Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Luang Prabang tự túc (2017)

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch Luang Prabang (Lào) tự túc. Sà bài đi!!! Việt Anh vừa kết thúc chuyến du lịch Lào tự túc trong 10 ngày, và giờ mình đang rất háo hức chia sẻ lại những kỷ niệm đẹp trong chuyến đi lang thang dọc vùng Bắc Lào của mình. […]

Trần Việt Anh Tháng Mười Một 1, 2017

  • Chia sẽ:

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch Luang Prabang (Lào) tự túc.

Sà bài đi!!! Việt Anh vừa kết thúc chuyến du lịch Lào tự túc trong 10 ngày, và giờ mình đang rất háo hức chia sẻ lại những kỷ niệm đẹp trong chuyến đi lang thang dọc vùng Bắc Lào của mình.

Nói về Lào, mình sẽ ví vẻ đẹp của Lào với một cô gái vùng sơn cước. Cô gái ấy hồn nhiên, với đôi mắt xanh trong màu ngọc bích, đẹp như những dòng thác trong rừng sâu. Còn mái tóc nàng trải dài như dòng Mekong tới từ phương Bắc.

Nàng giấu kín nét đẹp của mình sau những rừng cây xanh bạt ngàn nên nàng vẫn còn là điều gì đấy bí ẩn, mới mẻ, lôi cuốn với những  kẻ yêu thích khám phá. Hiền hòa, giản dị, lặng lẽ, yên bình là những gì Việt Anh có thể nói với bạn về Lào.

kinh nghiệm du lịch Luang Prabang
Thác Koung Si ở Luang Prabang

Đây là Lào trong trái tim mình. Còn nhắc tới Luang Prabang, thành phố mà mình sắp đưa bạn tới đây là chốn bình yên – trái tim của cô gái. Là kinh đô hoàng gia của vương quốc Lạn Xạn được hình thành cách đây gần 7 thế kỷ. Là nơi gợi nhắc cho du khách về những con phố cổ, nơi bước chân đoàn sư khất thực đã đi qua, là hình bóng của những ngôi nhà nhỏ nhắn xinh xắn mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp ở phố cổ, du khách cứ ngỡ như đang lạc vào một phương trời Âu ở giữa đất Á. Và buổi hoàng hôn trên ngọn đồi cao nhất thành phố, ngắm nhìn mặt trời lặn, cố đô lên đèn. Cả ngôi chùa cổ với cách trang trí ấn tượng chỉ có thể tìm thấy ở Luang Prabang.

Giới thiệu cũng đã dài dòng, bây giờ mình sẽ đưa bạn đi du lịch Luang Prabang Lào một chuyến nhé!

Luang Prabang ở đâu?

Luang Prabang là tên gọi của kinh đô cũ, nơi khai sinh ra vương quốc Lạn Xạn (hay còn gọi là đất nước Triệu Voi). Là trung tâm của phía Bắc Lào, cũng là kinh đô hoàng gia tuy nhiên diện tích và mật độ dân số ở Luang Prabang nhỏ và thưa (chỉ với 22,000 người). Bạn sẽ không nghe thấy nhiều tiếng động cơ xe. Sẽ thấy những buổi sáng thực sự dễ thở và thoáng đãng. Sẽ có những tầm nhìn không bị vướng mắt vì kiến trúc quy hoạch ở Luang Prabang là kiến trúc bảo tồn nét xưa cũ (không cho xây nhà quá 2 tầng).

kinh nghiệm du lịch luang prabang
Phố cổ bình yên ở Luang Prabang

Mình tưởng tượng như Luang Prabang đang nằm gọn trong vòng tay của dòng Mekong, mang theo bao phù sa đắp bồi từ rừng già phía Bắc. Nằm trong sự che chở của những núi, những đồi. Những điều này đã tạo ra một thành phố du lịch xanh – yên bình – chưa thấy ở đâu “rất Lào” đến thế!

Mình thích gì nhất ở Luang Prabang?

Nếu hỏi thích gì nhất? Chắc mình thích màu xanh, xanh của những rừng cây, của núi đồi, của những thác nước, con sông, hay đôi khi là cả tâm hồn con người. Ai đến Luang Prabang rồi cũng sẽ xanh, cũng sẽ lại nhẹ nhàng. Thành phố này đến kì lạ!

