5 ngày 4 đêm ở Đông Bắc (Hà Giang – Cao Bằng)

Hơn 1170km. 5 ngày 4 đêm. Tôi đi tìm vẻ đẹp lôi cuốn của cao nguyên đá Đồng Văn. Tìm nét hoang sơ hùng vỹ nơi đèo Mã Pì Lèng huyền thoại.  Để giờ ngồi lại đây, chia sẻ lại với bạn những trải nghiệm trong chuyến đi Hà Giang của mình. Bài viết về […]

Trần Việt Anh Tháng Năm 13, 2014

  • Chia sẽ:

Hơn 1170km. 5 ngày 4 đêm. Tôi đi tìm vẻ đẹp lôi cuốn của cao nguyên đá Đồng Văn. Tìm nét hoang sơ hùng vỹ nơi đèo Mã Pì Lèng huyền thoại.  Để giờ ngồi lại đây, chia sẻ lại với bạn những trải nghiệm trong chuyến đi Hà Giang của mình.

Bài viết về Hà Giang có thể bạn quan tâm:

Những ngày nắng đẹp đầu tháng 5. Đắm mình trong thiên nhiên hùng vỹ. Những xúc cảm chẳng thể nói bằng lời. Choáng ngợp. Tôi để lại ở Hà Giang những thứ riêng. Để lại ở Mã Pì Lèng say mê vô hạn.

Những dãy núi đá nhấp nhô. Đâm toạc lòng đất mà sừng sững với trời xanh. Những cao nguyên đá dốc treo leo. Nhà sàn ngang sườn núi. Có ở nơi đâu thiên nhiên lại lạ kỳ giống nơi này? Có ở nơi đâu sức sống của con người mãnh liệt như trốn đây? Tôi vụng về trước câu hỏi của chính mình. Còn bạn, nếu một lần có những thắc mắc. Đôi lần nghe thấy tiếng gọi từ trong tim thì còn ngần ngại gì không lên đường?

Khi ngồi đây. Viết lại những dòng cảm xúc này lên blog của mình, trong tôi vẫn hiện rõ những khúc cua, hiển hiện rõ những cột mốc lộ giới nơi chúng tôi dừng chân ven đường. Hàng cây. Tảng đá. Nơi chúng tôi ngồi. Mọi thứ như đang ngay trước mắt. Tôi như trở lại những ngày dong duổi trên nẻo đường Đông Bắc.

Ngày thứ nhất

Rời nhà lúc 11h15’ và “ăn đinh” ở Cổ Nhuế. Dừng lại vá săm và ăn trưa.

12h40’ tạm biệt Hà Nội. Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Hà Nội tới Sơn Tây: dọc theo đường 32 đi Trung Hà. Sau đó tới Phong Châu, men theo con đê bên bờ sông Thao đi thị Xã Phú Thọ. Từ thị xã Phú Thọ tới Đoan Hùng, rẽ sang Tuyên Quang. Dọc đường 320 tới Hà Giang.

06h20’ đặt chân đến mét đường cuối cùng của Tuyên Quang và nơi bắt đầu Hà Giang. Niềm vui ngập tràn trong chúng tôi. Hà Giang đây rồi, nhưng vẫn còn hơn 80km nữa mới đến thành phố. Trời bắt đầu tối, dừng lại để nạp năng lượng cái đã.

9h00’ xe lăn bánh tại quảng trường thành phố Hà Giang. Thành phố không lớn, nhưng đẹp. Dọc quảng trường (phố Trần Hưng Đạo) đủ loại ánh sang đèn.

Tìm quanh thành phố, chúng tôi chọn nhà nghỉ Lan Hương. Tuy phòng không được tốt cho lắm nhưng với cái giá 120.000 VNĐ/đêm thì không có gì để phàn nàn nhiều. Nếu chỉ để ngủ và có chỗ tắm rửa thì đây là một lựa chọn hợp lý.

Loanh quanh thành phố tìm hang ăn tối, chúng tôi tìm thấy một quán bánh cuốn rất ngon. Lần đầu tiên tôi thấy ăn bánh cuốn có bát nước canh thay cho mắm. Chẳng ăn được nhiều, tôi chỉ nạp được 2 quả trứng và một đĩa bánh cuốn thôi ^.^

Rời quán bánh cuốn cô Lan, chúng tôi về nhà nghỉ.

