
Review lịch trình du lịch Bangkok 4 ngày 3 đêm – dịp tết té nước Songkran
Việt Anh vừa trở về sau chuyến du lịch Bangkok 4 ngày 3 đêm, chuyến này mình đi đúng dịp tết té nước Songkran – đây là lễ hội vui nhất của người Thái. Lễ hội Songkran, lễ hội té nước là gì? Songkran là tên gọi của lễ hội đón chào năm mới, hay […]
Việt Anh vừa trở về sau chuyến du lịch Bangkok 4 ngày 3 đêm, chuyến này mình đi đúng dịp tết té nước Songkran – đây là lễ hội vui nhất của người Thái.
Lễ hội Songkran, lễ hội té nước là gì?
Songkran là tên gọi của lễ hội đón chào năm mới, hay còn được biết đến với cái tên khác là lễ hội té nước. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 13 đến 15 tháng 4 hàng năm, vào dịp Phật Đản (ngày sinh của Phật Thích Ca).
Tết Songkran ở Thái Lan giống như Tết cổ truyền ở Việt Nam, nhưng chia ra: ngày cộng đồng (chơi té nước) và ngày gia đình mọi người trở về quê đoàn tụ cùng gia đình mình.

Lễ hội này không chỉ có ở Bangkok, hay Thái Lan mà nó có ở cả những nước theo Phật Giáo nguyên thủy khác như Campuchia, Lào, Myanmar, Srilanka. Nếu mọi người để ý ngay cả nước theo Phật Giáo nhánh Bắc Tông như ở Việt Nam cũng sẽ thấy ngày Phật Đản các chùa thường hay tổ chức lễ tắm tượng Phật – lễ hội Songkran bắt nguồn từ đấy.

Ở Thái Lan cũng vậy, người ta tắm cho tượng Phật Thích Ca rồi tắm luôn cho những người xung quanh mình. Người Thái quan niệm rằng vào dịp Songkran ai được té càng nhiều nước người đấy sẽ có một năm mới gặp nhiều may mắn, nên bạn sẽ thấy dù bị tạt nước lạnh nhưng ai cũng đều cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
- Bài viết có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc
Không khí lễ hội ở Bangkok – thực sự là lễ hội
Hôm vừa xuống máy bay thấy từ nhân viên an ninh sân bay, cảnh sát hải quan, người dọn vệ sinh…vv ai ai cũng mặc áo hoa lá cành là đã thấy không khí lễ hội đang rất náo nhiệt rồi.

Cho tới khi về khách sạn, khắp các ga tàu điện ngầm, xe bus đâu đâu cũng thấy quầy bán súng nước, túi chống nước, quần áo hoa-lá-cành sặc sỡ. Rồi lúc mình về tới khách sạn, đi bộ vào trong con hẻm nhỏ đang đi gặp một gia đình khoảng 5 người ngồi ăn, nhạc phát ra từ cái loa to, một thằng bé đứng bên chậu nước, nó hỏi mình :”Water?”, mình gật là ngay lập tức nước bắn đầy người, ướt nhưng vui. Cả ở con phố trước cửa khách sạn mình ở cũng thế, ầm ĩ, bắn nhau chí chóe.

Tới lúc đi phố Silom tham gia lễ hội do nhà nước tổ chức mới thấy đông khủng khiếp, chưa từng thấy lễ hội nào đông như thế, hai bên đường đông kín người, ai cũng mặc áo quần sặc sỡ, tay cầm khẩu súng nước.

Năm 2015 mình từng đi Chiang Mai vào dịp lễ hội Loy Kathong, năm 2017 mình cũng đã ở Bangkok dịp Loykathong, nhưng không vui bằng lễ té nước. Mình thích lễ hội ở Thái Lan, nó mang đúng ý nghĩa là khiến mọi người vui vẻ và gần lại nhau hơn.
Lịch trình du lịch Bangkok 4 ngày 3 đêm
Chuyến đi này đi chủ yếu để tham gia lễ hội, và mình cũng là đứa thích trải nghiệm nên chủ yếu là đi chơi tham quan, chỉ dành sáng ngày cuối cùng lang thang mua sắm ở chợ Chatuchak.
Ngày 1: Đi tàu điện về thành phố – tham gia lễ hội té nước và xem show Siam Naramit
Về thành phố bằng tàu điện Airport Rail Link
Mình bay Hà Nội – Suvarnabhumi (sân bay quốc tế ở Bangkok). Di chuyển từ đây về thành phố rất đơn giản, chỉ cần đi xuống tầng B ở sân bay và mua vé về trung tâm, giá siêu rẻ (~45bath).
Với các bạn chưa biết cách di chuyển về trung tâm thành phố mình sẽ viết một bài hướng dẫn cách di chuyển vào thành phố (cả sân bay Don Muang và sân bay Suvarnabhumi).
Đặt phòng dorm 13$ như khách sạn 3 sao
Mình ở khu Pratunam, book phòng tại Bubble Space – phòng dorm thích hợp cả cho đi một mình lẫn đi gia đình, nhóm bạn muốn tiết kiệm chi phí. Phòng ở đây chất lượng như khách sạn 3 sao, giữa trung tâm Pratunam, đi bộ tới bến tàu điện, chợ Pratunam, tòa nhà Baiyoke cao nhất Thái Lan rất gần. Nói chung là chỗ này ưng ý!

Mình đặt phòng qua Booking.com, giá 13$/đêm, mọi người có thể xem và đặt phòng tại đây: Bubble Space Bangkok. (Dành cho bạn nào chưa từng đi nước ngoài mình sẽ viết bài: 7 điều cần biết cho người lần đầu tiên đặt khách sạn ở nước ngoài)
Đi phố Silom chơi té nước
Về hostel cất đồ xong mình nằm nghỉ một lúc rồi bắt tàu điện đi Silom chơi lễ té nước. Về lễ hội té nước mình đã làm một video review chi tiết, bạn có thể xem tại đây nhé:
Video review du lịch: tết té nước Songkran ở Bangkok (Thái Lan) có gì vui.
Xem show Siam Naramit – show diễn lịch sử Thái Lan hay nhất
Sau khi tham gia lễ hội té nước ở Silom, mình tìm đường đi xem show Siam Naramit – đây là show diễn không thể bỏ qua khi đi du lịch Thái Lan.
Tour này mình mua ở Divui.com, combo bao gồm cả buffet là 1,280,000VND. Siam Naramit là show diễn tái hiện một phần lịch sử hình thành vương quốc Siam cách đây hơn 700, đây là show diễn hay nhất dành cho những ai muốn tìm hiểu một phần văn hóa, nghệ thuật, lịch sử Thái Lan.
Nếu chỉ mua vé xem ghế thường giá 713,000VND/người và combo ghế thường + buffet 892,000VNĐ/người. Bạn có thể xem chi tiết hoặc mua tour tại đây nhé: Show Siam Naramit (không có xe đưa đón) và Show Siam Naramit có xe đưa đón (+280k)
Hướng dẫn tìm đường đi xem Siam Naramit và các địa điểm khác
Về vụ tìm đường phải nói chi tiết hơn, vì tìm đường ở Thái Lan vừa dễ lại vừa khó. Dễ với người đã đi quen tàu điện ngầm và tàu cao tốc, nhưng khó với những người mới.
Từ từ rồi mình viết bài: Hướng dẫn sử dụng phương tiện công cộng khi đi du lịch Bangkok chia sẻ với mọi người nha!

Hướng dẫn sơ qua:
B1: Bạn chỉ cần mở wifi bật Google Maps lên (wifi mọi người có thể dùng sim du lịch hoặc thuê thiết bị wifi của Weefeego.com với giá 110,000VNĐ/ngày dùng chạy phà phà mà pin trâu khỏi phải bật 4G tốn pin)
B2: Sau đấy nhập điểm đến và điểm đi, chọn hình tàu xe bus và google map sẽ cho bạn biết nên đi tàu điện ngầm hoặc skytrain (tàu điện trên cao) như thế nào.

Bạn chỉ cần lưu ý xem bản đồ xem ga mình cần đến là ga nào, tránh nhầm ga là được. Hoặc nữa là đi taxi!
Lưu ý đi taxi ở Bangkok bạn cần hỏi trước xem có phải xe meter không nhé, vì ở Thái Lan đi taxi không hỏi dễ bị chặt chém cho mất xác lắm, mình đã từng bị một lần rồi!


Đây là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi Bangkok 2018 của mình.
Ngày 2: Tham quan 4 ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Bangkok và dạo chơi ở China Town
Ngày tiếp theo mình dành thời gian để tham quan hết bốn ngôi chùa nổi tiếng nhất Bangkok là: Wat Trai Mit – Wat Pho – Wat Phrakeo – Wat Arun, buổi tối lang thang ở China Town ăn đồ ăn người Hoa và bắt taxi về khu Pratunam nhậu lẩu Thái cùng anh bạn.
Chùa Wat Traimit – ngôi chùa có bức tượng Phật bằng vàng lớn nhất thế giới?

Ngôi chùa đầu tiên là Wat Trai Mit – nơi có bức tượng Phật đúc bằng vàng lớn nhất trên thế giới (mình đọc trong phần giới thiệu chứ không chắc chắn vụ này nhé!). Bức tượng này cao 3 mét, nặng 5,5 tấn, được xác định có từ thời Sukhothai (thế kỷ 13-15) – một trong ba bức tượng Phật quý giá nhất ở Bangkok.
Bức tượng này đã phải trải qua rất nhiều biến cố để đến được Bangkok. Người ta nói ngày xưa tượng được đặt ở Ayutthaya, nhưng khi quân Miến Điện (Myanmar) sang phá tan Ayutthaya (cố đô của người Siam – tức Thái Lan) và cướp hết vàng bạc châu báu. Để tránh bị cướp người ta cho đắp lên tượng một lớp bê tông (ngày đấy đã có bê tông chưa ta?) và giữ bí mật tuyệt đối, những người chịu trách nhiệm ngụy trang đều bị giết hết.
Bài viết có thể bạn quan tâm: review chuyến khám phá Ayutthaya tự túc (từ Bangkok) chỉ với 320,000VNĐ
“Sau đó, tượng được đóng thùng chuyển đến Bangkok và đặt tại chính điện của chùa Choti-Naram (là Wat Phrayakrai hiện nay) dưới thời vua Rama III (1824 – 1851). Năm 1931, ngôi chùa này bị bỏ hoang và bức tượng phủ bê tông này được chuyển đến một nơi tạm thời và chẳng mấy ai quan tâm trong suốt hai thế kỷ. Thập niên 1950, khi di chuyển đến một ngôi chùa mới ở Bangkok, tượng bị tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống hố bùn. Cũng chẳng ai buồn trục tượng lên. Người dân địa phương kể rằng có một nhà sư được đức Phật báo mộng nên đi tìm và kéo được tượng lên. Qua một vết nứt, nhà sư thấy một tia sáng màu vàng lóe lên và Phật Vàng được “tái sinh” – Trích Wikipedia.
Chùa Wat Pho – ngôi chùa với bức tượng Phật nằm mạ vàng lớn nhất Thái Lan & là nơi khai sinh massage Thái.

Wat Pho là ngôi chùa nổi tiếng với nhiều cái nhất như:
- Ngôi chùa lớn nhất (80,000m2 bao gồm cả khu chùa và khu sinh sống của tăng đoàn) và cổ nhất Bangkok (xây dựng từ thế kỷ 16)
- Ngôi chùa có tượng Phật nằm mạ vàng lớn nhất Thái Lan (chiều dài 46m, chiều cao 15m)
- Được coi là trường đại học đầu tiên của Thái Lan
- Ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất Thái Lan với hơn 1000 bức tượng Phật
- Đây cũng là nơi khai sinh ra môn massage Thái (tham quan ở đây mọi người sẽ thấy những hình vẽ bấm huyệt massage cổ vẫn còn được lưu giữ trên tường)
Đây là địa điểm không thể bỏ qua khi đi du lịch Bangkok. Giá vé: 100bath/người, bạn được tặng một chai nước miễn phí khi tham quan.


Chùa Phật Ngọc – ngôi chùa linh thiêng nhất Bangkok & cung điện Hoàng gia.
Ngôi chùa thu hút nhiều khách tham quan nhất là chùa Phật Ngọc nằm trong khuôn viên cung điện Hoàng gia.
Ngôi chùa này nổi tiếng với bức tượng Phật bằng ngọc bích linh thiêng nhất Thái Lan. Bức tượng này có từ thế kỷ 14, sau rất nhiều biến cố, từng lưu lạc sang Vientiane (Lào), năm 1778 một vị tướng của vương triều Chakri (người sau đấy trở thành vua Rama I) đã tấn công Vientiane và giành chiến thắng, ông đem bức tượng về Thái Lan và bức tượng được đặt tại Bangkok cho tới ngày nay.
Mỗi năm 3 lần đích thân nhà vua Thái làm lễ thay áo cho tượng Phật, cầu cho đất nước thái bình. Đây cũng là ngôi chùa duy nhất không có sư sống bên trong, ngôi chùa này chỉ dành riêng cho người trong Hoàng tộc tu.

Đang update video review về Grand Palace…
Sau khi tham quan mấy ngôi chùa, mình rẽ sang khu cung điện hoàng gia. Trong khu này không có gì ấn tượng mình ngoài mấy ngôi nhà có kiến trúc kiểu “royal” nhưng cửa đóng then cài hết cả.
À có mấy chú lính ăn mặc kiểu “chú lính chì” đi diễu hành cũng thú vị, cái hay ở hết bên ngôi chùa Phật Ngọc rồi.
Giá vé vào Grand Palace: 500bath.

Chùa Wat Arun – ngôi đền thiên nga nằm bên sông
Sau khi tham quan 3 ngôi chùa này, mình đi phà qua bên kia sông tham quan chùa cổ Wat Arun. Đây là nơi chôn tro cốt của vua Rama II, là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bangkok.
Wat Arun nằm ngay sát bờ sông Chao Phaya, nó làm mình nhớ đến ngôi đền cổ Wat Chaiwatthanaram ở cố đô Ayutthaya. Hai ngôi đền này có chung kiểu xây tháp, cũng nằm cùng một hướng sát bên bờ sông.

Ăn món Pad Thai nổi tiếng nhất Bangkok
Chiều tối mình tìm đến quán Thipsamai ăn món “pad thai” nổi tiếng nhất Thái Lan. Để mua được một đĩa pad Thai mình phải xếp hàng dài chờ đợi, nhưng lúc chờ xem người ta chế biến món ăn thấy rất thú vị.


Lang thang China Town và về nhậu ở nhà anh bạn
Sau đấy mình bắt tuk tuk lang thang ở China Town dạo chơi, ăn các món ăn vỉa hè của người Hoa. China Town được coi là mảnh đất vàng ở Bangkok bởi sự tấp nập của nó. Buổi sáng các cửa hàng mở cửa để bán đủ thứ trên đời (giống như chợ trời ở Việt Nam), rồi tối đến, khi phố lên đèn là lúc các quầy đồ ăn, đồ lưu niệm được bày bán trên phố. Mình thích không khí nhộn nhịp ở đây hơn cả!
https://www.facebook.com/bloggertranvietanh/videos/882569351928721/
Sau khi lang thang ở China Town mình về lại nhà anh Bằng bạn mình ở gần khu Pratunam, hai anh em ra nhậu lẩu thái ở quán dành cho người bản địa tới khuya.
https://www.youtube.com/watch?v=xo-FGjFUM2Y
Video review quán nhậu lẩu Thái chỉ người bản địa mới biết tại Bangkok.
Ngày 3: Đạp xe khám phá vùng ngoại ô Bangkok & lang thang phố Tây Khao San
Đạp xe khám phá những con hẻm nhỏ ở Bangkok và vùng ngoại ô
Buổi sáng ngày thứ ba mình mua tour đạp xe để khám phá một góc khác của Bangkok.
Buổi sáng 9h mọi người tập chung tại văn phòng, mình chọn một em xe đạp leo núi rồi cùng cả nhóm đạp qua những con hẻm nhỏ ở khu China Town. Những vòng bánh xe lăn qua những xóm nhỏ, khu chợ, gặp gỡ, chào hỏi người dân ven đường. Một Bangkok mình chưa từng thấy, một Bangkok rất đời ở khu China Town.

Sau đấy cả nhóm đạp ra ga tàu Hua Lam Phong mua vé đi tới vùng ngoại ô tìm hiểu cuộc sống người dân vùng ven thành phố. Những chuyến tàu cổ ở Bangkok giờ không còn cửa kính, mình thò đầu ra ô cửa sổ ngắm nhìn mọi thứ lướt qua, lại một góc nhìn mới nữa về Bangkok. Qua khu trung tâm là những ngôi nhà liêu xiêu bên đường ray, những gương mặt thân thiện, những ga tàu nhỏ xíu chỉ có vài người lên…vv

Rồi bọn mình xuống tàu ở cách Bangkok khoảng 30kms, đạp xe qua những con đường nhỏ, vào nhà người dân vùng thôn quê chơi, có ngôi nhà gỗ vừa nhỏ vừa lụp xụp bên bờ sông mà tới tận 10 người ở. Đến đây thấy một Bangkok khác yên bình hơn, tuy nhiên đạp xe đạp vào giữa tháng 4 – tháng nắng nóng nhất quả là một thử thách rất khoai.

Bọn mình dừng nghỉ ăn trưa ở một nhà hàng vùng quê, trước mặt là ao cá, cánh đồng lúa, sau đấy đạp đến một ngôi chùa cổ tham quan rồi lên thuyền ngược về Bangkok, kết thúc tour, chia tay cả nhóm trên tàu điện ngầm lúc chiều.

Bạn có thể đặt tour đạp xe khám phá Bangkok tại đây: Tour đạp xe vòng quanh Bangkok 1 ngày
Lang thang Khao San
Sau đấy mình bắt tuk tuk tới Khao San, mình lang thang ăn đồ nướng, ngồi uống bia nghe nhạc sống, mua quà cho mọi người ở nhà hết buổi tối. Ở đây bán áo phông rẻ lắm ~70bath, áo 100% cotton giá 200bath (150k) nhưng hình in đẹp, vải dày (mình làm áo nên biết).


Ngày 4: chợ cuối tuần Chatuchak – lên máy bay về Việt Nam
Sáng ngày thứ 4 mình đi chợ cuối tuần Chatuchak – chợ lớn nhất Đông Nam Á để mua quà cho bạn bè và người thân.
Ở đây mình thử món trà sữa, ăn kem dừa nổi tiếng của Thái Lan và mua cho mình mấy món đồ lưu niệm tặng bạn bè làm kỷ niệm.
Buổi chiều lên máy bay về lại Việt Nam, tạm biệt Bangkok.
Kinh nghiệm xương máu khi đi du lịch Thái Lan dịp tết Songkran
1/ Đừng quên mang theo túi chống nước: để đựng điện thoại, ví tiền khi đi ra đường vì chắc chắn bạn sẽ bị ướt.
2/ Đừng quên trang bị cho mình một khẩu súng với giá từ 100 – 300bath và hòa mình vào không khí vô cùng náo nhiệt – tràn ngập niềm vui ở Bangkok.
Video blog ghi lại hành trình 4 ngày 3 đêm du lịch Bangkok.
Bài viết đang cập nhật…
Chưa có cơ hội đi Thái, mà có đi chắc phải lựa dịp tết đi để tham gia lễ hội Songkran thử xem sao, nhìn vui ghê
thích ghê