9 ý tưởng giúp công ty du lịch “bứt phá” (ko riêng mùa dịch Covid19)

Bạn đã có ý tưởng gì cho công việc kinh doanh du lịch của mình trong tình trạng Covid19 trở lại? Bạn thân mến! Virus Corona (Covid-19) đã khiến ngành du lịch phải đóng băng, cùng rất nhiều ngành nghề khác, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới bị ngưng trệ. Mình […]

Trần Việt Anh Tháng Tư 7, 2020

  • Chia sẽ:

Bạn đã có ý tưởng gì cho công việc kinh doanh du lịch của mình trong tình trạng Covid19 trở lại?

Bạn thân mến!

Virus Corona (Covid-19) đã khiến ngành du lịch phải đóng băng, cùng rất nhiều ngành nghề khác, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới bị ngưng trệ.

Mình biết rằng có rất nhiều người đang gặp khó khăn, một số người bạn của mình nói :”Việt Anh ơi, toang rồi!”.

Ở các thành phố du lịch đông đúc nhất Việt Nam, từ Hội An, anh bạn mình nhắn :”Từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ thấy vắng như ri!”.

Rõ ràng là ngành du lịch đang phải hứng chịu một cú shock thực sự mạnh khiến không ít doanh nghiệp bị hạ đo ván. Nhưng vấn đề này không phải của riêng ai, riêng quốc gia nào, mà là vấn đề của cả Thế Giới. Và chúng ta may mắn khi là người Việt Nam, đang sống ở Việt Nam, đất nước mình nằm trong nhóm kiểm soát tốt tình hình.

Mình vừa xem clip về cách người Bali đối diện với đại dịch Covid19, có nhiều điều hay để học hỏi!!!

Quay trở lại với chủ đề chính của bài viết, mình muốn nói rằng dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, và con người trên Trái Đất sẽ lấy lại quỹ đạo sống thường ngày của họ. Nên, với khó khăn hiện tại chúng ta chấp nhận, thích nghi với nó và tìm ra những điểm tích cực.

Mọi người sẽ lại đi du lịch trở lại, và nếu bạn làm chủ doanh nghiệp du lịch, hay là một marketer đang làm việc trong ngành du lịch, hãy cùng nhau nghĩ ra những ý tưởng để có thể biến thời gian khó khăn này thành thời gian chuẩn bị cho sự tăng trưởng sắp tới ở tương lai.

Với những doanh nghiệp làm du lịch, việc nghiên cứu lại sản phẩm, hoàn thiện quy trình, lên cho mình một kế hoạch phát triển kênh truyền thông, làm nội dung, hoàn thiện quy trình chăm sóc dịch vụ, hay đơn giản là viết những bài viết thật hay trên website, giải đáp những phần thắc mắc khách hàng hay hỏi… có rất nhiều điều để làm.

Và những công việc này sẽ giúp bạn:

  1. Tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới
  2. Lan tỏa thương hiệu đến với nhiều người hơn
  3. Hoàn thiện, gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng
  4. Tiết kiệm thời gian, nguồn lực trong khi hoạt động.

Và với kinh nghiệm, hiểu biết hạn hẹp của mình, Việt Anh viết bài này, mong muốn chia sẻ một vài ý tưởng nhỏ bé, biết đâu có điều gì đó có thể góp phần giúp cho doanh nghiệp của bạn có việc làm trong thời điểm khó khăn này, và chuẩn bị cho một hành trình mới ở phía trước?

Nếu bạn đã sẵn sàng, mình cùng nhau bắt đầu nhé!

1. Rà soát, định vị và phát triển

Có một lỗi mà mình tin đâu đó vẫn có anh chị em doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hay mắc phải, là không rà soát, không định vị lại dịch vụ, doanh nghiệp của mình mà cứ thế nhắm thẳng tới việc phát triển. Đặc biệt ở các doanh nghiệp du lịch nội địa mới thành lập, còn các anh chị doanh nghiệp inbound mình tin mọi người đều đã làm rất tốt phần này.

Dừng lại, nhìn lại, định vị tương lai.

Giống như trong một cuộc đua, nếu không biết sức mình thế nào, đối thủ của mình ra sao, mà chỉ muốn mình là số 1, thì khả năng ngỡ ngàng, thất vọng vì đời không như ta ước mong là rất cao.

Không chỉ mùa Covid-19 này mới cần rà soát, định vị lại. Mà luôn luôn cần, làm hàng năm, háng quý, hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày thì càng tốt. Các cụ đã dạy :”Biết mình, biết ta, trăm trận, trăm thắng!”