Ngoài ấn tượng về món bánh cuốn có bát nước chấm xương lần đầu tiên ăn, ở thành phố này chấp hành luật lệ giao thông rất tốt. Cả xe đạp điện cũng đội mũ bảo hiểm đầy đủ.

Ngày thứ 2

Buổi sang, thức dậy muộn.

8h sáng, bên ngoài cửa sổ phòng chúng tôi là những đám mây trắng bao phủ ngọn núi. Trong long háo hức về cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú và Mã Pì Lèng. Đổ xăng đầy đủ, chằng đồ và lên đường thôi!

Men theo con sông Miện, chúng tôi rời thành phố để đến Quản Bạ. Nơi đây không chỉ có địa danh núi đôi nổi tiếng, mà dọc đường đi còn có một đoạn đường đèo rất đẹp. Hai bên đường là những thửa ruộng ngô, phía xa xa là dãy núi đá được bao phủ bởi mây trắng. Đứng từ bên trên đèo nhìn xuống, con đường vừa đi qua như rắn bò quanh ngọn đồi. Bọn trẻ bên đường rất dễ thương. Những đứa lít nhít chưa biết nói thì vẫy tay chào, những đứa lớn hơn học tiểu học – hoặc cấp 2 thì tay vẫy, miệng nói “bye bye”. Chúng tôi dừng lại là bọn trẻ liền xúm vây quanh ngay như biết trước sắp được nhận kẹo, có vẻ như chúng rất thấu hiểu những người khách từ xa tới. Và giống như những đứa trẻ vùng cao khác, những đứa trẻ này rất thích được chụp ảnh và khúc khích cười khi được nhìn thấy chính mình trong chiếc máy ảnh – điện thoải nhỏ tí xíu. Ánh mắt chúng sáng lên và môi chúm chìm cười. Rồi quay sang nói điều gì đấy với đứa bạn bằng tiếng dân tộc. Tôi đoán chúng nói “ông này chụp mình xấu quá”

Quay trở lại với Núi Đôi. Bản thân tôi rất thích núi đôi, nên không thể bỏ qua nơi này được. Mà muốn không nhìn cũng khó, vì núi đôi nằm ngay trên đường qua thị trấn Quản Bạ. Không còn cách nào khác, dù rất thích nhưng vẫn đành phải đứng ngắm một lúc lâu vậy. Có hai cách để ngắm núi đôi, một là trèo lên tháp (đoạn có xây bậc thang leo lên đỉnh quả đèo ngay bên dưới chân cổng trời Quản Bạ, hai là đi xuống dưới con đèo ấy một đoạn cũng có thể ngắm và chụp ảnh. Bản thân tôi thấy đoạn bên dưới thoáng, chụp ảnh đẹp hơn và không phải leo trèo.

Núi đôi nhìn từ trên tháp bị vướng cây.

Núi đôi với góc nhìn ở đoạn đèo bên dưới tháp thoáng hơn. Chẳng phải leo trèo.

Vượt qua Quản Bạ, vượt qua hơn 60km nữa chúng tôi tới Yên Minh. Đoạn này gần cao nguyên đá Đồng Văn, nên xuất hiện nhiều hơn những dãy núi đá.

Leo đèo, leo đèo và leo đèo. Miệt mài, hăng say với những con đèo. Những dốc quanh. Tôi với Hiền nghêu ngao mỗi đứa một bài. Chủ yếu là nhạc chế. Một bài hát chỉ có hai từ “dốc quanh” chẳng hạn. Đủ thể loại nhạc. Nhiều nốt. Nhiều dai điệu khác nhau.

Đoạn đường gần tới Yên Minh rất đẹp, có đoạn hai bên đường toàn cây thông giống đường ở Đà Lạt. Và những ngọn núi phía xa lại giống với đường đèo ở Sapa.
Núi non hùng vĩ, cảnh đẹp, chỉ tiếc là chúng tôi chụp ảnh quá tệ nên ảnh không đẹp được giống như mắt nhìn. Nhưng tôi thiết nghĩ, dù có máy ảnh tốt đi chăng nữa mình cũng chẳng bao giờ nhét được hết những cảnh đẹp này vào trong khung hình. Ngoài ống kính “mắt người” ra chẳng có cách nào để chụp được hết vẻ đẹp của Hà Giang cả.