Ngoài ra mình còn thích một điều nữa, bên cạnh màu xanh, là những trang trại voi có các thuần hóa và kết nối với Voi mà không cần gậy nhọn hay roi da. Họ có thể kết nối và điều khiển những chú voi bằng giọng nói – điều ấy khiến bất cứ du khách nào cũng không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ ngưỡng mộ. Nơi duy nhất bạn được ngồi trên cổ của một chú voi, chỉ có mình bạn.

kinh nghiệm du lịch luang prabang
Cưỡi voi ở Luang Prabang

Và còn rất nhiều điều nữa, mình sẽ kể cho bạn ở bên dưới đây. Những kinh nghiệm di chuyển tới Luang Prabang, kinh nghiệm thuê khách sạn rẻ gần trung tâm, ăn uống, địa điểm du lịch, lịch trình, những điều cần lưu ý…vv

Đi đến Luang Prabang bằng cách nào?

Mình đến Lào bằng xe khách theo đường Điện Biên, cung đường dài, khó đi, vắng và mình khuyên bạn không nên đi đường ấy.

Ở Lào địa hình chủ yếu là đồi núi, nhất là vùng phía Bắc. Hiện nay có hai cách di chuyển phổ biến nhất là: đi đường bộ (xe khách, đi ô tô từ Việt Nam và đi xe máy) và đường hàng không.

Luang Prabang nằm ở phía Bắc của nước Lào, nên với những thanh niên ở miền Bắc của Việt Nam như mình di chuyển sang Luang Prabang sẽ dễ dàng hơn các bạn ở miền Trung hoặc miền Nam.

Tuy nhiên Lào cũng là nơi thích hợp cho một chuyến đi khám phá bằng xe máy. Bạn sẽ có cơ hội ghé thăm và trải nghiệm cuộc sống của những người bản địa hai bên đường quốc lộ nối từ Luang Prabang đi Vang Vieng, Nong Khiaw, Udomxay…vv

Đi xe khách từ Hà Nội

Đi du lịch Lào mình chỉ ngán ngẩm nhất là chuyện nằm xe, 24h nằm trên xe bus để đi từ Hà Nội đến Luang Prabang. Nhưng bao trở ngại, bao gian nan của bạn cũng sẽ được Lào đền đáp cho thỏa đáng, bằng cảnh đẹp thiên nhiên và con người.

Từ Hà Nội đi Luang Prabang có hai cách:

(1) đi xe khách thẳng từ Hà Nội – Luang Prabang ở bến xe nước ngầm

và (2) đi xe Hà Nội – Điện Biên – Luang Prabang.

Cách (2) khó đi và mệt hơn vì xe từ Điện Biên sang Luang Prabang là xe ngồi, chỉ dành cho những thanh niên nào thích tạt té đi chơi ở Nong Khiaw hoặc Udomxay. Còn không, cứ Hà Nội – Luang Prabang mà thẳng tiến!

kinh nghiệm du lịch Luang Prabang
Cảnh bên ngoài xe từ Điện Biên đi Luang Prabang

Thông tin xe khách Việt Nam – Luang Prabang (chạy ở Hà Nội) không cố định, có xe chạy thứ 2-4-6, có xe chạy ngày 3-5-7, có xe ngày nào cũng chạy nên Việt Anh không lấy được thông tin, đành khuyến cáo mọi người nên ra bến xe nước ngầm đặt xe trước ngày đi.

Với những bạn ở xa có thể gọi điện đặt trước qua hãng bus VIETTRANS – Hotline: 093 254 1114 – Xuất phát tại Hà Nội (có hai điểm đón là phố cổ Hà Nội và bến xe Nước Ngầm) đi qua cửa khẩu Nậm Cắn ( Nghệ An) và đến Luang Prabang.

Giá vé: từ 900,000 – >1,000,000VND/chiều (tùy từng thời điểm)

Lưu ý: nên đặt vé xe trước ngày đi 2-3 ngày tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội)

Đi Luang Prabang từ Hồ Chí Minh

Nếu đi từ Hồ Chí Minh, các bạn có thể:

(1) bay ra Hà Nội để đi xe khách sang Lào.

Hoặc (2) đi xe khách lên Kon Tum (cửa khẩu Bờ Y) và bắt xe đi Pakse – Vientiane rồi đi tiếp qua Luang Prabang.

