Lang thang Y Tý (P1) : từ Sapa đi Y Tý & đêm đầu tiên ngủ trong nhà trình tường

3 ngày lang thang ở Y Tý để lại trong tôi biết bao kỷ niệm, với những lần đầu tiên: êm đầu tiên tôi ngủ trong căn nhà trình tường của người anh em Hà Nhì hiếu khách, tên hắn là Xa, hắn mời tôi uống thử chén “bia” Hà Nhì, thứ bia ngọt ngào […]

Trần Việt Anh Tháng Mười 13, 2017

  • Chia sẽ:
3 ngày lang thang ở Y Tý để lại trong tôi biết bao kỷ niệm, với những lần đầu tiên: êm đầu tiên tôi ngủ trong căn nhà trình tường của người anh em Hà Nhì hiếu khách, tên hắn là Xa, hắn mời tôi uống thử chén “bia” Hà Nhì, thứ bia ngọt ngào nhất mà tôi từng được uống…

Một buổi tối, khi đang còn ở Hội An, bỗng dưng tôi thấy nhớ Tây Bắc ghê gớm, nhớ tới mức phải lục lại đống ảnh về mùa vàng ở Y Tý cách đây 3 năm (2014) trong chiếc ổ cứng di động cũ để xem hình chuyến đi Sapa – Y Tý – Lũng Pô ngày ấy.

Cũng tại bạn bè trên facebook ai cũng đăng hình lúa chín, ai cũng nói về mùa vàng, làm lòng tôi lại rạo rực, từng cung đường đã đi qua lại hiện rõ, từng bức ảnh như sống động trở lại, chân cẳng ngứa ngáy chẳng chịu yên.

Rồi tôi book vé bay về Hà Nội mà chẳng cần suy nghĩ thêm nữa. Tôi nhớ Tây Bắc quá!

Về Hà Nội chuẩn bị đồ đạc, nghỉ ngơi vài ngày để nạp lại pin, vì trong Hội An nhậu zữ quá, nhất là tối hôm chia tay, nhậu tới gần 2 giờ sáng, 6 giờ lại chạy ra sân bay.

Tối thứ 5 tôi bắt chuyến xe bus của Interbuslines.com đi Sapa, từ đấy thuê xe máy đi Y Tý và vòng qua đường Lào Cai để về lại Sapa, sau đấy quay về Hà Nội.

Ngày 1: Từ Sapa đi Y Tý

Sáng sớm tới Sapa, tôi ghé khách sạn Phương Nam của anh bạn ở 33 Fansipan để ăn sáng, và thuê một chiếc xe máy chạy lên đèo Ô Quy Hồ, rồi rẽ theo lối đi bản Xèo, Mường Hum để đi Y Tý.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm du lịch Sapa tự túcLịch trình du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm

Ngay những kilomet đầu tiên đã thấy chìm đắm trong núi non hùng vỹ, mây trời vần vũ và bạt ngàn ruộng bậc thang lúa chín vàng. Hôm đấy dù trời hơi âm u, nhưng cảnh vẫn rất đẹp. Tôi la cà, thấy lối nào vắng vắng, hay hay là rẽ vào, thành thử từ đường cái tôi vào sâu trong bản Phìn Hồ, nơi hoang sơ, vắng vẻ không có một bóng khách.

Lang thang vào Phìn Hồ
Lúa ở đoạn rẽ vào Phìn Hồ tôi quên luôn tên rồi

Rời Phìn Hồ, tôi đi tiếp theo hướng đi Mường Hum rồi tới Y Tý. Đoạn đường này cách đây ba năm tôi đi qua vẫn còn đang sửa, gồ ghề toàn đá dăm, sóc lộn hết cả ruột gan… thì nay đã làm xong, đường mịn, vắng, tôi được đà chạy hết ga hết số.

Đoạn này có một cái thủy điện, không biết tên, đứng trên barie chụp, dưới kia là vực sâu hun hút

Ấn tượng nhất trước khi đến Y Tý là đoạn ngay đầu rừng già, nơi hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang nham nhở vừa gặt xong. Tôi nghĩ bụng :”gặt rồi mà còn đẹp thế này, giá mà đến đây sớm hơn lúa lúa vừa mới chín chắc đẹp ngất mất”.