Cũng ngay trên đoạn đèo này, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn xe đi Lũng Cú. Có đoàn tới cả chục xe, có đoàn thì 4-5 chiếc Minsk. Đoàn nào cũng đông vui, cờ đỏ sao vàng – áo quần – giáp bảo hộ đầy đủ. Muốn kết bạn đi chung cũng khó. Ở ngay trên con đèo này, chúng tôi gặp anh chị Thức – Quý. Phần vì hoàn cảnh giống nhau, phần vì ham vui nhưng không dám đi đông nên 4 chúng tôi lập thành một nhóm nhỏ. Sau rồi hai anh chị này đi cùng chúng tôi khắp Hà Giang, Cào Bằng. Tới tận Bắc Kan mới chia tay nhau. Chưa rượu say, chưa bắt tay rối rít. Nhưng chỉ cùng vượt qua những con đèo đêm với nhau, kẻ trước – người sau vậy cũng vui lắm rồi.

Sau khi rời đoạn đèo này, trời cũng vào lúc giữa trưa. Trời dần nắng gắt. Chúng tôi tới thị xã Yên Minh mua xăng. Vẫn còn hơn 50km nữa mới tới cột cờ Lũng Cú. Chẳng vội vàng gì, chúng tôi thong dong.

Rời thị trấn Yên Minh, đặt chân tới cao nguyên đá. Tôi biết cao nguyên đá qua bài hát cùng tên của Ngũ Cung. Nhưng khi đặt chân đến đây, tận mắt chứng kiến. Tôi sững sờ. Chẳng có gì khác ngoài đá. Hai bên ven đường toàn đá. Dọc những quả đồi là đá. Nhà dân nằm trên đá. Ngô mọc chen núi đá. Nước chảy qua đá.

Đến cao nguyên đá Đồng Văn tôi mới thấy sức sống con người nơi đây mãnh liệt thế nào. Những rễ cây ôm đá. Hiên ngang đâm chồi. Ra hoa. Kết trái. Những ngôi nhà nằm trên vách đá cheo leo. Người dân Đồng Văn dựa lưng vào núi đá, nằm trên núi đá. Sống cùng đá. Vui cùng đá. Nếu đá là vật quy đổi, chắc hẳn họ là người giàu nhất. Chỉ tiếc, đá khiến cuộc sống những người dân nơi đây thêm phần khổ cực. Đá chỉ đẹp với chúng tôi. Thiên nhiên chỉ hùng vĩ trong mắt chúng tôi – những người lữ khách trẻ. Còn với họ, những người dân tộc vùng cao, đất toàn đá lúa không mọc, rau cỏ không sinh sôi. Chỉ có ngô và ngô… thì đá có khi nào là nỗi buồn, là khắc nghiệt của thiên nhiên dành cho con người nơi đây? Với riêng tôi, đá mang tới những xúc cảm hỗn độn. Vui có. Buồn có. Tất cả đều khó diễn tả thành lời.

Tôi bị choáng ngợp ngay khi đặt chân tới những con đèo đầu tiên ở Đồng Văn. Tạm gác lại những điều hỗn độn về đá. Tôi thỏa sức leo đèo. Những con đèo vòng vèo quanh co. Nhưng con rắn khổng lồ bò bên dãy núi đá.

Trước khi tới Lũng Cú, chúng tôi ghé dinh Vua Mèo (dinh họ Vương). Ngôi nhà cổ nằm dưới thung lũng này đẹp và kiên cố. Nó giống một pháo đài bất khả xâm phạm. Những cây thông xung quanh nhà mọc thẳng như muốn đâm tận lên trời xanh. Tôi đã đọc về nó rất nhiều trước khi tới Hà Giang. Thỏa chí tò mò, được nghe “ké” chị hướng dẫn viên mô tả. Chúng tôi rời nơi đây tiến về Lũng Cú, nơi địa đầu tổ quốc.

Hơn 26km từ dinh họ Vương tới cột cờ Lũng Cú tưởng xa như 50km đường bằng. Vẫn là những ngọn núi đá. Đá đủ màu. Đá xanh, đá trắng, đá đen. Nhưng dù đá gì, bên cạnh đá vẫn luôn có màu xanh tràn đầy sức sống của ngô và màu xanh trong mắt lũ trẻ con dân tộc vùng cao.

Trên đường đến Lũng Cú. Những dãy núi đá nhấp nhô xuất hiện. Dãy núi thấp. Dãy núi cao. Núi già. Núi trẻ. Núi xa. Núi gần. Chúng vừa giống những mũi chông nhọn hoắt đâm xiên qua long đất. Vừa giống những cây măng rừng chắc khỏe. Giống cả răng cá sấu. Gai lưng khủng long, giống những con song dập dềnh ngoài biển… đủ mọi hình thù. Tôi ngường ngùng ghi lại cảnh này bằng điện thoại. Và ngay từ ban đầu tôi đã biết chắc rằng mình có cố gắng đến đâu thì cũng không thể làm tốt được.

Thế nên thôi, đành tự sướng vậy.

Và rồi, sau hơn 100km đường đèo chúng tôi cũng đến cột cờ Lũng Cú. Đến được mảnh đất địa đầu tổ quốc. Được thấy ngọn núi nơi bắt đầu cho tấm bản đồ hình chữ S. Thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên ngọn tháp cao. Niềm vui sướng, hạnh phúc ngập tràn trong tôi. Tôi nhớ đến câu hỏi của một cậu em đồng nghiệp trước chuyến đi, nó hỏi để làm nội dung cho một chương trình quảng cáo: “Khi nào thì niềm tự hào dân tộc dâng lên trong anh?” – Nếu cậu em ấy ở đây, đứng giữa những con người trẻ mặc áo cờ đỏ sao vàng và nhìn lá cờ lớn bay chắc sẽ hiểu. Khi nào thì niềm tự hào dân tộc dâng lên.

Rời Lũng Cú, bốn người chúng tôi quay trở lại Ma Lé rồi rẽ về thị trấn Đồng Văn. Hơn 20km đường đèo, xăng trong bình đã về đến vạch đỏ, xăng dự trữ cũng hết. Hơn 6h trời đã dần tối, tôi lo lắng không biết có về được đến Đồng Văn không. Bạn đồng hành cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Suốt quãng đường xuống đèo, tôi ghìm số để xe tự trôi tiết kiệm nhiên liệu, xe không nổ máy, không có đèn, đường tối, may mà đường không xấu nên về tới Đồng Văn với những giọt xăng cuối cùng.

Vừa vào đổ xăng, người bán xăng đã đe dọa đêm nay chuẩn bị tâm lý mua chiếu ngủ ngoài đường. Tự tìm không được nhà nghỉ. May mắn ở đoạn chợ Đồng Văn gặp một đoàn phượt đang đi bộ, các bạn ấy chỉ cho quán café Phố Cổ nghỉ homestay. Tìm đến thì còn chỗ, giá tốt (50k/người). Tuy hơi nhiều muỗi, nhưng phòng có đệm êm, cũng sạch sẽ nên yên tâm đi “thử rượu ngô”. Thử rượu ngô ở quán Hải Bằng ngay mặt đường thị trấn, giá mềm, rượu ngô ngon. 10h chúng tôi quay về quán café Phố Cổ, hiến dâng thân mình cho muỗi, bỏ lại đoạn đường đẹp ở sau lưng, chúng tôi nhắm mắt mơ về Mã Pì Lèng và có một giấc no say. Kết thúc ngày thứ 2. Một ngày tuyệt vời.

Ngày thứ 3

Khi thức dậy tôi mới biết mình đang ngủ trong ngôi nhà trình đẹp nhất nhì phố cổ Đồng Văn. Ngôi nhà này được thiết kế với kiến trúc rất độc đáo. Nhìn từ trên cao xuống có lẽ nó hình vuông, ở giữa hình vuông là mộ ô trống, nơi đón ánh sáng cho ngồi nhà và là sân chơi, uống trà… Và là bậc thang dẫn đến gian nhà chính. Tầng 2 là phòng khách, cũng là nơi chúng tôi ngủ.