Việc có thể làm:
1) Rà soát lại xem dịch vụ, nhân viên, khâu tổ chức đã thực sự tốt chưa? Ví dụ công ty tour xem lại xem lịch trình, trải nghiệm khách hàng, hướng dẫn viên đã tốt chưa? Có gì khách hàng phàn nàn cần cản thiện hoặc có thể cải thiện không?
2) Rà soát lại qua những lời phàn nàn từng có của khách hàng về dịch vụ, về nhân viên xem có thể thay đổi được trong thời gian này không?

3) Nghiên cứu xem các doanh nghiệp cùng ngành họ đang làm gì, họ phát triển đến đâu rồi, họ có gì mới mà mình chưa có? Bạn có xem facebook của họ, xem website của họ không? Hay cứ việc mình mình làm thôi? Đôi khi, có rất nhiều điều hay ho để học từ họ.

4) Sau khi định vị rồi, lên cho mình một kế hoạch để cải thiện, việc gì làm được trong mùa dịch này? Không phải đây là một dịp Tĩnh Lặng rất quý giá để nghiên cứu và nghĩ các ý tưởng hay sao?

Một vài ý tưởng thực tế:

– Tờ phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm:

Công ty của anh chị đã có tờ phiếu “ý kiến đánh giá của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ” chưa?

Nếu ai đã trải nghiệm cả hai dịch vụ: (1) đi thuyền tham quan Tràng An và (2) Tam Cốc rồi sẽ thấy rõ hiệu quả của tờ phiếu này. Ở Tràng An có phiếu đánh giá sau khi sử dụng dịch vụ đi thuyền, ở Tam Cốc thì không.

Mô hình trải nghiệm tương đương nhau: ngồi trên thuyền đi qua các hang động núi đá vôi và ngắm cảnh thiên nhiên.

Tuy nhiên, các cô chú, anh chị lái thuyền ở Tràng An lại rất nhẹ nhàng, không dám “xin” tiền tip thêm của khách, thấy rác là nhặt, dịch vụ rất tuyệt, vì có một tờ phiếu đánh giá chất lượng dịch vụ họ buộc phải lấy thông tin từ khách vào cuối phần trải nghiệm.

Tờ phiếu này quyết định nhân viên (người lái đò) ấy được nhận nhiều hay ít chuyến đi, tờ phiếu giống như một nhân viên giám sát chất lượng dịch vụ của nhân viên. Nhân viên tự giác hơn, dịch vụ tốt hơn.

Còn ở Tam Cốc thì khác, thuyền về gần tới bến có thể bạn sẽ gặp người lái đò xin tiền khách. “Nhanh nhanh không cán bộ quản lý nhìn thấy!”.

Đấy, chỉ một tờ phiếu đánh giá thôi mà đã dẫn đến hai kết quả trái ngược nhau.

Tất nhiên là kể cả có tờ khai vẫn có người lách luật được, vì nó nằm ở trong ý thức mỗi người, nhưng tờ khai ấy giúp cho nhân viên chủ động trong việc giữ gìn chất lượng dịch vụ và uy tín cá nhân hơn. Và khi uy tín, chất lượng cá nhân được giữ, uy tin và chất lượng sản phẩm sẽ tăng theo. Điều này được chứng minh rất rõ ràng trong kết quả ở Tràng An và Tam Cốc (Ninh Bình).

2. Thấu hiểu các “Thượng Đế”

Trong Marketing có một thuật ngữ là “Customer insight”, tạm dịch là “sự thật ngầm hiếu” về mong muốn và nhu cầu của khách hàng, kể từ đấy bạn đưa ra thông điệp truyền thông cho sản phẩm / dịch vụ của mình đúng “điểm chạm” khiến khách hàng quyết định mua.

Thấu hiểu là nguồn gốc của tình yêu. Trước khi muốn khách hàng yêu bạn không? Chúng ta phải hiểu khách hàng trước đã?

Ví dụ: một khách hàng 25 tuổi đi du lịch Hà Giang, họ sẽ thích những trải nghiệm thú vị, các hoạt động ngoài trời, họ không quá quan trọng về chỗ ở vì họ không dư dả về tài chính. Nếu bạn hiểu rõ những mong muốn thầm kín (mà họ không nói ra) này. Bạn sẽ làm gì?