Xin giới thiệu với bạn, đây là ruộng bậc thang ở Tây Bắc
Đoạn trước khi qua rừng già để vào Y Tý là những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, xa xa đã có những đám khói đốt rơm… Đoạn này lúa còn nguyên, chưa gặt, vì ở trên cao lúa chín muộn sẽ gặt sau.

Ở đây không chỉ có những thửa ruộng bậc thang, mà còn có những dãy núi cao sừng sững chăn ngang trước mặt, với những con thác không tên chảy từ trên đỉnh núi xuống như những chiếc khăn trắng vắt ngang lưng đồi…

Thác nước như chiếc khăn lụa vắt ngang núi rừng

Buổi trưa trên đường không có quán ăn, bụng thì đói cồn cào do sáng nay ăn ít, may mà tôi thủ sẵn hai hộp mì tôm, chạy vào khu lán công trường của mấy chú kỹ sư làm đường xin ít nước nóng, thế là có bát mì tôm nóng hổi. Dịp này đang có vụ hai tử tù trốn trại, các chú còn trêu bảo :”Nhìn mày nghi là tử tù trốn lên vùng biên lắm, có biết vụ vượt ngục ở Hà Nội không?”. Tôi đùa :”Chú đừng báo công an tội cháu nhé!” rồi ôm bát mì ra bên bờ suối ngồi đánh chén.

Bát mì tôm nóng hổi ấm lòng thanh niên lang thang lúc nhỡ đường.

Ăn xong tôi chạy thẳng một mạch tới Y Tý, lúc đấy hơn gần 3h chiều, vào quán cơm ở đối diện cổng chợ gọi một đĩa cơm vì đói sắp ngất. Anh chủ quán vui tính cho đợi 30 phút mới cho ăn, vì anh đang nấu cơm cho một đoàn phượt từ Hà Nội lên, tiện thể nấu luôn cho tôi ăn đồ ăn mới nóng hổi. Bụng đói meo, thấy cơm nóng, đĩa thịt gà đen thơm phức, với đĩa rau núi tôi quét cho sạch bóng chén đĩa, 4 bát cơm, no căng bụng, rồi lang thang xuống cầu Thiên Sinh chơi.

Ở cầu Thiên Sinh, tôi gặp một người bạn mà sau đấy cho tôi ở nhờ 2 ngày tại Y Tý…

Phu Che Xa – người bạn Hà Nhì đầu tiên

3 ngày ở Y Tý, là 2 ngày tôi sống trong căn nhà trình tường của một người anh em dân tộc Hà Nhì mới quen, hắn bằng tuổi tôi, một vợ, chưa con, tên Xa mà rất gần gũi, thân thiện lắm!

Tôi gặp hắn ở cầu Thiên Sinh, cây cầu là mốc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Y Tý. Hắn thấy tôi mang theo cái máy ảnh, nhăm nhe đi bộ sang biên giới Trung Quốc chụp ảnh thế là hắn bắt chuyện, hỏi tôi đang đi đâu, rồi rủ “tối nay về nhà em nghỉ đi”, lúc ấy tầm 5h chiều, giữa núi rừng hoang vu, hơi nhột nhột, nhưng quen sống cùng người đồng bào rồi nên tôi gật đầu sau ba giây suy nghĩ :”Đồng ý! Đi luôn! Nhà anh ở đâu?”

Thế là hai thanh niên, người đi con xe Win tàu cà tàng, chở đằng sau bao tải thóc (hắn chở thóc sang Trung Quốc bán mà bất thành), người với chiếc xe honda dắt nhau qua những con dốc để ngược lên bản Lao Chải 1, về nơi hắn sống.

Cầu Thiên Sinh, nơi tôi gặp thanh niên Phu Che Xa (áo vàng), người bạn Hà Nhì đầu tiên ở Y Tý. Bên kia là biên giới Trung Quốc, hai người đàn ông này đang chở thóc qua Trung Quốc bán mà bất thành.

Tôi chưa bao giờ ngủ trong căn nhà trịnh tường của người Hà Nhì. Nếu bạn chưa biết, thì căn nhà này được đắp bằng đất, trước kia mái lợp bằng cây rơm và cây gianh, nhưng giờ hầu hết được chuyển sang mái ngói, tuy nóng hơn, nhưng bền hơn mái rơm (cứ ba năm phải thay mái một lần).