Đi xe máy hoặc xe ô tô riêng qua Luang Prabang

Mang xe qua Lào rất đơn giản, mình có anh bạn từng mang xe máy qua Lào, anh bạn chia sẻ lại “các bạn chỉ cần giấy tờ chính chủ và bằng lái xe quốc tế” là mang xe qua được. Ở cửa khẩu người ta không làm khó, chỉ cần đóng tiền lệ phí là cho qua.

Với xe máy các bạn cầm bằng lái xe phổ thông ra cục đường bộ ở thành phố mình sống để đổi nhé, khoảng 7-10 ngày là có. Bằng lái xe ô tô mình chưa tìm hiểu được.

Các cửa khẩu Việt Lào bạn có thể đi:

Cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) – Cửa khẩu Loong Sập (Mộc Châu) – Cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) – Cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) – Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) – Của khẩu Cha Leo (Quảng Bình) – Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) – Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa)

Lưu ý: Visa thường được chấp nhận ở tất cả cửa khẩu. Visa điện tử chỉ được chấp nhận ở 3 cửa khẩu: Nậm Cắn, Cầu Treo, Bờ Y bạn nhé!

kinh nghiệm du lịch luang prabang
Cửa khẩu Tây Trang ở Điện Biên,

Bay đến Luang Prabang

Hiện tại bay thẳng từ Việt Nam tới Luang Prabang chỉ có 2 hãng hàng không: Vietnam Airlines và Lào Airlines, đường bay Hà Nội – Vientiane, mật độ 2 chuyến 1 ngày. Giá vé giao động từ 2-6,000,000VND/chiều. Bạn có thể xem và đặt tại vé tại đây.

Vé máy bay hà nội luang prabang
Bảng giá vé Hà Nội – Luang Prabang Việt Anh tìm trên website Bookin.vn

Có 1 cách khác tiết kiệm thời gian hơn, là bay thẳng Hà Nội – Vientiane, sau đấy bắt bus từ Vientiane đi Luang Prabang.

Lưu ý: thủ tục nhập cảnh vào Lào

Về việc nhập cảnh khi đi nước ngoài bạn cần lưu ý:

  • Đối với người Việt Nam, cùng nằm trong khối ASEAN nên bạn chỉ cần mang theo hộ chiếu còn thời hạn >6 tháng. Phí xuất cảnh ở hải quan Việt Nam 10,000VND, phí nhập cảnh vào Lào: khoảng 5$. Bên Lào có mấy cái “quỹ du lịch” thú vị lắm, không đóng không được vào nên không cần thắc mắc.
  • Đối với người quốc tịch nước ngoài: khi xuất cảnh khỏi Việt Nam và nhập cảnh Lào cần có visa (với người khối ASEAN được miễn visa). Nếu bạn nào sử dụng e-visa hình như chỉ có thể nhập cảnh ở cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An). Hôm mình nhập cảnh ở Tây Trang có đọc được thông báo này, không rõ các cửa khẩu khác thế nào.
Ảnh hôm mình chụp ở Tây Trang (Điện Biên) – Visa điện tử (evisa) chỉ được chấp nhận ở cửa khẩu Bờ Y, cửa khẩu cầu Treo, Cha Lo, Nậm Cắn thôi bạn nhé!

Đến Luang Prabang nên thuê khách sạn ở đâu?

Sau khi đã lên được xe, nhập cảnh vào Lào, điều bạn cần biết tiếp theo là nên thuê khách sạn ở đâu? Mình sẽ chỉ cho bạn “bí kíp thất truyền” chỉ chuyên dùng để tìm khách sạn gần trung tâm – giá rẻ ở Luang Prabang.

Mời bạn nhìn qua bản đồ minh họa bên dưới nhé!

nên thuê khách sạn ở đâu khi đi du lịch luang prabang

Khu (1) là khu lý tưởng nhất để thuê khách sạn: đi bộ 2 phút ra phố cổ, chợ đêm, cung điện hoàng gia, chùa Wat Sithong cũng gần đây. Buổi sáng ở khu này có thể ngắm cảnh các nhà sư đi khất thực đẹp nhất.

Giá phòng khu (1) dao động từ 45$ – 80$/đêm rất nhiều, bạn chỉ cần truy cập trang Booking.com (click vào đây) danh sách khách sạn/villa ở Luang Prabang sẽ hiện ra, bạn chọn vào phần bản đồ sẽ thấy được tên khách sạn và giá.