“Trải nghiệm hết ga, không lo về giá!” – tung ra một chiến dịch truyền thông về sản phẩm với các nội dung mang thông điệp như thế này chẳng hạn, và xây dựng nội dung hình ảnh, thậm chí chạy ads nhắm tới đối tượng nằm trong độ tuổi 25, ví dụ thế.

Nhưng nếu thông điệp này mà chạy cho nhóm khách hàng > 30 là bạn lại gặp vấn đề. Vì trên 30 tuổi, người ta có nhu cầu khác, có khó khăn khác, ví dụ họ bắt đầu đi làm ổn định, không lo về tài chính nữa, nhưng khó khăn về thời gian, và cần sự thoải mái, an toàn, chất lượng dịch vụ tốt một chút, họ có nhu cầu được phục vụ, chứ không như các bạn <25 (tự lo được cho mình, chỉ lo không có tiền). Bạn sẽ làm gì? Hãy đưa ra thông điệp nhắm thẳng vào họ!

“Dịch vụ 3 sao, an toàn tuyệt đối!” chẳng hạn.

Nói tóm lại, việc phân tích kỹ khách hàng là một việc rất cần bạn ạ! Mình biết, rằng có nhiều người làm truyền thống, có Tâm với nghề, chuyên môn nghiệp vụ rất giỏi, nhưng không phải ai cũng biết rằng phải hiểu rõ khách hàng: muốn gì, cần gì để đáp ứng.

Phương pháp này rất hay, không chỉ áp dụng với khách hàng, mà còn có thể áp dụng với cả cô vợ / bạn gái khó chiều nhưng luôn mong muốn nhiều của chúng ta nữa. Vậy nên, mình chia sẻ lại 16 loại nhu cầu khách hàng để bạn hiểu rõ hơn nhé.

16 Loại nhu cầu của khách hàng

(Nguồn nội dung thuộc về Uplevo.com)

Đối với các nhu cầu về sản phẩm:Đối với các nhu cầu về dịch vụ
1. Chức năng: Khách hàng mong muốn sản phẩm của bạn có thể đáp ứng các chức năng theo cách giải quyết các vấn đề của chính họ.10. Sự thấu hiểu:Khách hàng có mong muốn được thấu hiểu và chia sẻ từ những người làm dịch vụ.
2. Giá cả: Khách hàng có một ngân sách nhất định cho việc mua sắm sản phẩm của bạn.11. Sự rõ ràng: Từ giá cả, quy trình dịch vụ, hợp đồng điều khoản, khách hàng đều mong đợi sự rõ ràng từ công ty cung cấp dịch vụ.
3. Sự tiện lợi: Sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn phải là một giải pháp tiện lợi để đáp ứng được các vấn đề của khách hàng.12. Sự minh bạch: Khách hàng mong đợi sự minh bạch từ một công ty họ đang sử dụng dịch vụ. Các sự cố, thay đổi giá cả hay cả chấm dứt hợp đồng, khách hàng cần sự cởi mở từ chính doanh nghiệp trong việc giải quyết.
4. Sự trải nghiệm: Trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ phải thuận tiện, đơn giản và rõ ràng, hoặc ít nhất không khiến tốn nhiều công sức hơn cho cùng 1 công việc.13. Kiểm soát: Cần cung cấp cho khách hàng cảm thấy họ đang được kiểm soát về tình hình hiện tại, thay vì bị phụ thuộc vào doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
5. Thiết kế: Thiết kế của sản phẩm cũng góp phần đem lại trải nghiệm sử dụng và tác động đem lại sự tiện lợi.14. Nhiều lựa chọn: Cung cấp đa dạng các lựa chọn, mức giá cả, các phương thức thanh toán là những điều khách hàng mong muốn.
6. Sự tin cậy: Sản phẩm và dịch vụ cần đáp ứng được các mong đợi của khách hàng khi họ tưởng tượng thông qua các thông điệp quảng cáo của bạn.15. Thông tin: Khách hàng mong muốn được cung cấp đầy đủ các thông tin để họ hiểu rõ về sản phẩm và dịch vụ bạn đang cung cấp. Hãy đầu tư cho các loại nội dung này trên website, ấn phẩm truyền thông,… của doanh nghiệp.
7. Hiệu năng: Các sản phẩm và dịch vụ cần hoạt động chính xác như những gì khách hàng mong đợi16. Khả năng tương tác: Khách hàng cần sự hỗ trợ của bạn trong thời gian sử dụng dịch vụ. Hãy tập trung vào yếu tố chăm sóc khách hàng.
8. Sự hiệu quả: Sản phẩm và dịch vụ cần đem lại hiệu quả về mặt công năng cũng như thời gian sử dụng.
9. Compatibility: Khách hàng có nhu cầu về sự tương thích giữa sản phẩm của bạn với các sản phẩm mà họ đang sử dụng.