Dám dân xê dịch chúng tôi thì chỉ thích nhìn thấy mấy căn nhà trịnh tường lợp mái rơm, bên trên mọc cây cỏ, xanh rêu, ai biết là người đồng bào Hà Nhì phải vất vả lắm với cái mái rơm đấy.

Căn nhà lợp lá hiếm hoi còn xót lại ở trong Lao Chải, bạn thấy rêu mọc không?

Quay lại với tên Xa bạn tôi, nhà hắn chỉ có 2 vợ chồng, cưới nhau 3 năm rồi chưa có con, thiếu tiếng trẻ, hắn buồn, hắn nói :”Hai vợ chồng em ở nhà thì buồn lắm, có anh ở đây vui hơn, anh ở đây chơi mấy ngày nhé”. Thấy ấm lòng quá!

Mâm cơm tối tại nhà Xa (thanh niên mặc áo vàng), ở giữa là vợ hắn và Nuôi cậu bạn hàng xóm

Ngay buổi tối đầu tiên hai anh em mua thịt, rượu về nhậu. Bữa nào cũng rượu. Tôi mang theo chai nước Aquafina 1,5L từ Sapa uống ba ngày ko hết, vì toàn uống rượu thay nước…

Bia Hà Nhì và những cuộc nhậu

Rượu Hà Nhì được nấu từ gạo, nặng như các loại rượu vùng cao khác. Có thể vì khí hậu trên này mát mẻ nên người ta thích uống thứ rượu nặng mới đủ đô để “phê”. Tôi uống được ngày đầu, ngày hôm sau lắc đầu nguây nguẩy, vì rượu hai anh em mua ở tiệm tạp hóa nấu pha cồn, uống xong đầu đau như búa bổ.

Nhưng bia Hà Nhì thì tuyệt cú mèo! Bia Hà Nhì cũng là một loại rượu, được ủ từ cơm và men giống như rượu nếp ở dưới xuôi, bà con ở đây gọi là bia Hà Nhì, nghe mọi người kể cảm thấy tự hào lắm, giống như một thứ đặc sản mang đậm bản sắc riêng vậy.

Bia Hà Nhì ngọt, nhẹ, dễ uống – tửu lượng loại tép diu như tôi thích loại này. Uống nhiều thì cũng say đấy bạn ạ, mà say lâng lâng, nhẹ nhàng, tôi hay gọi kiểu say này là “say lãng mạn” – như uống rượu vang.

Uống rượu xong, say, lất khất bước ra trước cửa, ngửa mặt lên trời thấy rực rỡ ngàn ánh sao sáng, hít một hơi khí trời se lạnh, hít thêm hơi nữa là hương cỏ cây lấp đầy khí quản, lấp đầy tâm trí… hỏi lãng mạn không?

Món bia Hà Nhì, nấu như nếp cẩm

Quay lại với công cuộc nhậu cùng những món rượu Hà Nhì. Sáng ra con bé Chờ (vợ Xa, sinh năm 1995) hì hụi nhóm bếp nấu cơm, anh em tôi lại ngồi chúc sức khoẻ. Sáng chúc sức khỏe, trưa chúc sức khỏe, tối lại chúc sức khoẻ. Mỗi lần chúc sức khỏe là một lần cạn ly.

Cứ uống xong lại cười hề hề, rồi lại hít khí trời trong lành, chạy ra ngoài sân ngửa cổ lên trời, mưa thì ngắm mưa, có mây thì ngắm mây trời, có cỏ cây, núi non thì hít mùi cỏ cây núi non… đi tè cũng tè ra vườn, ra bờ suối chứ không thèm chui vào trong toilet làm gì cho bí bách. Cuộc sống của người Hà Nhì ở đây cứ thế, dựa vào thiên nhiên mà sống, hiền hòa, khỏe re!

Lang thang Lao Chải ngày mưa

Ở với hai vợ chồng 2 ngày, thì một ngày mưa từ sáng đến tối. Ở đây mà mưa thì chẳng làm được gì, trời mù mịt hết cả. Vợ chồng hắn đã gặt xong nên chỉ ở nhà, cho con lợn, con gà ăn, xem tivi rồi lại nằm, tôi mang theo mấy cuốn sách nên có ngồi lì cả ngày ở nhà cũng không chán. Trời se lạnh, ngồi bên bếp lửa đọc sách.