  • Lotus Villa (8,9 điểm): nằm ở trung tâm của trung tâm phố cổ, bao gồm ăn sáng, xe đưa đón sân bay miễn phí. Giá từ 80$/đêm Check giá phòng tại đây
  • Lam Khan Riverside (8,7 điểm): có bao gồm bữa sáng, xe đưa đón sân bay miễn phí và view bờ sông Mekong. Giá phòng từ 50$/đêm, xem và đặt phòng tại đây
  • Pakhongthong Villa (8,7 điểm): giá từ 40$/đêm, bao gồm bữa sáng, xe đưa đón sân bay, vị trí trung tâm. Xem và đặt phòng tại đây
  • Downtown Backpackers Hostel (8,9 điểm): giá 7$/đêm (dorm) cho dân đi bụi, đi bộ 1 phút ra Royal Palace và chợ đêm. Vị trí trung tâm của trung tâm. Xem và đặt phòng tại đây
Chọn phần này khi tìm khách sạn trong trang Booking.com hoặc Agoda.com nhé!

Khu (2) là khu ngay sát chợ đêm, ở đây cũng là trung tâm, cũng ngắm cảnh khất thực đẹp, đông vui, nhộn nhịp. Cách tìm phòng tương tự như trên, bạn chỉ cần kéo bản đồ tới khu muốn thuê khách sạn sẽ hiện ra.

Khu (4) là khu gần ngôi chùa cổ ở Luang Prabang, nơi có ngọn tháp giữ tro cốt của vị vua có công thành lập ra vương quốc Lạn Xạn. Việt Anh ở khu này: Vongprachan Backpackers Hostel của hai vợ chồng anh Dương và Quỳnh Anh.

Vì đi một mình nên mình ở dorm, giá khá rẻ chỉ 7$/đêm (đã bao gồm ăn sáng), mà quan trọng hơn là ở với người Việt nên thấy ấm cúng như ở nhà. Bạn có thể xem và đặt phòng tại đây.

Nếu bạn thích ở khách sạn private thì đối diện nhà Vongprachan Backpackers là Maison Vongprachan Hotel của chị chủ người Việt, giá từ 60$/đêm (đã bao gồm ăn sáng và xe đón sân bay) – Xem thông tin Maison Hotel tại đây nhé

Lưu ý: Việt Anh có voucher giảm 15$ khi đặt phòng tại Booking.com, bạn chỉ cần truy cập qua đường link này sẽ nhận được ưu đãi nhé: https://www.booking.com/s/11_6/vi0t0a79

Chơi gì ở Luang Prabang?

1. Phố cổ (không bán vé): dọc phố cổ có rất nhiều chùa lớn, bạn có thể ngắm nhìn và trực tiếp tham gia trải nghiệm cúng dường cho các nhà sư đi khất thực sáng sớm trên phố cổ, một nét đẹp văn hóa ở cố đô Luang Prabang.

kinh nghiệm du lịch bangkok
Cảnh các nhà sư phật giáo nguyên thủy khất thực ở Luang Prabang

2. Wat Phousi (20,000kip/người): đây là tên ngôi chùa nằm trên đỉnh núi cùng tên (Phousi), nơi lý tưởng nhất để ngắm hoàng hôn ở Luang Prabang.

kinh nghiệm du lịch luang prabang
Hoàng hôn trên đỉnh Wat Phousi – Đây là mỏm đấy mà mọi người tranh nhau, xếp hàng lên để chụp, mình sẵn mẫu nhà người ta, làm một kiểu đẹp luôn!

3. Wat Xiengthong (20,000kip/người): ngôi chùa cổ có kiến trúc tuyệt đẹp.

kinh nghiệm du lịch luang prabang
Wat Xiengthong

4. Royal Palace (20,000kip/người): khu cung điện hoàng gia, nơi bạn có thể tìm hiểu về lịch sử của đất nước Lào.

5. Thác Koung Si – trang trại bảo tồn gấu (20,000kip/người) và butterfly garden: thác nước tuyệt đẹp, bạn có thể tắm ở đây, và nhớ trekking leo lên trên đỉnh thác để khám phá cảnh nhìn từ trên cao nhé! Để đến được đây bạn có thể nhờ khách sạn book minivan bus giá 35,000kip, hoặc cả nhóm thuê riêng một chiếc tuk tuk giá 200,000kip.