3. Đừng nói thứ bạn có, hãy nói thứ họ cần

Có nhiều người làm truyền thông, cứ nói thứ mình có!

Có nhiều người bán hàng, cứ bán thứ mình có!

Có người đi tán gái, cứ nói thứ mình có!

Có người viết, cứ viết thứ mình có!

Có người, à mà thôi…

Nói thứ họ cần, đừng nói điều bạn có!

Mình vừa làm việc với một chị ở trung tâm đào tạo (mình xin phép đi ra ngoài lĩnh vực du lịch xíu cho khách quan nhé!). Chị ấy làm tuyển sinh, mà chị cứ đăng trên facebook về dịch Covid-19, hay các bài viết kiểu: chúc bạn một ngày tốt lành, hãy tích cực lên!!! Vân vân.

Mình bảo :”Chị viết thế này thì làm sao mà chẳng ít like! Ai người ta đọc!”. Mà kể cả có đọc, cũng chẳng hiệu quả. Vì mục đích của Marketing hay các hoạt động truyền thông khác là để làm 2 điều: (1) Phát triển thương hiệu và (2) Gia tăng doanh số. Trước khi viết phải hỏi xem có làm được 2 điều trên không, nếu không là nhầm, không hiệu quả.

Mình mới nói với chị phải ngồi phân tích insight. Thì hôm qua chị gọi cho mình nói :”Việt Anh! Chị gọi điện cho hai bạn, hỏi được rất nhiều thông tin hay!” và từ sau khi phân tích “customer insight” chị có rất nhiều ý tưởng để đợt tới phát triển nội dung cho phần việc tuyển sinh của chị.

Bạn thấy đấy, mình chẳng cần làm gì nhiều đâu, chỉ cần ngồi phân tích xem khách hàng của mình đang:

(1) Cần gì, tại sao họ lại sử dụng dịch vụ của mình?

(2) Họ đang gặp khó khăn gì

(3) Họ có thói quen, sở thích gì (vượt ra ngoài dịch vụ càng tốt)

rồi giúp khách hàng giải quyết, vượt trên cả nhu cầu căn bản trong dịch vụ thì chắc chắn khách hàng sẽ happy, nội dung truyền thông sẽ hiệu quả!

4. Website này, dành cho ai đọc?

Đấy, tương tự thế, khi có “Customer Insight rồi, lên được ý tưởng nội dung rồi thì ngó lại xem cái website của mình thế nào nhé!

Website này dành cho ai?

Cái website, nó quan trọng lắm, nó là bộ mặt, là ngôi nhà, là một thực thể trên không gian mạng đại diện cho thương hiệu, cho linh hồn, cho quy mô, cho tất tần tật mọi thứ.

Gần đây mình tư vấn cho nhiều website đập đi làm lại. Có doanh nghiệp 22 năm, có doanh nghiệp 5 năm. Điểm chung là: website không giới thiệu được hết về sức mạnh nội tại doanh nghiệp mình.

Điểm yếu này chết người! Facebook có làm tốt đến đâu, nó cũng chỉ là một kênh để tương tác và giới thiệu. Và nó là nhà của Mắc-zắc-cơ-bớt (Mark Zuckerberg) chứ không phải nhà mình.

Nhiều người chỉ tập trung vào Facebook, với các kênh khác mà quên mất Website mới là nhà của mình, cần phải chăm sóc cho nó, chứ ra chợ (social) ăn to nói lớn đến đâu, mà nhà (website) cửa chưa khang trang thì người ta không tin tưởng.

Webise thường có những phần này cần làm:

  1. Giới thiệu: lịch sử hình thành (một cơ hội để kể câu chuyện truyền thông), đôi ngũ nhân sự (con người là tài sản của doanh nghiệp), phần thưởng đạt được (nếu có), các hoạt động (người hoạt động nhiều là người có sức khỏe tốt).
  2. Dịch vụ: nơi show thông tin chi tiết những gì khách hàng cần biết về dịch vụ.
  3. FAQ (Frequently Asked Questions) hay Q&A (Question & Answer): những câu hỏi thường gặp của khách hàng. Phần này hay kinh điển, không chỉ giúp tiết kiệm công sức tư vấn của tư vấn viên, mà còn khiến khách hàng thấy: à! mấy thanh niên này hiểu tâm lý khách hàng, tin tưởng được! Mua! (ý là tăng uy tín và gia tăng quyết định mua hàng ấy mà)
  4. Blog: một nơi rất hay ho để định vị tính cách thương hiệu. Bạn có thể kể chuyện tâm tư tình cảm doanh nghiệp vào đây. Các hoạt động nội bộ, để khách hàng hiểu hơn, một cách thân quen gần gũi hơn (so với phần giới thiệu hơi nghiêm túc) về doanh nghiệp.
  5. Tin tức/Cẩm nang: phần này có thể giải quyết các thắc mắc rộng hơn về dịch vụ. Ví dụ mình tư vấn cho anh bạn mình làm land tour ở Hà Giang, bên cạnh việc giới thiệu về dịch vụ, phần Cẩm nang giúp khách hàng chuẩn bị được đầy đủ thông tin trước khi đi Hà Giang, và giúp cho chuyến đi của họ ý nghĩa hơn, háp-pi hơn. Ô-kê! Cần thiết ra phết nhỉ!
  6. Khách hàng nói về chúng tôi: “Kết quả là Chân lý!” mình rất thích và tặng bạn câu này. Giới thiệu dịch vụ có hay như đài thì vẫn chưa thể thuyết phục khách hàng được. Phải có kết quả! Phải cho khách hàng thấy kết quả! Đã có rát nhiều người sử dụng dịch vụ của chúng tôi và rất hài lòng đây, anh chị đừng lo lắng nhé, chúng tôi tốt thật mà! Đấy, cứ thế.
  7. Liên hệ: phần này dành cho cả khách hàng lẫn đối tác
  8. Thông tin hữu ích: về chính sách hoàn hủy, bảo hành, tuyển dụng, hoạt động cộng đồng, hướng dẫn thanh toán…vv tóm lại là tất cả những gì giúp khách hàng giải đáp được thắc mắc, và giúp doanh nghiệp bạn tiết kiệm được thời gian thì chúng ta rất nên làm.

Trên đây là mấy ý tưởng rất sơ sài, lý thuyết và chung chung. Nhưng cứ thử áp dụng xem, bộ mặt của bạn sẽ uy tín hơn trên Internet, từ đấy tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng sẽ cao hơn, chi phí chạy ads cũng sẽ rẻ đi, một phần từ chiếc website chuyên nghiệp uy tín.

5. Lặng lẽ SEO ngay, vận may sẽ tới

S.E.O là viết tắt của Search Engine Optimize: dịch dễ hiểu là tối ưu cho Website / Kênh Youtube / Fanpage Facebook xuất hiện ở thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm: như Google, Cốc Cốc, Bings. Hiện nay kênh lớn nhất, phổ biến nhất là Google.

SEO giống như leo núi vậy, việc bạn cần làm là leo lên đỉnh và đổi lại bạn sẽ có nhiều người thấy mình!

Lấy ví dụ đơn giản: khi khách hàng tìm từ “tour du lịch Hà Giang 2 ngày 1 đêm” chẳng hạn, sẽ ra kết quả của Dulichbui24.com ở vị trí đầu tiên. Và họ sẽ kích vào các website nằm ở vị trí đầu tiên, biết đến dịch vụ của bạn và khả năng mua hàng sẽ rất cao nếu các bước bên trên làm tốt.

Để S.E.O có 2 cách:
(1) Tự SEO
(2) Thuê freelancer hoặc Agency bên ngoài

S.E.O cần: nội dung + thời gian + kỹ thuật.

Thời gian cần: tối thiểu 3-6-9-12 tháng để có hiệu quả.

Bạn có thể tìm hiểu và tự học SEO trên Youtube. Hoặc tham khảo website của các bạn GTV SEO, hướng dẫn cơ bản từ A-Z được dân SEO kì cựu giới thiệu là hướng dẫn đầy đủ, hay!

Hoặc bạn có thể tìm Agency để SEO, nhưng chi phí hơi chát. Trung bình tầm 100 – 300 triệu cho một dự án SEO.

Ưu điểm của SEO:

  • Khoản này là đầu tư hiệu quả lâu dài (không như quảng cáo Google Ads: hết tiền hết tình hết anh em)
  • Kể cả khi mình ngủ thì nó vẫn đang hoạt động
  • Không bị phụ thuộc vào các nền tảng quảng cáo

Nhược điểm:

  • Chi phí đầu tư 1 lần cao (với doanh nghiệp rất nhỏ thì khoản này e là khó khăn)
  • Cần thời gian tối thiểu 3-6 tháng mới thấy kết quả (đầu tư thời điểm Covid-19 này rất hợp)
  • Cần lựa chọn Agency chất lượng để đảm bảo họ là dân white hat (trường phái SEO tử tế, thuận theo Google), chứ không phải black hat (trường phái SEO dùng thủ thuật, dễ lên, dễ bị Google phạt)

Nói tóm lại, SEO rất quan trọng, cần kết hợp với các chiến dịch Digital Marketing khác như Google Adswords, Google Shopping Ads, Google Display, Facebook Ads, Zalo Ads…vv để tạo ra hiệu quả tối đa.

Nếu không đủ kinh phí, bạn bắt buộc phải tự học để làm và xin lưu ý mấy điều nhỏ này: hãy chọn những từ khóa dài, những ngách ít người làm để làm trước, mình yếu (định vị ở bước 1) không thể đi ra khu biển động, dù biết là rất nhiều cá được.

6. Có kênh Youtube, sẽ giúp thành công!

Youtube không chỉ là kênh phát video, mà còn là kênh tìm kiếm lớn thứ 2, chỉ sau Google. Và cũng thuộc sở hữu của Google.

Bạn xem ví dụ minh họa này để dễ hình dung nhé:

Thanh tìm kiếm trên youtube

Nếu chưa có kênh youtube, hãy làm ngay, làm luôn đi!

Xu hướng người dùng giờ thích xem video hơn là đọc chữ!

Video truyền tải được nhiều cảm xúc hơn đọc chữ: ảnh, nhạc, lời nói, chữ, đồ họa…vv

Video quan trọng lắm! Phải làm luôn thôi!

Video đăng trên Youtube và đăng trên cả Facebook.

Nếu chưa biết cách làm, hãy học. Ở đây có một khóa Video Marketing online, sẽ giúp bạn biết cách quay, dựng, chạy quảng cáo: Business Video

Covid-19 cho ta thời gian để học, nhưng học cũng phải học cái gì hữu ích, hiệu quả nhé bạn thân mến!

Bạn có thể tham khảo kênh Youtube của Việt Anh ở đây nhé: Trần Việt Anh

Bạn có thể ngó qua một video blog mình làm nhé! Mình lười làm video, nhưng những video mình làm đều rất phù hợp với các doanh nghiệp đang muốn giới thiệu dịch vụ của mình hay các tỉnh thành đang muốn quảng bá điểm đến!

7. Chăm sóc khách hàng như chăm sóc người thương

Trong các doanh nghiệp mình tư vấn, hầu hết chưa có quy trình chăm sóc khách hàng. Quy trình này bao gồm các bước: trước – trong – sau khi sử dụng dịch vụ.

Chăm sóc khách hàng như chăm sóc người thương.

Ví dụ:

  • Trước khi sử dụng dịch vụ tour: cung cấp cho họ thông tin về chuyến đi, dặn dò đủ thứ, đừng quên cái này, cái kia anh chị nhá!
  • Trong khi sử dụng dịch vụ: chất lượng dịch vụ, hỏi han câu gì, quan tâm xem người ta có gặp vấn đề gì không
  • Sau khi sử dụng dịch vụ: hỏi xem chất lượng dịch vụ có ổn không, có điều gì chưa hài long không…vv Anh chị rất hép-pi rồi thì nhớ giới thiệu dịch vụ giúp chúng em nhé! (tất nhiên là không ai nói thế, mà sẽ hành văn theo lối chăm sóc dịch vụ: “Em chào anh chị! Em là Mơ, gọi điện từ công ty Mộng, em xin phép được hỏi anh chị một vài câu hỏi để cải thiện chất lượng dịch vụ của bên em được không ạ? Chị đi xe lái xe có thân thiện không? Hướng dẫn viên thuyết minh có dễ nghe, dễ hiểu, đầy đủ thông tin không? Đồ ăn có hợp với chị không? Vâng! Vâng! Nếu chị Hép-pi rồi, công ty em xin phép được tặng anh chị mã giảm giá (voucher) từ 10-15%, anh chị có thể sử dụng được tối đa cho 3 lần, và hoàn toàn có thể tặng cho bạn bè, hay người thân khi sử dụng dịch vụ của bên em”. 10-15% tặng khách hàng cũ trừ vào chi phí quảng cáo.

Các dịch vụ khác cũng tương tự thế.

Mục đích của quy trình chăm sóc khách hàng này là:

  • Hoàn thiện dịch vụ
  • Gia tăng trải nghiệm khách hàng
  • Khiến khách hàng lưu nhớ về thương hiệu
  • Kích thích khách hàng quay lại và giới thiệu bạn bè sử dụng dịch vụ

8. Tiktok là một kênh dễ xây

Tiktok với những đoạn nội dung ngắn 30 – 60s đang là một vùng đất màu mỡ để phát triển traffic, và chưa có nhiều người trong ngành du lịch tham gia.

Nội dung Tiktok hiện tại chưa cần nhiều yếu tố sáng tạo cũng vẫn thắng. Chỉ cần sử dụng tư liệu cũ có sẵn bạn hoàn toàn có thể dựng được những nội dung thu hút hàng nghìn, chục nghìn người xem, từ đó dẫn họ về website của mình.

9. Nghĩ về phát triển du lịch bền vững

Có một thực trạng chung ở du lịch Việt Nam là: tâm lý ăn sổi, đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Thậm chí đánh đổi cả tài nguyên thiên nhiên, hạ thấp nhiều giá trị xuống để chiều lòng khách hàng, làm hư khách hàng và đánh mất giá trị văn hóa phong tục địa phương.

Phát triển du lịch bền vững là tương lai.

Mình lấy một ví dụ về nơi bảo tồn rất tốt các giá trị sẵn có là Bali – hòn đảo thiên đường ở Đông Nam Á, nổi tiếng khắp Thế Giới.

Ở Bali có khu Ubud, con người ta sống dựa vào thiên nhiên. Những khu resort nằm trong rừng cây. Những khu resort nhỏ xây theo kiến trúc địa phương. Những nhà hàng xây theo kiến trúc cổ, nhưng phục vụ lại rất Tây. Con người cũng giữ gìn phong tục tập quán, nét đặc trưng văn hóa của người theo đạo Hindu. Họ làm giàu từ những giá trị tự nhiên ấy. Họ yêu và giữ gìn thiên nhiên chứ không đánh đổi và tàn phá.

Mình tin rằng những nơi làm du lịch như ở Bali sẽ còn phát triển. Vì xã hội ngày càng phát triển, con người càng văn minh, giá trị truyền thống ngày càng mất đi và không gian tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, thay thế bởi các tòa cao ốc bê tông cốt thép… thì con người ta càng mong muốn được tìm đến những nơi như thế.

Ở Việt Nam vẫn còn nhiều nơi đẹp và có nhiều tiềm năng phát triển. Mình biết có nhiều bạn trẻ bắt đầu trở về quê hương làm du lịch, và họ cũng đi theo hướng phát triển bền vững, tuy nhiên con số này rất ít. Tâm lý làm du lịch kiểu con buôn vẫn là số đông. Thế nhưng mình vẫn mong rằng có thể quy tụ được những con người ấy lại với nhau, xây dựng một cộng đồng và cùng nhau lan tỏa về việc phát triển du lịch bền vững: gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội, như trọng định nghĩa:

Theo luật du lịch 2017, du lịch phát triển bền vững được định nghĩa là: sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

– Về môi trường: Sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường đóng vai trò chủ yếu trong phát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, và giúp duy trì di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên.

– Về xã hội và văn hóa: Tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng và đang sống động, và đóng góp vào sự hiểu biết và chia sẻ liên văn hóa.

– Về kinh tế: Bảo đảm sự hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế xã hội tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ một cách công bằng, bao gồm cả những nghề nghiệp và cơ hội thu lợi nhuận ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng địa phương, và đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo.”

Cảm ơn bạn!

Bạn thân mến, cảm ơn bạn vì đã dành thời gian đọc một bài viết gần 5000 từ. Giai đoạn này chắc hẳn rất khó khăn với bạn và mọi người. Nhưng hãy nhìn sự việc với góc nhìn lạc quan, tích cực xem, bạn sẽ thấy mình tràn đầy năng lượng và những ý tưởng đấy nhé.

Anh Phạm Hà, CEO của Luxury Travel có chia sẻ một câu hơi buồn, nhưng cũng tâm đắc :”Ngành du lịch bây giờ như xóa bỏ đi làm lại”. Đây là cơ hội dành cho những doanh nghiệp mới xuất hiện, một cơ hội không thể tốt hơn để làm lại. Mình với kinh nghiệm, hiểu biết hạn hẹp, nhưng cũng rất mong có thể lan tỏa, chia sẻ điều gì đó tịch cực tới mọi người. Hy vọng những điều mình chia sẻ hữu ích với bạn, nếu có điều gì chưa đúng, mong bạn và các anh chị đi trước bỏ qua.

Bên cạnh công việc, chúng ta còn nhiều mối quan tâm khác như gia đình, con cái, sức khỏe, họ hàng, bạn bè…vv Và chúng ta làm việc để sống, hay sống để làm việc? Đây cũng là một dịp thú vị để ta có thể tự mình khám phá những câu hỏi ấy, suy ngẫm về mục đích của cuộc sống này.

Sau đợt dịch này, du lịch sẽ lại phát triển, nhiều người sẽ muốn đi du lịch hơn vì quãng thời gian cách ly làm cho con người bị cuồng chân do đã quen với vòng quay hối hả của cuộc sống. Khi ấy, bạn sẽ lại bận bịu tối ngày. Lúc ấy có khi chúng ta lại thèm cái cảm giác của mùa dịch Covid-2019-2020-2021 năm ấy.

Nếu có thời gian, bạn có thể nghiên cứu và lên kế hoạch để làm một số công việc này nữa:

– Xây dựng quy trình cho doanh nghiệp.

Mục đích: giúp chuyên nghiệp hóa và giảm độ phụ thuộc vào nhân sự, cũng như tiết kiệm thời gian đào tạo nhân viên mới. Quy trình chăm sóc khách hàng, sale, tuyển dụng, đào tạo nhân sự, viết một bài thông báo, quy trình vệ sinh văn phòng… cái gì nếu có quy trình hiệu quả cũng cao hơn hết á!

Ngoài ra còn nhiều thứ khác để học như: chuyên môn nghiệp vụ, về Marketing, về xây dựng thương hiệu, về kêu gọi vốn, quản trị…vv các bạn có thể mua những khóa học online để bù đắp kiến thức cho mình.

Chúng bạn và doanh nghiệp của mình vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn này. Và sau mùa dịch, sản phẩm, dịch vụ được cải thiện hơn. Cùng nhau chung tay phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.

Đừng quên để lại comment ngay trong bài viết này nếu bạn có thắc mắc, hoặc mong muốn được chia sẻ, bổ sung thêm ý tưởng, Việt Anh sẽ giải đáp từng trường hợp. Hoặc bạn là người có nhiều ý tưởng, muốn chia sẻ nó với cộng đồng, đừng ngần ngại nhé!

Xin chào và hẹn gặp lại ở các bài viết chia sẻ về việc phát triển du lịch (hướng bền vững) tiếp theo!

Mình là Việt Anh – Founder công ty tư vấn dịch vụ du lịch Việt Nam Diệu Kỳ (tư vấn và cung cấp giải pháp tiếp thị nội dung chuyên sâu ngành du lịch)

Chương trình Coaching chuyên sâu phát triển công việc kinh doanh du lịch

Thông tin chương trình Coaching chuyên sâu: Trở Thành Influencer và Phát Triển Công Việc Kinh Doanh Du Lịch, anh chị có thể tìm hiểu tại đây

4 thoughts on “9 ý tưởng giúp công ty du lịch “bứt phá” (ko riêng mùa dịch Covid19)

  1. Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết. Mình tên thực ở lào cai cũng đang ấp ủ ý tưởng thành lập một doanh nghiệp nhỏ chuyên về dịch vụ du lịch ( tiếp đón khách, giới thiệu khách cho các khách sạn, nhà nghỉ, homestay…) rất cần được bạn tư vấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

Tổng kết workshop Content Marketing du lịch tháng 6/2021

Làm Content Marketing du lịch có khó không??? Nội dung workshop content marketing du lịch số 2, có thể tóm tắt trong đoạn sau: làm content marketing du lịch không khó, có thể bắt đầu bằng nguồn lực giới hạn và các thiết bị đơn giản! Tổng hợp nội dung các vị khách mời chia […]

Tháng Sáu 16, 2021

Nếu bây giờ xây dựng lại một website như Dulichbui24, Việt Anh sẽ làm gì?

Hôm rồi Việt Anh chợt tự hỏi: nếu bây giờ bắt đầu xây dựng lại một website mới như Dulichbui24, mình sẽ làm gì? Trong một bài viết chia sẻ khác ở chuyên mục Phát triển du lịch bền vững, mình đã chia sẻ 9 ý tưởng giúp doanh nghiệp du lịch bứt phá không […]

Tháng Sáu 11, 2021