Thanh niên Xa thì sợ tôi ở lì trong nhà buồn, cứ một lúc lại chạy vào bảo :”Anh có buồn thì đi bộ chơi quanh bản một lúc rồi về”. Tôi cứ ngồi đọc sách mãi đến chiều tối, ngớt ngớt mưa mới đi bộ vào sâu trong bản, đi qua mấy thác nước đẹp mà không tên, đi hết đường nhựa lại men theo những con đường gồ ghề đá cuội, rồi tự dưng trời tạnh, mây mù dần tan, cảnh đẹp khiến tôi ngỡ ngàng.

Trước mắt là dãy núi cao (tôi đoán nó thuộc dãy Lảo Thẩn) mây mù che phủ gần hết đỉnh, rồi bất chợt mây trôi qua để lộ ra dòng thác trắng đang chảy từ trên cao xuống, cao lắm, cao tới mức gió thổi làm tạt cả nước sang một bên – càng khiến cho cảnh nơi ấy giống như chiếc khăn phấp phới bay trong gió. Cả những thửa ruộng bậc thang mờ ảo sau màn sương, thoắt ẩn, thoắt hiện, cứ như chơi trò chơi trốn tìm, mỗi lần có đám mây mù nào dày đặc kéo tới là núi, ruộng, cây cối lại trốn vào sau tấm màn bí ẩn ấy. Rồi chốc chốc lại xuất hiện khiến cho mấy kẻ lãng du phải ngỡ ngàng.

Cảnh lúc lang thang trong bản vào ngày mưa, nếu nhìn tinh bạn sẽ thấy thác nước nhỏ nằm ở phía dãy núi

Tôi cứ đi bộ thế, lang thang, trò chuyện những câu chuyện không đầu không đuôi cùng với mấy người dân trong bản “cô đang đi đâu thế?”, “Cháu không đi học à?” hay “Nhà này xây được bao lâu rồi chị?” … cứ đi thế cho đến tận lúc trời tối thì về lại nhà Xa, đi mua thịt và rượu cho con bé Chờ nấu bữa tối, tôi muốn nhậu với hắn một bữa chia tay, mai nắng, tôi đi tiếp.

Tôi tìm tới tiệm tạp hóa duy nhất trong bản hỏi mua bia Hà Nhì mà quán không có. Chị chủ quán (người Thái ở Điện Biên) chỉ lên trên nhà trưởng thôn. Lên đấy hỏi mua thì bia Hà Nhì của thanh niên trưởng thôn chua loét, thanh niên bảo “do mấy hôm nay trời nắng nên nó chua”.

Tôi nghĩ bụng “Ông cứ chém, tối qua tôi vừa uống, cũng bia Hà Nhì, có chua đâu”. Đã thế hắn còn bán rõ đắt, 30 nghìn một lít, tôi không mua, mà mua 3 lít rượu trắng về tặng cho Xa, để thi thoảng có khách tới hắn lôi ra tiếp đãi. Tôi biết Xa chẳng còn tiền tiêu hắn mới phải đem thóc đi bán, nên rượu thịt mình tới chơi, mình chủ động, gạo, lửa, với mấy quả su su nhà hắn trồng được thì thôi.

Tối hôm đấy tôi với Xa phải đi khắp bản tìm mua bia Hà Nhì, hai anh em còn chuẩn bị cá lá mơ để ăn với món thịt chân giò luộc, mà rõ buồn cười, con bé Chơ nó luộc chân giò, nó thái thành từng miếng to cỡ 2 đầu ngón tay, vuông, xong đem luộc, lúc múc ra bát tôi vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười. Món thịt luộc cuốn lá mơ của tôi coi như hỏng.

Cả nhà (có cả mấy đứa trẻ con hàng xóm) vừa dọn mâm cơm thì Có ở hàng xóm sang gọi :”Anh ơi sang nhà em uống mấy chén”. Hai anh em từ chối mãi không được, ở đây cái “lý Hà Nhì” là thế, đành phải bỏ lại mâm cơm lên trên nhà Có uống.