kinh nghiệm du lịch Luang Prabang
Đi chơi thác Koung Si cùng 3 người bạn Việt Nam quen ở Hostel (Anh Dương, Quỳnh Anh, Ly và mình)

6. Thác Tad Sea (10,000kip/người): thác nước có màu xanh ngọc tuyệt đẹp, để đến được đây bạn có thể mua vé thuyền ở bến thuyền gần chợ đêm. Hoặc mua tour ghép đi trang trại voi (mình sẽ nói ở bên dưới)

7. Elephant Camp ở Shangrila Resort (72$/người): khu này mình đi tour ghép, giá 74$/người (mua lẻ) và nhóm >3 người 62$/người. Tour này bạn sẽ được trải nghiệm cưỡi voi, cực kỳ đặc biệt, ở Lào trải nghiệm cưỡi voi không giống với bất cứ đâu. Người quản trượng ở Lào có thể điều khiển voi của anh ta chỉ bằng giọng nói, thích nhất là màn du khách ngồi một mình trên cổ voi, trải nghiệm tuyệt vời! Ở Lào người ta yêu thương voi, và bảo tồn voi rất tốt. Bạn có thể xem và đặt tour tại đây (dùng mã Dulichbui24 sẽ được giảm 120,000VND nhé!)

kinh nghiệm du lịch Luang Prabang
Trải nghiệm ngồi trên cổ voi đi qua sông chỉ có ở Luang Prabang (đằng sau mình có người quản trượng đang đứng trên lưng chú voi Lam Thong để điều khiển chú qua sông)

8. Night Market (vào cửa tự do): khu chợ đêm, ở đây có con phố ẩm thực, với những hàng buffet 15,000kip được du khách yêu thích. Các món nướng ở đây cũng ngon rẻ. Cảm giác chui vào một con hẻm nhỏ nghi ngút khói, đông nghịt người, đầy màu sắc của đủ loại thức ăn rất thú vị – đậm chất Đông Nam Á.

9. Utopia bar: đây là bar đông nhất ở Luang Prabang. Mọi người thường ghé đây vào buổi chiều để ngắm hoàng hôn, mình ghé đây vào buổi tối sau khi đã đi chơi tăng 1 say sưa cùng mấy người bạn ở chung phòng dorm, tới đây uống bia, nghe nhạc, nhảy nhót vui vẻ rồi về ngủ khỏe.

10. Nava Cruise (30$/người): mình chưa tham gia trải nghiệm này vì đi một mình, nhưng sẽ rất lãng mạn với các cặp đôi. Ăn tối trên thuyền ở sông Mekong, ngắm hoàng hôn, xem biểu diễn âm nhạc và múa cổ truyền của Lào. So sweet! Bạn liên hệ khách sạn nhờ đặt giúp nhé)

11. Pak Ou Caves: hang động này cách Luang Prabang 25kms, mình chưa đến đây. Theo hướng dẫn thì bạn mua vé ở bến thuyền (nơi mua vé đi thác Tad Sea). Ngoài ra, ở Luang Prabang cũng có tour đi Pak Ou Caves và ăn trên thuyền giá 25$/người.

Gợi ý lịch trình du lịch Luang Prabang

Ngày 1: Hà Nội – Luang Prabang – Chợ đêm

Ngày 2: Cảnh khất thực ở phố cổ – Royal Palace – Phố cổ – Wat Sithong về đi ngủ.

Chiều đi Koung Si chơi (nhớ ghé Butterfly Garden) và mang theo đồ bơi + khăn tắm

Tối về ra night market ăn nhậu, mua quà, rồi ghé Utopia nghe nhạc, uống bia, nhảy nhót, chém gió kết bạn với đám bạn du lịch bụi tới từ khắp 5 châu.

Ngày 3: Check  out buổi sáng và gửi đồ ở lễ tân, book vé chiều về – Đi tour Elephant Camp + thác Tad Sea + chiều về đi chùa + ngắm hoàng hôn trên đồi Phousi.

19h lên xe về Hà Nội

Ngày 4: tối ngày 4 có mặt ở Hà Nội

(Các bạn ở miền trong đi theo lịch trình này và tự sắp xếp thời gian của mình cho hợp lý nhé!)

kinh nghiệm du lịch luang prabang
Tầng 2 của thác Tad Sea – Trải nghiệm trekking đi bộ tìm tới con thác số 3 vô vùng thú vị. Nếu đến đây bạn nhớ đi bộ theo đường mòn để đến thác số 3 nhé!

Du lịch Luang Prabang hết bao nhiêu tiền?

Vì đi du lịch Lào chi phí khá tốn kém so với các nước Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ rằng Lào là đất nước ít tài nguyên, hầu hết rau củ quả đều phải nhập về và nguồn thu từ du lịch của họ là một điều gì đấy rất quan trọng, thì việc giá cả cao là điều dễ chấp nhận thôi. Vì toàn bộ người dân Lào sống như thế, với mức thu nhập tương tự thế.

Tiền xe: khứ hồi ~2,000,000VND

Tiền khách sạn 2 đên: ~1,000,000 VND (bạn nào đi bụi tiết kiệm được nhiều hơn)

Tiền ăn uống: mỗi bữa cũng tới 50,000VND x 10 bữa = 500,000 VND

Tiền mua vé tham quan: ~100,000kip (300,000VND)

Tiền mua tour: 72$/người (1,600,000VND)

Tiền đi xe tuk tuk: 35,000Kip (105,000VND)

Tiền mua quà: 50,000kip (150,000VND)

Tổng tiền khoảng 6,500,000VND cho một chuyến đi du lịch Luang Prabang vui vẻ, thoải mái. Nếu chi phí này quá nhiều bạn có thể cắt bớt chi phí mua quà, tiền khách sạn, tiền ăn và tiền mua tour để tự trải nghiệm.

kinh nghiệm du lịch Luang Prabang
Một góc phố ẩm thực trong chợ đêm ở Luang Prabang. Người phụ nữ này đang chọn món ăn cho xuất buffet 15,000kip của mình.

Đi du lịch Luang Prabang cần lưu ý gì?

– Hộ chiếu: du lịch Lào hay bất cứ quốc gia nào ngoài lãnh thổ Việt Nam bạn cũng cần phải có hộ chiếu. Hộ chiếu có thời hạn nhiều hơn 6 tháng.

– Visa: người dân khối ASEAN được miễn visa, tuy nhiên Việt Nam có thể sẽ kiểm tra.

– Thẻ Visa Debit/Master Card: nếu không muốn mang theo quá nhiều tiền, đây chính là phương án tuyệt nhất dành cho bạn!

– Tiền mặt: rút tiền ở Lào hay ở đâu phí cũng cao (~5-8$/lần rút, nếu rút rút cho nhiều nhé)

– Quần áo (đồ bơi – khăn tắm): nếu đi Lào vào mùa đông sẽ lạnh,nhưng nếu mùa hè và mùa thu bạn có thể mang đồ bơi, khăn tắm đi để tắm ở hai con thác đẹp nhất Luang Prabang.Sim 3G: ngay khi sang Lào, nếu bạn dùng Viettel thì có thể đăng ký chuyển vùng phủ sóng. Gợi chung mạng Viettel về Việt Nam giá chỉ 2000đ/phút. Cực kỳ rẻ. Hoan hô các chú Viettel nhà ta. Ngoài ra, ở Lào có sim beeline để truy cập internet cực mạnh, bạn có thể tham khảo mua nhé.

– Thiết bị phát wifi du lịch: nếu bạn còn đi với “hộ bạn thân lầy lội” thì thiết bị phát wifi là điều rất cần thiết. Mình dùng thiết bị của Weefeeego.com, nói chung tốc độ không nhanh siêu tốc như ở Thái Lan nhưng cũng đủ dùng.

– Tiếng Lào: mình chỉ học mấy câu đơn giản để sinh tồn như chào hỏi, cảm ơn, ăn cơm, hỏi giá tiền, giờ mình sẽ truyền thụ tất cả “công lực” cho bạn trong 1 nốt nhạc nhé! Nhớ là thầy viết sao trò đọc vậy.

Sà bai đii (sabaidee): xin chào!

Khìn khao: ăn cơm.

Khọp chài: cảm ơn!

Khọp chài đơ: cảm ơn nhá, một cách nói kiểu thân thiện – nói khọp chài cụt ngủn giống như tiếng Việt là “Vầng! cảm ơn!” nghe nó không hay.

Khọp chài lái lai: cảm ơn nhiều lắm! Người Lào nghe câu “khọp chài lái lai” này cái bụng vui thích lắm! Người Lào dễ thương mà! Nghe người nước ngoài nói tiếng mình sõi thấy ấm lòng. Người Việt mình cũng thế phải không!

Châu sư nhẳng: em tên gì? Câu này để tán gái, mình đã dùng để hỏi tên của một bạn Lào ở Vientiane bằng câu này rồi đấy!

Bo may bo mưa: không say không về, câu này để nhậu với bạn, người Lào uống thì đừng hỏi, một có thể hạ đo ván 2-3 thanh niên Việt.

A ní kháu rày đơ: cái này giá bao nhiêu thế? Câu này mình đem tiếng Thái Lan ra nói, người Lào hiểu được ~70% tiếng Thái Lan đấy, có nhiều từ giống nhau.

Con Việt Nam, mê con Lào đơ: người Việt nam, không phải người Lào đâu!

Bộ đếm “nưng xỏng sảm sịp ha 1 2 3…vv” thì mọi người chẳng cần nhớ đâu, cứ hỏi “a ní kháu rày” cho có vẻ dân chơi biết tiếng Lào, sau đấy người bán hàng nói số chắc chắn không nghe ra, lại hỏi lại tiếng Anh cho dân chơi hơn, và tiếng Anh không hiểu thì lôi máy tính hoặc điện thoại ra bảo người bán hàng bấm số, nhá!

Đấy, sư phụ biết tuy võ công sư phụ không thâm hậu, nhưng có thể giúp cho các đệ tử của mình sinh tồn được trên xứ Triệu Voi. Lưu lại trong điện thoại để thi thoảng lôi ra thực hành nhé!

Khọp chài lái lai!

Sà bai điiiiiii (xin chào)! Ai em Việt Anh (tôi là Việt Anh), con Việt Nam (người Việt Nam). Nai tu mít t diu! (rất vui vì được biết bạn!). Khọp chài lái lai… (cảm ơn nhiều vì đã đọc bài viết nhé!)

Chúc bạn có một chuyến du lịch Luang Prabang vui vẻ!

Đừng quên ấn “Like” và chia sẻ bài viết tới bạn bè!

Nếu có thắc mắc cần giải đáp bạn có thể comment vào bên dưới bài viết.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm du lịch xuyên Lào trong 6 ngày (chia sẻ bởi bạn Hoàng Thùy Dương) và Kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc

Ủng hộ Dulichbui24.com

Việt Anh là một blogger dành toàn bộ thời gian của mình để đi, trải nghiệm, tìm hiểu thông tin và viết blog chia sẻ phi lợi nhuận với người Việt Nam. Nếu thông tin chia sẻ trong bài viết hữu ích, bạn có thể ủng hộ bằng cách Donate

7 thoughts on “Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Luang Prabang tự túc (2017)

  1. Chào bạn,
    Mình đang phân vân không biết nên đi từ Luang Prabang về Vang Vieng hay Vientiane thì tiện hơn nhỉ? Luang Prabang và Vang Vieng thì chỗ nào nên ở lâu hơn?
    Nhờ bạn chia sẻ giúp, khọp chài lái lai ^^

  2. Chào bạn. Trước khi đi Lào mình cũng đã rất hào hứng khi nghe bạn kể rằng người quản tượng ở đây không dùng tới vũ lực, nhưng thực tế không phải vậy.
    Mình tới nơi và vẫn thấy họ cầm 1 gậy nhỏ, thường đặt sát vào sau tai voi.
    Và mình đã quyết định không thử nghiệm hoạt động này.
    Mình đang nghĩ liệu bạn có thể xem lại, nếu chưa thực sự chính xác thì bỏ qua phần giới thiệu tour đi cưỡi voi có được không . Vì mình tin khi bạn đã nhắc tới việc người quản tượng không cầm gậy hoặc roi da là bạn có biết về cách thuần hóa voi bằng vũ lực này rồi

Trả lời Trần Việt Anh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

Luang Prabang du ký: cưỡi voi và khám phá thác Tad Sea

Ngày thứ 3 ở Luang Prabang, mình dành cho trải nghiệm cưỡi voi ở Elephant Camp, khám phá thác Tad Sea và nhậu say quắc cần câu cùng anh bạn người Việt chủ hostel… Gợi ý: bạn có thể đọc bài Kinh nghiệm du lịch Luang Prabang của Việt Anh tại đây Đặt tour cưỡi […]

Tháng Mười Một 2, 2017