Thức dậy muộn, nên ăn sang muộn. Ngay đối diện nhà là khu chợ với những gian bằng đá. Hiện tại được dùng để bán café. Bên đường có rất nhiều hang ăn, chúng tôi chọn một quán bánh cuốn để ăn. Gian hàng nhỏ, bánh cuốn nóng ngon, chúng tôi lên đường đi Mèo Vạc. Với Mã Pì Lèng trong tim.

Mã Pì Lèng. Những núi đá vẫn thế. Vẫn nhấp nhô. Và không quên hùng vỹ. Mã Pì Lèng mờ mờ ảo ảo trong sương không sớm. Hiền ngâm nga câu thơ:

“Ở nơi đây khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Giữa đất trời chúng tôi thêm nhỏ bé. Tôi tự hỏi sao thiên nhiên có thể tạo ra một cảnh tượng hùng vỹ đến thế? Ngay giữa đoạn đèo thôi mà cảm xúc đã vượt cả mong đợi rồi. Hai bên đường, những bông bồ công anh nhỏ lối chúng tôi đi.

Nắng đẹp. Mã Pì Lèng. Thế giới nhỏ đằng đằng sau lưng. Không thể tuyệt vời hơn được nữa. Dòng Nho Quế hiện ra trong tiếng reo hò của cả 4 người. Cách đây rất lâu rồi, tôi mơ ước đặt chân tới Mã Pì Lèng – ngày chưa từng đi. Cách đây một năm, trong chuyến đi xa đầu tiên, khi đứng trên đỉnh Ô Quy Hồ, tôi thèm khát một lần chinh phục đệ nhất đèo trong tứ đại đèo phía Bắc. Tôi háo thắng trước những con dốc, con đèo quanh co. Gặp Mã Pì Lèng, không thể diễn tả được cảm xúc bằng lời. Tôi chết lặng trước hùng vỹ. Tôi nghiêng mình. Đứng bên con đèo nhìn xuống dòng Nho Quế. Tôi nghêu ngao câu hát không phải của ai, không nhạc, không vần điệu : “Tôi ôm trọn núi đồi quanh co. Ôm cả thiên nhiên hùng vỹ vào lòng.”

Nhìn xuống dòng sông Nho Quế. Lúc ấy mắt dưng dưng. Tôi nhớ đến một đoạn trong phim “Into the wild” có câu : “Chẳng phải tôi yêu con người ít hơn, mà bởi vì tôi yêu thiên nhiên nhiều hơn”. Bởi thế! Bởi vì tôi (và những người trẻ đến nơi này) yêu thiên nhiên bằng sức trẻ, bằng hoang dại và bằng cả tâm hồn. Có lẽ với tôi,. Nơi dòng Nho Quế vừa xuất hiện lần đầu tiên trước mắt mình, nơi không có khách du lịch, nơi vẻ đẹp hoang sơ đẹp hơn cả mỏm đá mà mọi người vẫn gọi là huyền thoại. Nơi khách du lịch dừng chân.

Vẫn sự ngượng nghịu ấy. Tôi ghi lại một góc nhỏ Mã Pì Lèng trong điện thoại. Và dừng lại ở đây, không nói về Mã Pì Lèng nữa. Tôi muốn giữ một Mã Pì Lèng của riêng mình, một dòng Nho Quế chảy trong mình.

Tạm biệt Mã Pì Lèng giữa trưa nắng. Bỏ lại tất cả ở con đèo huyền thoại ấy. Chúng tôi đi tiếp. Đi đến Mèo Vạc. Dừng lại ở Ngậm Cạch, xã Niêm Sơn của Mèo Vạc. Vào nhà bác Giàng, bí thư xã Niêm Sơn nhờ bác tặng lại bọn trẻ con trong xóm một ít sách vở cấp 1, cấp 2 và quần áo chúng tôi xin được lần trước (lần đi Cột Mốc).

Ngồi nói chuyện cùng bác Giàng về đủ chuyện. Chuyện Hà Nội. Chuyện tuổi trẻ. Chuyện Ngậm Cạch. Chuyện người Tày. Chuyện người Mông… rồi cũng phải chia tay. Chúng tôi xin bác một kiểu ảnh kỷ niệm rồi nhờ bác tặng quà bọn trẻ. Dù là công an nghỉ hưu, bác vẫn giữ thói quen nghề nghiệp, thói quen bí thư xóm. Ghi lại thông tin trước khi để chúng tôi ra về.

