13 trải nghiệm Việt Anh thích nhất khi đi du lịch bản Sưng, Đà Bắc, Hòa Bình (Phần 1)

Tây Bắc (Việt Nam) với mình giống như là nhà. Nơi ghi dấu những chuyến đi xa đầu tiên thời còn sinh viên. Trên chiếc xe wave, mỗi đứa đóng 500 nghìn, ngày đấy cũng to lắm, 1/3 tháng “lương” bố mẹ gửi rồi. Với một cậu trai vùng đồng bằng việc lần đầu tiên […]

Trần Việt Anh Tháng Một 18, 2021

  • Chia sẽ:

Tây Bắc (Việt Nam) với mình giống như là nhà. Nơi ghi dấu những chuyến đi xa đầu tiên thời còn sinh viên. Trên chiếc xe wave, mỗi đứa đóng 500 nghìn, ngày đấy cũng to lắm, 1/3 tháng “lương” bố mẹ gửi rồi. Với một cậu trai vùng đồng bằng việc lần đầu tiên nghiêng tay lái “đổ đèo” là một điều gì đấy – rất ngầu!

trang phục truyền thống người Dao Tiền ở bản Sưng, Đà Bắc, Hòa Bình
Mình trong bộ trang phục truyền thống người Dao Tiền ở bản Sưng, Đà Bắc, Hòa Bình. Bên cạnh là chị trưởng nhóm du lịch cộng đồng ở Bản Sưng, chị vừa giúp mình mặc bộ quần áo của “chú rể” xong, hai chị em chụp ảnh cười khoan khoái

Chính những con đèo, những khu rừng, bản làng, con người và sắc màu văn hóa độc đáo ở Tây Bắc đã thôi thúc, nuôi dưỡng tâm hồn thích khám phá, trải nghiệm trong mình.

Đã đi kha khá, tưởng đã hiểu Tây Bắc lắm, nhưng 3 tuần trước mình tham gia một chuyến famtrip (1) với tên gọi “Bức tranh thổ cẩm” cùng các anh chị làm du lịch inbound (2) ở Đà Bắc, Hòa Bình. Và chuyến đi này đã khiến mình phải ngỡ ngàng. 4 ngày 3 đêm, đi qua 6 bản làng, tiếp xúc với 3 nền văn hóa của 3 dân tộc Mường, Thái và Dao Tiền đã khiến mình phải “WOW!”. Không ngờ ở Việt Nam lại có những điểm đến hoang sơ, bí ẩn, thú vị như thế. Chắc chắn những người thích du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm sẽ rất thích điểm đến này.

Đường vào bản Sưng này, nhìn xuống lòng hồ Hòa Bình, đẹp tuyệt vời
Đường vào bản Sưng này, nhìn xuống lòng hồ Hòa Bình, đẹp tuyệt vời

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với bạn về một bản làng nằm nép mình trong khu rừng già, chỉ cách Hà Nội chỉ tầm 110 kms, nhưng không có sóng 4G, 90% nhà vẫn còn lợp mái lá, bản làng hết sức yên bình và bà con người Dao Tiền ở đây vẫn còn giữ gìn được bản sắc dân tộc của mình.

Không dài dòng nữa, mình sẽ bắt đầu ngay đây!

#1 Bản làng không sóng 3G, không internet

Bản mà mình tới tên là Sưng, sở dĩ có tên gọi Sưng vì ngày xưa khi thế hệ Ông Cha di cư đến đây, thấy có nhiều cây Sâng nên gọi tên bản là Sưng. Chứ không phải “sưng sỉa” đâu nhé!

Đã lâu rồi mình không đến một bản làng không sóng 3G, 4G. Rời xa internet là rời xa email, facebook, những cuộc chuyện trò kết nối, rời xa công việc, văn phòng, deadline, dự án này nọ, đủ thứ trên đời. Mình có một khoảng không gian tách biệt với phần còn lại của thế giới, hoàn toàn đắm chìm trong một không gian yên bình, trong lành, yên tĩnh, mộc mạc, giản đơn.

Những ngôi nhà mái lá đơn sơ, mộc mạc được lợp lá cọ
Những ngôi nhà mái lá đơn sơ, mộc mạc được lợp lá cọ

Nhiều người rời thành phố 1 lúc, không có internet nhiều khi lo lắng lắm rồi. Còn “công việc, còn bao nhiêu thứ, bao nhiêu người ở nhà”. Mình còn nhiều thời gian để làm mà! Đôi khi cũng cần dành thời gian để nghỉ ngơi, để refresh chứ!!!

#2 Những ngôi nhà mái lá nằm yên bình dưới chân rừng già

Ngay khi bước xuống xe mình đã phải phải thốt lên thật to “WOWWWWW!”, nhà mái lá!!! Thú thực là mình rất thích (có phần bị lôi cuốn) bởi những thứ mộc mạc, đơn sơ, tự nhiên kiểu như nhà bằng gỗ lợp mái lá. Cho mình vào resort bê tông mình không thích bằng ở một căn bungalow lợp mái lá cạnh rừng, hay bên bờ suối, rìa bãi biển.

Mình có chụp một tấm nhìn bản làng từ xa, những mái nhà nằm không quá sát, nhưng vẫn gần gụi, quần tụ, ấm cúng lắm đấy!

Ngồi làng nhỏ nằm nép trong rừng già
Ngồi làng nhỏ nằm nép trong rừng già

Nhà của người Dao Tiền xây sát với mặt đất, sử dụng cột trụ bằng gỗ, hoa văn họa tiết khá đơn giản, nhiều cửa sổ, một cửa chính, lợp mái lá cọ. Điểm bất tiện của mái lá cọ là vài năm phải thay một lần, nhưng bà con ở đây sống quần tụ với nhau, nhà nào thay mái lá cả làng đến giúp, chính cái cớ thay mái nhà ấy lại là một dịp để mọi người trong làng bản gần lại với nhau, chia sẻ, kết nối với nhau. Ấm cúng nhỉ! Ở thành phố giờ thèm cái cảm giác đấy, nhà mình với nhà bác hàng xóm đối diện, chung tầng ở chung cư nhiều khi bước ra cửa chỉ cười chào nhau xã giao thôi, có việc gì cần cũng chẳng gọi nhau vì tòa nhà có dịch đội dịch vụ, thế là chả có làng xóm, làng giềng gì, mình người quê nên vẫn trân trọng cái tình người ở xóm làng lắm.

Du lịch trải nghiệm tại bản Sưng Đà Bắc, Hòa Bình
Nhóm Famtrip “Bức tranh thổ cẩm” tại điểm du lịch cộng đồng bản Sưng Đà Bắc, Hòa Bình (Ảnh: Hưng Đà Bắc CBT)

#3 Sắc màu văn hóa qua bộ trang phục truyền thống của người Dao Tiền

Chuyển qua tới mục sắc phụ truyền thống. Mình ít được tiếp xúc với đồng bào Dao Tiền, trước đây đi Sapa gặp người Dao Đỏ nhiều, đi Hà Giang có người Dao Đỏ, Dao Chàm. Cách đây 2 năm mình đã từng ghé một bản người Dao Tiền ở bến phà Vạn Yên (Sơn La), có một cô người Dao Tiền bắt đi nhờ xe mình, mình chở cô về nhà, cô mời vào uống nước thì đấy mới là lần đầu tiên mình đặt chân vào nhà người Dao Tiền.

Mình chụp cùng bà (nghệ nhân lớn tuổi nhất) và các chị trong tổ vẽ sáp ong, cùng các chị trong đoàn.
Mình chụp cùng bà (nghệ nhân lớn tuổi nhất) và các chị trong tổ vẽ sáp ong, cùng các chị trong đoàn. Điểm đặc biệt là mình đang mặc bộ chú rể, bộ chú rể chỉ khác với bộ thường là đường viền họa tiết có màu đỏ thôi nha!

Đặc điểm nhận biết trên trang phục người Dao Tiền là sau gáy thường treo mấy đồng tiền xu âm dương, quần áo thường nhuộm màu tràm, phối với màu đỏ, trắng. Nói chung là trang phục đơn giản nhưng tinh tế, từ việc chọn phụ kiện, cho tới phối màu, vẽ họa tiết.

Điểm mình rất ấn tượng với trang phục người Dao Tiền là cách mọi người vẽ sáp ong, thực tế là in sáp ong bằng dụng cụ làm từ tre, rất thẳng, đều tăm tắm, đều như in máy luôn. Mình thích nhất là chiếc dây lưng, cột nhìn rất xí ngầu.

Chị Hoa ngồi trải nghiệm vẽ sáp ong.
Chị Hoa và mọi người ngồi trải nghiệm vẽ sáp ong. (Ảnh: Hưng Đà Bắc CBT)

Giống như trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc khác, một bộ quần áo của người Dao Tiền làm rất mất công, dệt vải, vẽ sáp ong, thêu thùa tỉ mỉ, mất tới cả năm trời, hoàn toàn làm thủ công nên giá thành cao, nhưng mà chất. Nếu có dịp đến bạn nhớ tìm hiểu nhé!

#4 Homestay dịch vụ chuyên nghiệp chuẩn 3 sao

Một điều khiến mình rất thích nữa là ở bản Sưng người dân làm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Bền vững là như thế nào?

Bền vững bắt đầu từ việc cả bản cử ra một số hộ làm homestay, hộ làm dịch vụ sáp ong, hộ làm văn nghệ, hộ làm trà shan tuyết, có chia tổ văn nghệ, tổ hướng dẫn viên. Và khách hàng đến sẽ luân phiên, từng nhà, từng nhà để công bằng, khách tới nhà này đông quá nhà khác có thể sang phục vụ, tránh việc tị nạnh, mất đoàn kết.

Dịch vụ được hỗ trợ, đào tạo từ quỹ Action on Porverty – một tổ chức N.G.O của Úc nên mọi người làm bài bản. Từ đệm, chăn, màn, nhà hàng, cách nấu ăn… cho tới nhà tắm, toilet đều rất tốt. Chỉ có điều là có côn trùng, vì ở giữa thiên nhiên không tránh được nên mọi người chủ động chuẩn bị thuốc trống côn trùng là ổn ngay.

Hai chủ nhà chân chất, giản dị nhất mà mình từng gặp
Hai chủ nhà chân chất, giản dị nhất mà mình từng gặp. Buổi tối hôm ấy cả đoàn ăn cơm nhà bác, bác cho mình nghe chuyện đi tình nguyện oánh nhau bên Lào và uống “chè bồn” rất thú vị mình kể ở bài sau nhé!

Trở lại với dịch vụ, bà con ở đây luôn nở nụ cười trên môi đón khách, rồi đôi khi đang mặc bộ quần áo thường ngày đi làm cho thoải mái, thấy khách đến là chạy vào thay đồ ngay để trình diễn với những lữ khách phương xa bộ trang phụ truyền thống của dân tộc mình. Đáng yêu lắm!

Cụ bà đang thay bộ quần áo truyền thống để khoe với cả đoàn.
Cụ bà chủ homestay đang thay bộ quần áo truyền thống để khoe với cả đoàn.

#5 Món thịt chua ủ 3 năm và những chum rượu hoẵng

Mình không phải người có tâm hồn ẩm thực, nhưng hai món này làm mình hết sức tò mò, và khi trứng kiến cách làm thì thấy độ công phu.

Hũ thịt chua được ướp muối, ủ cơm, đặt trong chum 3 năm, mỗi năm bỏ ra thay cơm một lần, thường mỗi nhà có một chum để trong góc bếp. Món thịt này thường dùng trong các dịp quan trọng như: làm lễ cấp sắc (lễ trưởng thành cho con trai người Dao). Nói qua một xíu về lễ cấp sắc, đây là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong cộng đồng người Dao Tiền nói riêng, và cuộc đời người đàn ông Dao nói chung. Con trai từ 9 tuổi có thể làm lễ cấp sắc, người Dao quan niệm làm lễ cấp sắc mới chính thức trưởng thành (cả thể chất lẫn tinh thần), được đặt tên âm (tên cúng cơm khi chết), được Tổ Tiên và cộng đồng công nhận. Khi nào có dịp đến nhà người Dao bạn có thể hỏi nhiều hơn về nghi lễ này nhé.

Trở về với thịt chua, rượu hoẵng. Chum rượu hoẵng của người Dao Tiền cũng là một thứ đặc biệt. Khác với rượu thường là chưng cất, rượu hoẵng làm từ gạo nếp, nấu thành cơm, rắc men lên, gói trong lá chuối và ủ trong chum hai tháng sau bỏ bã lấy nước. Cách làm khá giống với cách làm rượu nếp của người Kinh, hay giống bia Hà Nhì của người Hà Nhì. Uống vị cũng ngọt tương tự thế, nhưng như mình tìm hiểu thì men của người Dao Tiền được làm từ các vị thuốc nên uống tốt cho da. Mình bỏ rượu, uống thử một xíu cho biết thì thấy có vị hơi ngọt và chua nhẹ. Kiểu rượu này người ta uống bằng bát, nhưng say thì chắc mấy ngày không tỉnh mất.

Phụ nữ người Dao Tiền uống rượu hoẵng bằng bát như này này! (Ảnh: Ruouthuoc.vn)
Phụ nữ người Dao Tiền uống rượu hoẵng bằng bát như này này! (Ảnh: Ruouthuoc.vn)

#6 Trekking, khám phá hang động thiêng và lớp học chữ Nho trên đồi

bản Sưng có một trải nghiệm thú vị khác là trekking lên trên khu vực nương ngô nơi bà con canh tác, đi qua một khu rừng cọ nhỏ, có cây dổi cổ thụ – mỗi hạt bán hai nghìn đồng luôn.

Bố Bản đang chỉ cho mọi người cây tẩm thuốc độc vào mũi tên
Bố Bản đang chỉ cho mọi người cây tẩm thuốc độc vào mũi tên

Hôm đấy mọi người được một “Bố Bản” (cách gọi người đàn ông có uy tín trong làng) chỉ cho cây thuốc độc. Cây này ngày trước thường được các cụ đến lấy nhựa tẩm vào mũi tên đi săn thú, bắn cái chết luôn. Mình nghe nói chạm ngoài da không sao, nhưng vào vết thương hở thì độc sẽ nhiễm vào máu, chết luôn. Sợ nhỉ! Nếu đến đây bạn đừng dại thử nhé!

Mọi người thấy cái thân cây có vết chém để lấy nhựa không?
Mọi người thấy cái thân cây có vết chém để lấy nhựa không? Một chi tiết rất đặc biệt là trước đây bố của Bố Bản không may bị dính nhựa vào vết thương, bị độc, phải lấy rất nhiều loại lá cây ăn vào mới chữa khỏi.

Con đường trekking không khó, nhẹ nhàng, các bạn nhỏ cũng đi được. Mọi người đến một hang động thiêng, mình thấy Bố Bản trước khi vào phải thắp hương ngoài ban thờ. Người dân ở đây kể về câu chuyện ba cô gái vào hang và biến mất, thần thoại, huyền bí, mình cũng chẳng biết thế nào, nhưng hang khá rộng, bọn trẻ trong làng có vẻ hay đến đây chơi, chúng nó thấy cả đoàn đi trekking đã chạy lên trên hang từ trước luôn rồi.

Hẹn gặp lại ở bài viết tiếp theo

Những trải nghiệm và bài học thú vị ở bản Sưng còn nhiều lắm, mình sẽ kể với bạn ở bài viết tiếp theo. Cảm ơn đã dành thời gian đọc bài viết, nếu bạn đến bản Sưng rồi bạn có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình dưới bài viết.

Bạn có thể đọc các bài viết khác chủ đề du lịch Hòa Bình ở đây nhé (hiện tại mình chưa viết nhiều, có thời gian mình bổ sung dần nhé!)

Một số thuật ngữ mình dùng trong bài:

(1) Famtrip là chữ viết tắt của cụm từ Familiarization trip, là một thuật ngữ đã trở nên quen thuộc trong ngành du lịch để nói về một hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị, xúc tiến, quảng bá du lịch.

(2) Inbound là thuật ngữ chỉ các du khách Quốc tế đến Việt Nam. Công ty du lịch inbound là công ty chuyên đón và phục vụ khách Quốc tế.

(3) NGO là viết tắt của cụm từ: Non-governmental organization – tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức này thường hoạt động trong các lĩnh vực phát triển, hỗ trợ giáo dục, kinh tế… Là một dạng từ thiện, nhưng từ thiện phát triển, hướng đến lâu dài, bền vững, chuyên nghiệp không phải từ thiện nhất thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *