởng thức ẩm thực rồi. Có rất nhiều thành phố mà tinh hoa ẩm thực địa phương lại là ở các quán vỉa hè. Như ở Hội An, các quán bánh mỳ (ngon nhất thế giới) đều xuất phát từ hàng quán vỉa hè. Hay món chè, cao lầu ngon ở Hội An cũng là quán bên hè phố. Mặt khác, ăn quán vỉa hè cũng là cách bạn gần lại hơn với cuộc sống của người bản địa.

kinh nghiệm tiết kiệm khi đi du lịch bụi

Món côn trùng nổi tiếng của Campuchia (nhưng mình chụp ở Khao Sand Road, Bangkok, Thái Lan)

Lên danh sách món ăn nhất định phải thử

Bạn nên có 1 list danh sách các món ăn nhất định phải thử. Ví dụ như đến Hải Phòng quê mình bạn nên ăn bánh đa cua. Hay đến Hội An bạn nên thử món ăn đặc trưng nhất là cao lầu, và món bánh mỳ ngon nhất thế giới. Đến Huế thì nên ăn bún bò và ăn cơm hến. Hay đến Nha Trang ăn bánh canh, bánh căn… Dù có những món với nhiều người nói không ngon, nhưng đối thành phố ấy, người dân ở đấy thì món ăn quen thuộc ấy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là những mảnh ghép trong bức tranh về văn hóa mà bạn không nên bỏ qua.

Nếu có nhiều tiền bạn có thể thử tất cả các món ngon, nhưng nếu kinh phí eo hẹp bạn chỉ cần thử những món đặc trưng nhất thôi. Trước khi ăn có thể tham khảo xem địa điểm nào bình dân, ngon, bổ, rẻ.

Tìm hướng dẫn viên bản địa miễn phí

Kết bạn với một người bản địa qua các nhóm yêu thích du lịch, nhóm phượt, couchsurfing (nước ngoài)… Không khó để bạn tìm được một người bạn có cùng sở thích đang sống ở thành phố bạn sắp đến. Người bạn ấy có thể sẽ đồng hành cùng bạn, làm hướng dẫn viên miễn phí. Hoặc không, họ cũng sẽ biết những quán ăn hạt rẻ mà lại vô cùng ngon, chỉ người bản địa mới biết. Bạn đừng ngại mắc nợ họ, bạn sẽ sẵn lòng giúp những người từ nơi khác đến chỗ mình mà, phải không!

Mẹo vặt tiết kiệm khi đi du lịch

Tìm đến các điểm du lịch miễn phí

Ở bất cứ thành phố nào cũng đều có điểm du lịch miễn phí. Và các điểm này cũng có thể kể cho bạn nghe gần hết về lịch sử, văn hóa của nơi bạn đến. Không cần phải đi hết tất cả các điểm du lịch, cũng không nhất thiết phải đến các điểm du lịch tốn kém. Ví dụ: đến Sapa không nhất thiết phải leo lên Fansipan hay núi Hàm Rồng. Bạn có thể ghé các bản làng người bản địa để ngắm nhìn và trực tiếp trải nghiệm cuộc sống của họ. Hay đi Đà Nẵng, bạn có thể bỏ qua Mỹ Sơn và Bà Nà vì giá vé cao, thay vào đấy bạn đi xe máy đi Hội An, hay dành thời gian để ra các bãi biển miễn phí để tham quan…

Một cảnh đẹp miễn phí mình chụp ở Chiang Mai, Thái Lan.

Bạn có thể tìm thấy danh sách các điểm đến này ở đâu? – Blog của Việt Anh là một địa chỉ này. Còn trang mà Việt Anh hay xem là Tripadvisor.

Mang theo thẻ sinh viên

Với tất cả các điểm bán vé du lịch, trình thẻ sinh viên bạn sẽ được giảm giá (thường là 50%). Một khoản tiết kiệm rất lớn đấy!

Tham khảo và so sánh giá dịch vụ

Trước khi quyết định chọn khách sạn/nhà hàng/tour/giá vé máy bay, tàu, xe… bạn nên tham khảo giá của nhiều nơi và so sánh. Đừng quyết định vội vàng! Trang tham khảo khách sạn tốt nhất là Booking.com, Agoda.com, iVivu (trong nước) và Chudu24 (trong nước). Trang tham khảo thông tin tour khá hữu ích (tour Việt Nam và Đông Nam Á) và giá rẻ hơn mua trực tiếp (mình đã thử) là divui.vn.

Hỏi về chương trình giảm giá

Không mất nhiêu thời gian. Chỉ cần hỏi thêm 1 câu “Có thể giảm giá cho em/tôi được không?”. Hầu hết sau câu hỏi này mình đều được giảm giá, hồi đầu hỏi hơi ngại vì là con trai, nhưng nhận ra việc làm này giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền khi đi du lịch nên mình hỏi nhiều… thành quen. Vì mình cũng hiểu các dịch vụ du lịch đều có phần hoa hồng trích cho đối tác, nếu giỏi bạn có thể thuyết phục họ dành phần đấy cho bạn, hoặc một phần trong số đấy cũng tốt.

Đặt ra định mức chi tiêu

Bạn nên có định mức cho mỗi bữa ăn. Chẳng hạn đi Thái với bữa ăn chính mình quyết tâm chi 1,5$. Ăn vặt mỗi ngày khoảng bao nhiêu $. Hơi mất công, hơi chi ly, nhưng với chuyến đi dài ngày thì việc này là rất cần thiết. Mình học được mẹo này từ một người bạn Anh ở Myanmar, cô ấy đi 6 tháng ở Đông Nam Á, và việc tiết kiệm đơn giản là có sẵn định mức chi tiêu, theo dõi hàng ngày bằng 1 quyển sổ tay.

Đừng vượt quá định mức quá nhiều lần :))

Đi du lịch vào mùa thấp điểm (tránh lễ tết)

Giá phòng, giá dịch vụ dịp lễ tết (ví dụ 30/4 – 1/5) bao giờ cũng đắt hơn giá ngày thường rất nhiều (nhất là ở Việt Nam). Ngày thường bạn có thể đàm phán, thuyết phục chủ khách sạn giảm giá khi họ còn nhiều phòng trống, ngày lễ thì bạn phải đổ mồ hôi mới tìm được phòng nghỉ, hay thuê được xe với giá cắt cổ – chuyện quen thuộc. Tránh lễ tết, tránh cuối tuần nếu có thể bạn nhé.

Đi theo nhóm

Đi theo nhóm đông bạn sẽ chia sẻ được nhiều kinh phí và có thêm bạn đồng hành.

Kết

Trên đây là một phầ kinh nghiệm tiết kiệm khi đi du lịch của cá nhân Việt Anh. Mình sẽ bổ sung nếu có thêm “mánh khóe” nào mới. Hoặc nếu bạn biết mẹo nào hữu ích thì chia sẻ lại với Việt Anh và các bạn độc giả của Dulichbui24.com nhé! Cảm ơn rất nhiều vì đã dành thời gian đọc bài viết. Hơi lan man, hơi dài dòng, mong bạn thích. Đừng quên like fanpage để theo dõi các bài viết mới của mình nhé: Trần Việt Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *