Du lịch bụi Campuchia (4): Killing Fields, nơi tưởng nhớ nạn nhân diệt chủng Khmer Đỏ

Phần cuối cùng của những ngày du lịch bụi Phnom Penh, điểm đến để lại trong mình nhiều cảm xúc nhất là Killing Fields. Không phải mô tả nhiều nữa, nếu bạn đến Phnom Penh nhất định đừng bỏ qua địa điểm này. Nó cách thành phố Phnom Penh 15km, bạn có thể đi xe tuk tuk […]

Trần Việt Anh Tháng Chín 22, 2015

  • Chia sẽ:

Phần cuối cùng của những ngày du lịch bụi Phnom Penh, điểm đến để lại trong mình nhiều cảm xúc nhất là Killing Fields. Không phải mô tả nhiều nữa, nếu bạn đến Phnom Penh nhất định đừng bỏ qua địa điểm này. Nó cách thành phố Phnom Penh 15km, bạn có thể đi xe tuk tuk (hơi đắt), thuê xe ôm (cũng đắt) và cách rẻ nhất là tự thuê xe máy (giá xe số 7$ – xe ga 8-10$) để đi quanh một vòng thành phố trong ngày luôn. Kết hợp cả các địa điểm như: bảo tàng quốc gia, nhà tù Tuol Sleng và cuối cùng là Chuong Ak. Buổi chiều về bạn có thể lang thang ở trong thành phố, đi ra khu nhà thờ hồi giáo ngắm hoàng hôn. Buổi tối lấy xe máy lòng vòng một vòng quanh thành phố Phnom Penh để biết vào ban đêm thành phố này thế nào. Kết thúc là ra Sisowath Quay (phố Tây mới) ăn hóng mát bên bờ sông, đi chợ đêm ăn quà vặt trong chợ, ăn món côn trùng nổi tiếng của người Campuchia và cuối cùng là về đánh một giấc ngon lành. Kết thúc hành trình ở Phnom Penh ở đây được rồi. Đấy là lịch trình mình vạch ra giúp bạn, giờ mời quay lại chủ đề chính nhé: Killing Fields – cánh đồng chết.

Nhà tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Khmer Đỏ.

Killing Fields, nơi tưởng nhớ về nạn diệt chủng Khmer Đỏ

Choeung Ek không phải là một địa điểm tham quan thông thường. Không lung linh như cung điện Hoàng gia, không xa hoa như chùa Bạc, nhưng lại là nơi mà bất cứ du khách nào khi đến thủ đô Phnom Penh cũng nên một lần ghé thăm.

Đó là một trong những cánh đồng chết, nơi 20,000 người Campuchia đã bị hành quyết, họ là nạn nhân của nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Chiến tranh qua đi, những gì còn lại là ký ức mỗi người dân Campuchia là một thời kỳ đen tối, đau thương và mất mát. Không ai có thể hiểu nổi những nỗi đau mà họ phải chịu đựng, không ai có thể soi thấu vết thương mà họ mang trong tim lớn đến chừng nào. Tôi ta đã từng nghe, học, đọc về nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Nhưng khi tận mắt chứng kiến, một trong những điểm hành quyết, một trong nhiều “cánh đồng chết” ở Campuchia khi ấy tôi mới cảm nhận rõ ràng nạn diệt chủng thật sự khủng khiếp ra sao. Thực sự ngoài sức tưởng tượng…

Quay ngược lại vòng quay lịch sử để trở về ngày 17/4/1975, cột mốc định mệnh đánh dấu ngày mở ra một thời kỳ tăm tối cho cả dân tộc Campuchia. Ngày quân Khmer Đỏ của Pol Pot tiến vào Phnom Penh. Chỉ trong 3 ngày bệnh viện, trường học, công sở, ngân hàng… bị dừng hoạt động. Chung đốt sách vở vàvở, hủy mọi tài liệu, tiền bị cấm. Người dân thành phố bị đuổi khỏi nhà, chia cách với đình họ. Đàn sông đi với đàn ông, phụ nữ đi với phụ nữ, chỉ có những đứa trẻ dưới ba tuổi được đi cùng mẹ. Họ được đưa về các trại tập trung ở vùng nông thôn, bị cưỡng ép lao động, bị tước tài sản, bị tước nhân quyền và bị trở thành nô nệ cho một chế độ mới, một tương lai mới mà Pol Pot vẽ ra. Chế độ cộng sản thuần túy. Những người dân thành phố không quen công việc đồng áng bị đày ra ruộng làm việc 12h một ngày, và chỉ được ăn vài bát cháo, họ bị đói, lao động đết kiệt sức, rất nhiều trong số họ chết vì không chịu đựng được. Mọi sợi dây liên kết giữa người với người ở Campuchia bị cắt đứt. Họ cưỡng ép, tra tấn đồng bào mình một cách tàn bạo, vô nhân tính. Có rất nhiều người đã chết vì mệt, đói, bị hành hạ, tra tấn, một số khác chết vì quẫn ức, cùng tận… và số còn lại chết vì bị hành quyết. Chỉ sau 3 năm, 8 tháng, 20 ngày quân đội Khmer Đỏ của Pol Pot phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 3 triệu người (hơn 1,2tr chết vì hành quyết, số còn lại chết vì bệnh tật, đói khát), trên tổng dân số khoảng 8 triệu người. Mộng tưởng về một chế độ cộng sản thuần túy đã tàn phá, hủy hoại đất nước này. Người Campuchia giết người Campuchia, cứ 4 người Campuchia thì 3 người bị giết bởi 1 người đồng bào của họ. Để hiểu rõ hơn về sự kiện nạn diệt chủng Khmer Đỏ, về những cánh đồng chết, mời các bạn tìm hiểu về Filling Fields, hay còn gọi là bảo tàng Choeung Ek.

Nơi xe tải dừng và lính canh đưa tù nhân xuống xe.

Nơi này là Choung Ak, trung tâm hành quyết của quân Khmer Đỏ. Hầu hết những người được đưa đến đây đều tới từ nhà tù Tuol Sleng. Họ đến trong xe tải vào buổi đêm, họ bị lừa dối là được đưa đến ngôi nhà mới, nơi có thức ăn và được gặp lại người thân trong gia đình. Không ai biết rằng chuyến đi này sẽ là chuyến đi cuối cùng trong đời họ. Tất cả đều được bịt mắt, lính canh trên xe đảm bảo không một ai trốn thoát khỏi xe. Thời gian đầu tiên vài ngày hoặc một tuần xe tải chở người đến một lần, nhưng càng về sau, khi Pol Pot trở nên hoang tưởng hơn, 300 người được trở đến mỗi ngày. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Nhà tù nơi giam giữ tù nhân.

Nơi này trước kia từng có một nhà giam được xây dựng để giam giữ tù nhân trước khi đưa họ đi hành quyết. Tường làm bằng gỗ giày hai lớp, đảm bảo cách âm để không ai có thể nghe tiếng bên ngoài. Những người được đưa từ xe tải vào đây để tạm giam, chờ tới lượt mình. Những người bị giam giữ ở đây hầu hết họ là bác sỹ, giáo viên, những người có học thức, những người biết ngoại ngữ và cả sư sãi… tất cả những người tiềm ẩn nguy cơ phá hủy kế hoạch của Pol Pot, họ đều đã bị kết tối phản quốc. Trong nhà tù Toul Sleng, họ bị tra tấn bắt khai nhận tội mà họ chưa từng làm. Có người từng phải khai và ký nhận ngày bé họ từng làm điệp viên cho CIA của Mỹ, và KBG của Nga. Có người đau khổ ký nhận rằng cả gia đình họ đều là gián điệp. Họ bị tra tấn, ép cung, cưỡng bức phải thú nhận… Quân Khmer Đỏ khuyến khích, cưỡng ép người ta tố giác người thân trong gia mình. Chúng muốn cắt đứt mọi mối liên hệ, với thần linh, với gia đình và chỉ còn một thứ duy nhất là tối cao với họ: nhà nước Khmer Đỏ.

Nơi này trước kia từng có một ngôi nhà dành cho đám lính. Nơi mà chúng sẽ đưa tù nhân đến, ký vào một tờ giấy và chúng đem họ ra những cái hố đã được đào sẵn. Họ không hề biết rằng đang ký vào bản án tử hình của chính mình. Sau đó họ được đưa đi hành quyết. Những cái hố mới lại được đào lên. Lại ký. Lại đưa ra. Lại hành quyết. Công việc cứ thế liên tục diễn ra. Chúng bắt tù nhân ký nhận với một mục đích kiểm soát, đảm bảo không một ai trong số họ trốn thoát. “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” là một trong số những khẩu hiệu nổi tiếng của quân Khmer Đỏ. Hầu hết số lính của quân Khmer Đỏ là thanh thiếu niên, những người nghèo, thiếu học thức ở vùng nông thôn. Họ đã quá nghèo khổ, bom mỹ trong cuộc chiến tranh với Việt Nam đã tàn phá đất nước họ (Mỹ ném bom Campuchia chặn đường viện trợ vũ khí cho quân đội Bắc Việt Nam). Họ bị Pol Pot lừa dối rằng những người ở thành phố là những kẻ xấu xa, những kẻ phải chịu trách nhiệm cho sự khổ cực của họ. Pol Pot hứa hẹn với họ một tương lai tươi sáng, một cuộc sống mới, thức ăn và một công việc ổn định.

Ở ngay cạnh gốc cây này từng có một chiếc máy phát điện chạy suốt ngày đêm. Ban ngày chúng cung cấp điện cho chiếc loa phát thanh thúc dục người dân lao động trên cánh đồng. Ban đêm cung cấp điện chiếu sáng khu hành quyết và bật loa phát nhạc. Đây là cây thốt nốt, bạn có thể bắt gặp nó ở khắp Campuchia, và cả một số tỉnh ở Tây Nam Bộ. Cây thốt nốt có nhiều công dụng: quả để làm đường, lá của nó để lợp mái nhà… Cành cây thốt nốt rất chắc và sắc. Quân Khmer Đỏ từng dùng cành thốt nốt để cắt cổ nạn nhân. Một phần vì đạn rất đắt, phương châm của chúng là sử dụng những dụng cự đơn giản, ít tốn kém nhất. Một phần vì nếu dùng súng đạn thì cái chết diễn ra quá nhanh. Chúng muốn nạn nhân có một ít thời gian để cảm nhận…

Những ngày đầu tiên số lần xe tải chở người đến khá thưa, khoảng một tuần một chuyến, nhưng đến giai đoạn cao điểm, khi cơn hoang tưởng của Pol Pot dâng cao hơn, xe tải tới hàng ngày, mỗi chuyến khoảng 300 người. Ngôi mộ này có 450 thi thể được tìm thấy. Quanh đây là cánh đồng chết, có129 ngôi mộ tập thể dải dác trên 2,4 hecta, những kẻ canh giữ ở đây đã làm việc rất nhanh và hiệu quả. Ít hất 20,000 người đã đến và vĩnh viễn nằm lại tại Choeung Ek.

Khi thấy ngôi mộ này bất cứ ai cũng phải rùng mình. Và khi nhìn thấy số lượng vòng tay của những người tới từ khắp nơi trên thế giới để lại, tôi cảm thấy rất nhiều cái gì đó gai góc đang đâm vào người mình, hẳn đã có những người khóc thành tiếng, một số khác khóc trong lòng. Không thể lý giải nổi tại sao lại có những nơi như thế này.

Những gì bạn đang thấy đây là một vài mảnh xương và quần áo vừa mới lộ ra sau cơn mưa. Nó nằm ngay trên đường đi. Xương và quần áo ở đây nhiều tới mức bạn có thể gặp ở bất cứ đâu. Nhiều tới mức ban quản lý Choeung Ek phải đặt tấm bản “Xin đừng dẵm lên xương” ở hầu hết các góc. “Xin đừng dẵm lên xương, xin đừng nhặt xương, ban quản lý sẽ lo việc đó” – chiếc radio tour cũng sẽ luôn nhắc nhở bạn như thế. Hơn 20,000 bộ xương nằm trên 2 hecta, không thể tưởng tượng nổi khi những người đầu tiên phát hiện ra nơi này họ sẽ cảm thấy thế nào, khi mùi hôi thối từ xác người mục rữa phân hủy, khi xương chất thành núi. Bạn cứ hình dung sân vận động Mỹ Đình chật kín ghế trên tất cả khán đài là 40,000 chỗ, thì một nửa số đó bằng số người bị chôn trên 2,2 hecta này.

Như đã nói ở trên, dụng cụ mà quân Khmer Đỏ sử dụng để tra tấn và hành quyết là những sẵn có, không tốn kém. Đó là nông cụ quen thuộc với người dân như quốc, xẻng, rừu, búa, gậy, trục bánh xe, dao… chúng treo họ bên cạnh những cái hố đã đào sẵn, tra tấn họ đến chết rồi ném xác họ xuống. Sau đó chúng xé quần áo (hoặc đã xé từ trước) rồi rải lên họ một thứ chất hóa học giúp xác nhanh phân hủy. Khmer Đỏ xây dựng một quy trình giết người hoàn chỉnh: từ việc bắt giam, tra tấn, ép cung, bắt nhận tội, chụp ảnh, hoàn thiện hồ sơ, đưa đi hành quyết và cuối cùng là chôn cất. Gần như tất cả những người này đều mắc một tội lỗi gì đó và đã ký vào bản án nhận tội của mình. Một khẩu hiệu được chúng sử dụng như là kim chỉ nam :“Thà giết nhầm kẻ vô tội còn hơn bỏ sót kẻ thù.”

Năm 1980, người ta đã khai quật 86 trong tổng sống 129 ngôi mộ tập thể ở Choeung Ek, phát hiện gần 9000 nạn nhân. Những chiếc hố này trước kia khi vừa khai quật lên từng sâu 5m, nhưng giờ nông chỉ vài chục centimet. Dưới đó còn rất nhiều xương, ban quản lý chỉ lấy đi hộp sọ và những mẩu xương lớn, xương sườn và đoạn xương nhỏ nằm ở lại. Vì có quá nhiều thi thể và nhà tưởng niệm không đủ chỗ để chứa hết nên ban quản lý ở đây quyết định để những người còn lại được an nghỉ vĩnh viễn trong lòng đất.

Ngôi mộ này đặc biệt không kém ngôi mộ trước. Nó chứa 166 thi thể nạn nhân không đầu, trong đấy hầu hết là lính Khmer Đỏ. Đã có thời kì sung đột, bất đồng nội bộ trong quân Khmer Đỏ xảy ra, những viễn tưởng không còn đẹp như ban đầu. Một số lính rời bỏ, trốn chạy khỏi chế độ Khmer Đỏ để tìm đến những đảng cộng sản nước láng giềng. Và kết cục là tất cả số đó bị kết tội phản bội, những kẻ bị bắt được đem đến đây chặt đầu.

Ngôi mộ này là nơi đặc biệt nhất ở Choeung Ek. Nơi phát hiện ra thi thể của hơn 100 người trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Hầu hết những người phụ nữ đều bị lột hết quần áo, có người nói rằng họ còn bị hãm hiếp trước khi chết. Người ta nói rằng dù trong hoàn cảnh nào phụ nữ Campuchia vẫn rất kín đáo. Nhưng ở đây họ bị lăng mạ, dày xéo. Kinh khủng hơn nữa, chúng giết cả trẻ con, ngay tại cái cây mà người ta gọi là “Cây giết người” này. Khi cánh đồng chết được tìm thấy, người ta thấy trên thân cây này có dính máu, não và cả những mảnh xương. Những đứa trẻ bị tách khỏi mẹ chúng. Những kẻ hành quyết cầm chân và đập chúng vào cái cây này. Chúng nói làm thế là cách nhanh gọn và đơn giản nhất… Đây có lẽ là nơi minh chứng cho tội ác man dợ, vô nhân tính của bè lũ Khmer Đỏ. Trong chiến tranh, họ được quyền giết kẻ thù, nhưng giết trẻ em và phụ nữ bị khép vào “tội ác chiến tranh”. Nhưng đối với bè lũ Khmer Đỏ, chúng lại có một khẩu hiệu khác :“Nhổ cỏ, phải nhổ tận gốc”. Giết trẻ con thì sẽ không còn ai quay lại trả thù chúng được nữa.

Ngay gần cái cây giết người, có một cái cây khác, nhìn nó giống cây bồ đề nơi mà Đức Phật Thích Ca giác ngộ, chứng quả. Tên của nó là cây thần kỳ hay phép màu (magic), nhưng nó chẳng mang lại điều gì thần kỳ cho những người được đưa đến đây. Những chiếc loa được treo ở đây, buổi sáng nó thúc dục người dân trên cánh đồng làm việc. Vào ban đêm nó phát ra những bài nhạc cách mạng áp đi tiếng khóc và la hét của những người bị hành quyết.

Điểm đến cuối cùng của hành trình tìm về quá khứ. Ngôi nhà cao đẹp nhất nằm giữa bãi cỏ xanh tươi, được bao quanh bởi những hàng cây tươi tốt ở Choeung Ek,  nhà tưởng niệm. Một khung cảnh thật yên bình so với cái nóng bức của thủ đô Phnom Penh cách đó 15km. Nơi đây lưu giữ 9000 hài cốt, hầu hết là hộp sọ, một trong số đó bị vỡ một góc do búa, cán cuốc, hay chùy đập. Một số bị thủng do bị đóng đinh. Một số khác mất một mảng do chém vát. Một số chiếc hàm bị mất vài chiếc răng ở giữa và còn rất rất nhiều những hình ảnh tương tự thế… Không thể tin nổi, xét trên khía cạnh động vật, có loài vật nào dã man như thế? Xét trên khía cạnh con người, có dân tộc nào làm những điều man dợ như thế với chính đồng bào của mình? Công lý là ở đâu, nhân quả có đến muộn quá không khi Pol Pot vẫn sống khỏe mạnh tới 88 tuổi mới chết vì bệnh tim? Bè lũ cầm đầu tội ác diệt chủng Khmer Đỏ vẫn còn sống đến tận bây giờ và một trong số chúng còn kêu oan cho những hành động vô nhân tính của mình. Choeung Ek cũng chỉ là một trong rất nhiều cánh đồng chết của đất nước này. Và Campuchia không phải là nơi đầu xảy ra nạn diệt chủng. Đã có những sự kiện tự thế xảy ra Nga dưới thời Stalin, Trung Quốc, Đức, Agentina…vv và một vài đất nước khác. Nhưng, như nhà khoa học chính trị người Mỹ Wayne Bert viết :“Phương pháp và hành vi có thể so sánh với Đức Quốc xã nhưng về tỉ lệ dân số bị giết bởi một cuộc cách mạng thì chắc chắn không chế độ nào có thể vượt qua Khmer Đỏ”. Và chỉ có ở Campuchia dưới thời Khmer Đỏ mới có sự kiện đồng bào giết hại lẫn nhau nhiều như thế.

Quá khứ đã qua đi, nhưng những vết thương có lẽ sẽ vẫn còn in sâu trong ký ức nhiều thế hệ người Campuchia. Những Choeung Ek, những Filling Fields sẽ còn được lưu giữ mãi, như một kỳ quan thế giới khác của người Campuchia, để bất cứ ai đến đây đều phải sững sờ, không thể lý giải. Và cũng có thể là để bất cứ ai đến đây, mang cho mình một chút ký ức tăm tối của người Campuchia để sống tốt hơn cho cuộc đời phía trước của mình.

*bài viết có sử dụng tư liệu trong radio tour của ban quản lý Choeung Ak.

Điểm đến này cũng là điểm kết thúc của chuyến du lịch Campuchia của mình. Bạn có thể xem thêm nhiều thông tin về các điểm đến khác ở Campuchia tại đây: Kinh nghiệm du lịch Campuchia

One thought on “Du lịch bụi Campuchia (4): Killing Fields, nơi tưởng nhớ nạn nhân diệt chủng Khmer Đỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

“Câu trả lời ngắn gọn nhất là hành động”

Có bao giờ lời nói, hành động, suy nghĩ của những người xung quanh khiến bạn cảm thấy không còn tự tin? Bao giờ những người đó chính là người xung quanh bạn? Nếu bạn đã và đang ở trong trạng thái đó, hãy để tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của tôi. […]

Tháng Tám 31, 2021

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu? Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều […]

Tháng Tám 30, 2021

Bản nháp Lời tựa cuốn sách đạp xe 63 tỉnh thành Việt Nam

Năm 17 tuổi, đã có lúc, tôi nghĩ tới việc lao đầu vào ô tô để kết liễu cuộc đời mình, sau những lần chứng kiến những cuộc chiến tranh của Bố Mẹ, và đã có lúc tôi tham gia vào cuộc chiến ấy như một con thú với tất cả bản năng hoang dại […]

Tháng Tám 29, 2021

Đi như thế nhỡ hỏng xe thì phải làm sao?

Đó là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều người từng hỏi mình câu đó. Phải làm sao nhỉ? Mình có cả một bộ dụng cụ sửa xe ở đằng sau chiếc balo, cờ lê, bộ vá xe được WETREK tài trợ, mình mua theo cả săm dự phòng để thay khi cần. […]

Tháng Tám 27, 2021

Cái duyên với Thiền viện Trúc Lâm

Tôi đói lả người, mệt, kiệt sức. Cố hết sức đạp đến chân Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lúc đó cũng gần 7h tối, tôi nhìn thấy đường lên dốc cao hơn những con dốc dạng sóng nhẹ mà mình vừa đi qua, thấy nản. Khi đói, mệt, thêm với sợ tối, tôi đã […]

Tháng Tám 26, 2021