(Lý Hà Nhì theo tôi hiểu là phong tục của Hà Nhì, mọi người ở đây hay nói “cái lý Hà Nhì” là thế anh ạ)

Nhà Có cách nhà Xa có mấy bước, hắn cũng bằng tuổi tôi và Xa, nhưng Có giỏi giang – có lẽ nhất trong đám thanh niên Lao Chải. Hắn có xe tải riêng, chuyên mua táo mèo từ bên Trung Quốc xuống đổ buôn ở Lào Cai – tôi trêu :”Anh kinh doanh xuyên biên giới, giỏi quá!”.

Lần đầu tiên uống bia Tàu ở nhà Có

Mà giỏi thật, hắn bảo ngày trước đi bộ đội về được suất học lái xe – hắn đi học. Về đi phụ xe được mấy tháng, có 10 triệu trong tay, hay vay mượn xuống Hà Nội mua chiếc xe tải.

Vì nể phục hắn, không phải chỉ vụ kinh doanh xuyên biên giới, mà là vụ hắn đã dám lấy vợ và có một đứa con trai kháu khỉnh mà tôi với Xa gọi hắn là anh.

Tối hôm đấy cũng là lần đầu tiên được uống bia Tàu, bia gì mà nhạt thếch, uống vào chỉ tổ đau đầu. Hai anh em làm mỗi người mấy lon rồi đứng dậy, ngà ngà rồi về nhà uống bia Hà Nhì tiếp. Bia Hà Nhì muôn năm!

Tối hôm đấy tôi ngủ một giấc ngon lành, vì vừa say cả bia Tàu lẫn bia Hà Nhì, nhưng thực ra, say nhiều nhất là say cái tình của mấy người bạn Hà Nhì, với say cảnh ở Lao Chải… Tôi nằm gọn gàng trong cái góc nhỏ ở gian dành cho khách ngủ một giấc tới sáng.

Thợ chụp ảnh bất đắc dĩ rời Lao Chải

Sáng hôm sau trời nắng đẹp, tôi nói chụp ảnh cho hai vợ chồng xong là tôi đi tiếp, hắn cứ giữ :”Anh có thời gian thì ở chơi thêm vài hôm nữa” – tôi phải cáo lui, nói dối là có hẹn bạn ở Sapa, nghĩ lại thấy mình nói dối rõ hèn, chỉ vì hơi ngán cảnh bữa nào cũng nhậu, ngán cảnh nằm trong nhà đọc sách, hay đi lang thang, nhỡ may tôi chán, chẳng luyến tiếc mà quay lại nữa, nhỡ may biết hết ngõ ngách trong cái bản Lao Chải này rồi, quen hết với đám thanh niên trong bản… thì còn gì vui. Thế nên thôi, giữ mấy cũng không ở, đành phải từ chối tấm lòng hiếu khách của hắn mà lên đường.

Trước khi rời Lao Chải. Điều duy nhất tôi làm được cho hai vợ chồng hắn trước khi đi là chụp cho cặp đôi ấy mấy bức ảnh, và về Hà Nội sẽ in gửi lên, vì từ lúc cưới, hai vợ chồng hắn chẳng có lấy một cái ảnh. Cả vợ chồng ông chú ruột của hắn, với hai đứa cháu gái nữa, hắn nhờ chụp cho ai là tôi chụp hết.

Nắm tay em đi khắp thế gian – phiên bản Y Tý
Tôi được phen làm thợ chụp ảnh cưới bất đắc dĩ
Hơi bị đẹp nhá! Đây là trang phụ cổ truyền của người Hà Nhì đấy!
Và gia đình ông chú ruột của Xa
Hai đứa cháu Xa đáng yêu không! Thanh niên kia 2 cái răng cửa rủ nhau đi chơi mất…
Đây có lẽ là bức ảnh thứ hai trong đời người phụ nữ Hà Nhì, tấm ảnh đầu tiên là ảnh chứng minh thư nhân dân

Chụp ảnh cho hai vợ chồng, cho ông chú xong cũng là buổi sáng ngày thứ 3 ở Y Tý, tôi chào tạm biệt hắn để đi loanh quanh mấy chỗ chưa đến ở Y Tý, rồi đi Ngải Thẩu, sau đấy về lại Sapa.

(Tôi sẽ kể tiếp về chuyến đi của mình vào ngày mai)

2 thoughts on “Lang thang Y Tý (P1) : từ Sapa đi Y Tý & đêm đầu tiên ngủ trong nhà trình tường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *