Mai Châu Hoà Bình – Thung lũng xinh đẹp, mắc khén, rượu cần, và…

Cách Hà Nội 130km, thung lũng du lịch Mai Châu (huyện Mai Châu, Hòa Bình) là điểm đến khá lý tưởng để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào trên vùng núi Tây Bắc. Bài viết dưới đây chia sẻ trải nghiệm của bạn Thanh Lương về vẻ đẹp thiên nhiên, con người ở đây. Thung lũng Mai Châu Hoà Bình nhìn từ […]

Trần Việt Anh Tháng Tám 3, 2013

  • Chia sẽ:
Cách Hà Nội 130km, thung lũng du lịch Mai Châu (huyện Mai Châu, Hòa Bình) là điểm đến khá lý tưởng để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào trên vùng núi Tây Bắc. Bài viết dưới đây chia sẻ trải nghiệm của bạn Thanh Lương về vẻ đẹp thiên nhiên, con người ở đây.
Mai Châu Hoà BìnhThung lũng Mai Châu Hoà Bình nhìn từ trên cao

Cho những ngày kỷ niệm Mai Châu

Mai Châu thử thách chúng tôi bằng những đoạn đường núi quanh co lắt léo, có những cung đường ngập trong sương mù dày đặc đến thót tim. Một bên là vách đá sừng sững, một bên là vực thẳm phủ đầy sương trắng mơ hồ, sương mờ ảo, quấn quýt hòa quyện vào mưa bao trùm lấy những ngọn núi trùng điệp… Chưa có cuộc hành trình nào mà thời tiết lại “dọa ma” kẻ dù chồn chân mỏi gối cũng không nguôi máu thiên di là tôi đến như vậy. Vừa mới nắng đấy, thoắt cái đã mưa sụt sùi, rồi nắng lại bừng lên, rồi chớp mắt lại thấy nước mưa ồ ạt đổ xuống. Bầu trời trên đầu cứ sầm lại như muốn sụp xuống đầu người bất kỳ lúc nào. Và bất kể mưa nắng đan xen, ngước mắt nhìn lên lúc nào cũng thấy núi chìm trong mây (hay là sương) mờ đục. Thoắt ẩn thoắt hiện.

Chúng tôi nhào ra khỏi xe, hú hét giữa gió trời lồng lộng trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đang nằm trong tầm mắt mình. Những dãy núi lam tầng tầng lớp lớp quyện với màu mây lững lờ đẹp không tả xiết. Và thung lũng Mai Châu… bình yên, dịu dàng. Đứng trên con đường lưng chừng núi mà ngó xuống, từng ô ruộng như những mảng màu bột mịn màng phết trên bức tranh dịu mát của thiên nhiên Tây Bắc. Những ngôi nhà nhỏ lúp xúp nhỏ xinh. Những bông lau phất phơ trong gió. Và cây cối chưa đổi hết màu ven sườn núi, xanh, vàng, đỏ trộn lẫn vào nhau. Hài hòa. Bình dị.

Nơi chúng tôi nghỉ lại là một căn nhà sàn hai tầng vô cùng đặc biệt: Nhà anh Kiều Văn Kiên – người đã dành mười năm sưu tầm hơn 1000 cổ vật, hiện vật văn hóa Thái. Bữa cơm ngon lành mà chị Lê – vợ anh Kiên dọn ra được hơn hai mươi con người vừa đói vừa mệt sau chặng đường dài giải quyết nhanh gọn. Cá suối chiên giòn chấm mắm gừng, gà đồi xào măng chua, canh cải mèo nấu sườn, món nào cũng là lạ một chút hương vị của núi rừng. Đặc biệt nhất có lẽ là món cá bọc lá chuối đồ: một khúc cá to được tẩm ướp gia vị, có thêm lá lồm (một loại lá rừng của người Thái) xắt nhỏ, túm lại trong lá chuối và đem đồ trên bếp lửa.

Bảo tàng của anh Kiên là một trải nghiệm đầy mới mẻ về văn hóa Thái đối với những người con miền xuôi như chúng tôi. Từ các dụng cụ chế biến lương thực: cối xay, giã gạo, dụng cụ đựng thóc làm từ thân cây to khoét rỗng ruột; cho đến dụng cụ săn bắt, hái lượm: các loại bẫy khác nhau dùng để bắt rắn, chuột, gà rừng, hay hộp tên, nỏ, súng kíp, lưới để bắt thú… tất cả làm tôi trầm trồ hết lần này tới lần khác vì sự sáng tạo của đồng bào Thái. Những dụng cụ dùng cho cưới hỏi, tang lễ, đồ dùng của thầy mo, trang phục truyền thống, dụng cụ trong bếp… tôi đều có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay và cảm nhận sự khéo léo không ngờ tới được. Anh Kiên hào hứng chỉ cho chúng tôi những hiện vật độc đáo trong bảo tàng: khèn bè (nhạc cụ đặc trưng nhất của người Thái), răng voi hóa thạch nặng gần 3kg, chiếc sừng bò tót dùng để uống rượu mà có người nhầm với chiếc tù và, các loại đèn, sách Thái cổ…

Cả đoàn hồ hởi leo núi lên “thám hiểm” Hang Chiều, nhưng tôi, vốn không tự tin lắm về khả năng leo trèo của mình, cộng thêm sức khỏe không cho phép, quyết định “tách đoàn”. Được anh Kiên và chị Lê chỉ đường, tôi lững thững đi bộ vào Bản Lác.

Con đường nhỏ dẫn vào bản nằm giữa cánh đồng xanh mướt một màu lúa non mới cấy. Trước mặt, hai bên, sau lưng đều là những rặng núi sừng sững phủ mờ mây trôi. Nắng nhẹ, gió hiu hiu, những bụi tre rì rào xào xạc, nước róc rách qua những ống dẫn nước làm bằng thân tre bắc ngang qua suối, ấy là những bình yên đến xao lòng của một vùng làng quê nơi miền Tây Bắc.

Bản Lác làm du lịch từ nhiều năm nay nên nhìn góc nào cũng thấy khách Tây và những cô cậu thanh niên miền xuôi đang xúng xính thử quần áo dân tộc để chụp ảnh. Thổ cẩm, những giò phong lan hay cây sừng hươu, và đồ dùng đi nương như bồ, dao, ống tre… được bày bán trước cửa nhà sàn. Đây đó có một vài người ngồi bán những ống cơm lam và sản vật miền núi: măng đắng, quả rừng. Chị bán hàng người Thái niềm nở mời tôi nếm thử me rừng và quả xìm. Một thứ quả thì chua gắt, một thứ thì chua, đắng, chát, nuốt vào lại thấy có vị ngọt. Cả hai loại quả đều làm tôi lè lưỡi nhăn mặt, nhưng phải thừa nhận mùi vị tưởng như “khó ưa” ấy lại quyến luyến đọng lại trên đầu lưỡi làm người ta phải nhớ mãi không quên được.

Lân la quanh bếp lửa rực hồng xem chị Lê và các cô bác nấu cơm cho bữa tối, tôi mới biết thứ măng ngon tuyệt xào với thịt gà lúc trưa là măng cây bương – một loài cây họ tre, mọc trên núi, măng rất ngọt và là nguyên liệu để làm thành món măng lưỡi lợn khô. Thấy tôi cứ loanh quanh lẩn quẩn quanh bếp, anh Kiên trêu: “Thôi em ạ, tốt nhất là em lấy chồng trên này, lúc đấy sẽ biết hết.”

Bữa tối ngon lành với thịt lợn cắp nách làm chúng tôi một lần nữa lại tấm tắc xuýt xoa. Thịt lợn cắp nách luộc chấm mắc khén (hạt tiêu rừng), nướng chả vàng ươm có tẩm vừng rất lạ mắt và lạ miệng, món lòng dồi đặc biệt không kém, rau cải mèo luộc xanh mướt với vị ngọt đặc trưng. Và lạ nhất là món canh nấu từ thân cây chuối rừng, bùi bùi ngậy ngậy. Riêng mâm cơm của tôi được “ưu tiên” thêm một bát canh cải mèo còn lại từ trưa, do tôi tỉ tê với các cô rằng buổi trưa nay ít canh quá, ăn vẫn còn thèm.

Căng dạ bụng chùng da mắt, nhưng ai mà đi ngủ ngay được khi đội văn nghệ bản Thái đang chờ. Âm nhạc rộn ràng. Thướt tha mềm mại trong từng bước di chuyển. Một tiếng hát như suối chảy êm đềm. Một giọng hát trầm ấm như âm vang cả núi rừng Tây Bắc. Một điệu múa sạp tưởng như quen thuộc mà lại chưa bao giờ đẹp và lôi cuốn đến thế. Và rượu cần ngọt ngào, nồng đượm, quấn quýt lấy bước chân ai như níu lại không cho về.

Trời đêm trở gió. Sáng ra thấy ai cũng co ro thu mình trong áo ấm giữa gió lạnh hun hút. Nhưng lạnh đến đâu cũng chẳng ngăn được bước chân chúng tôi quay lại Bản Lác – nơi mà đêm hôm qua mọi người cùng nhau tưng bừng nhảy múa quanh đống lửa trại. Xong bữa sáng bằng cơm lam thơm dẻo, cả đoàn hướng ra Bản Lác thuê xe đạp và lại bắt đầu cuộc hành trình trước khi quay về Hà Nội.

Vẫn là núi rừng, vẫn là những con đường dốc khúc khuỷu làm bở hơi tai người đạp xe hì hục, vẫn là bữa cơm nóng sốt được dọn sẵn chờ chúng tôi về (hôm nay có món canh thịt trâu nấu lá lồm, vừa bưng ra đã thấy thơm nồng mùi mắc khén sực nức), vẫn là những câu chuyện rôm rả… nhưng có cảm giác gì đó thật buồn khi nghĩ đến chỉ chiều nay thôi là mình đã không còn ở Mai Châu này nữa…

Hình như không ít người cũng có chung cảm giác đó, thế nên khi thấy xe về Hà Nội chật cứng người, không còn chỗ cho ai leo lên, chúng tôi không ai bảo ai đều nhảy lên hú hét vì sung sướng. Lại hỉ hả xách đồ quay trở lại nhà anh Kiên, lại ríu rít bàn nhau xem tối nay đi chơi đâu, làm những gì.

Ăn cơm! Ngấy và sợ thịt, cả hội được chị Lê nấu cho một bữa thanh đạm, mà trong đó có món măng cây bương xào ngon không thể tả, chưa kể đến rau tầm bóp hái từ trên rừng về, luộc lên còn hơi ngai ngái chút vị đắng đót nơi đầu lưỡi. Vui chuyện, anh Kiên lấy cho chúng tôi xem “ta leo” – một dụng cụ hình mắt cáo, có 6 cạnh đan bằng nứa, dùng để đánh dấu sự sở hữu trong hoạt động kinh tế của người Thái xưa. Và thế là “trận chiến trong mâm cơm” xảy ra khi mọi người thi nhau dùng “ta leo” để “đánh dấu chủ quyền” với thức ăn trong mâm. Nhưng hình như với nhóm sinh viên nghịch ngợm chúng tôi thì “ta leo” không có tác dụng.

Dù có được ở lại thêm một đêm nữa thì sáng hôm sau chúng tôi cũng phải lên xe trở về Hà Nội. 5 giờ sáng, mắt nhắm mắt mở trèo lên xe, khệ nệ xách theo nào rượu cần, nào cơm lam, làm quà cho người ở nhà, cũng là để cho chính mình đỡ nhớ chút hương vị Tây Bắc. Tạm biệt Mai Châu

Nhớ quá là nhớ đi thôi, cảnh núi điệp trùng ẩn hiện trong sương mù bao phủ. Nhớ quá đi thôi mùi vị của nước rễ cây Thái xua tan đi bao mệt nhọc sau những gập ghềnh đường sá. Nhớ sao kể hết nét thướt tha đằm thắm của những cô gái Thái đảm đang dịu dàng. Nhớ đến nao lòng sự hiền hòa hiếu khách sao mà ấm áp đến thế. Nhớ cái không khí đầm ấm bên bạn bè, anh em và người yêu dấu. Và nhớ lắm mùi mắc khén thơm nồng đầy lưu luyến, cơm lam thơm nức hương nếp Mai Châu, rượu cần ngọt giọng của men say đất trời…

Nhớ lắm, Mai Châu ạ!…

Bút ký

3/2013

Thanh Lương.

(facebook.coms/Ivy.Elysia)

 Từ Hà Nội, dọc theo đường quốc lộ số 6, qua thị trấn Xuân Mai, qua TP. Hoà Bình, vượt dốc Cun dài 12km, qua huyện Cao Phong, qua Huyện Tân Lạc là tới thung lũng Mai Châu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

“Câu trả lời ngắn gọn nhất là hành động”

Có bao giờ lời nói, hành động, suy nghĩ của những người xung quanh khiến bạn cảm thấy không còn tự tin? Bao giờ những người đó chính là người xung quanh bạn? Nếu bạn đã và đang ở trong trạng thái đó, hãy để tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của tôi. […]

Tháng Tám 31, 2021

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu? Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều […]

Tháng Tám 30, 2021

Bản nháp Lời tựa cuốn sách đạp xe 63 tỉnh thành Việt Nam

Năm 17 tuổi, đã có lúc, tôi nghĩ tới việc lao đầu vào ô tô để kết liễu cuộc đời mình, sau những lần chứng kiến những cuộc chiến tranh của Bố Mẹ, và đã có lúc tôi tham gia vào cuộc chiến ấy như một con thú với tất cả bản năng hoang dại […]

Tháng Tám 29, 2021

Đi như thế nhỡ hỏng xe thì phải làm sao?

Đó là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều người từng hỏi mình câu đó. Phải làm sao nhỉ? Mình có cả một bộ dụng cụ sửa xe ở đằng sau chiếc balo, cờ lê, bộ vá xe được WETREK tài trợ, mình mua theo cả săm dự phòng để thay khi cần. […]

Tháng Tám 27, 2021

Cái duyên với Thiền viện Trúc Lâm

Tôi đói lả người, mệt, kiệt sức. Cố hết sức đạp đến chân Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lúc đó cũng gần 7h tối, tôi nhìn thấy đường lên dốc cao hơn những con dốc dạng sóng nhẹ mà mình vừa đi qua, thấy nản. Khi đói, mệt, thêm với sợ tối, tôi đã […]

Tháng Tám 26, 2021