Rời nhà bác Giàng. 4 anh em đến Bảo Lâm. Bảo Lạc rồi về Cao Bằng. Đến thành phố lúc 8h tối, tìm hàng ăn đêm và ghé vào nhà thằng bạn thân ngủ của tôi ngủ nhờ.

Nằm xuống giường, anh em chưa kịp hàn huyên kỷ niệm đi học thì tôi đã ngủ say sưa.

Ngày thứ 3. Xa Hà Giang. Bỏ lại rất nhiều thứ, bỏ Hà Giang lại ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng.

Đã có lúc cảnh vật nơi đây khiến tôi thèm khát sự cô đơn. Thèm khát được một mình rong ruổi hết những con đèo, những vách núi đá cheo leo hùng vỹ ấy. Không phải bởi tôi thích cô đơn, mà bởi nơi đây đẹp đến mức tôi không muốn chia sẻ nó cùng ai hết.

Nếu có ai đó hỏi về Hà Giang, tôi không biết dùng từ nào để diễn tả. Từ “tuyệt vời” là không đủ, trên cả tuyệt vời cũng không đủ. Đúng vậy! Thật khó cho một kẻ có vốn từ hạn hẹp tôi. Nhưng chỉ có điều. Đi dọc mảnh đất hình chữ S, tôi chưa thấy nơi đâu hung vĩ như nơi này.

Ngày thứ 4

Buổi sáng thức dậy ở Cao Bằng. Đêm thứ 3 chúng tôi ai cũng ngủ ngon lành. Lịch trình ngày hôm nay sẽ đến thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao. Trước khi đi, mẹ thằng bạn đã mua sẵn cho 5 người xôi và hoa quả để mang đi ăn khi đói. Và mua sẵn cả đồ ăn để nấu chờ về ăn trưa. Về Cao Bằng thật thích.

8h30 rời thị xã Cao Bằng, chúng tôi đi Trùng Khánh.

Cảnh Cao Bằng cũng đẹp không thua kém gì Hà Giang. Hai bên đường là những ruộng ngô xanh. Đồi núi trập trùng. Đường đẹp, cảnh đẹp, thời tiết cũng đẹp.

Cách thị xã Trùng Khánh hơn 20km là lối vào động Ngườm Ngao. Chúng tôi leo động Ngườm Ngao trước. Động cách khu gửi xe khoảng 1km đi bộ. Bên trong động rất đẹp. Có nhiều khối đá nhũ đủ hình thù: cột trụ trời, hoa sen, ông địa, đá bạc – đá vàng lấp lánh.

Rời khỏi động, ai nấy đều đói run chân tay. Quãng đường đi bộ ngược từ động ra bãi đỗ xe tưởng như từ 1km dài thành 10km.

Rời động, chúng tôi đi tiếp 5km nữa đến thác Bản Giốc. Thác này thuộc sở hữu chung của Việt Nam và Trung Quốc. Bên kia sông nước bạn Trung Quốc cũng khai thác du lịch.

Thác Bản Giốc có nhiều tầng. Tôi cùng thằng bạn leo lên trên tầng cao nhất của thác bằng đường mòn. Tầng 2 của thác như một hồ chứa, nước đổ từ rất nhiều nguồn xuống hồ và chảy tiếp xuống dưới tầng 1. Đường leo lên là đường mòn, trời cũng vừa mưa nên trơn khá nguy hiểm.

Tầng 1 của thác Bản Giốc

Tầng 2 của thác

Tầng 3 thác là một lòng chảo

 

 

Trở về thị xã Cao Bằng lúc hơn 5h. Trên đoạn đường đi gặp mưa to. Sau cơn mưa đoạn đường lúc đi đẹp khủng khiếp. Về tới nhà, ăn bữa cơm nóng hổi mà mẹ thằng bạn chuẩn bị mà no vỡ bụng. Bữa cơm ngon nhất trong mấy ngày đi.

Ăn xong lăn ra ngủ một giấc.

7h30 tạm biệt thằng bạn. Tạm biệt Cao Bằng, ngược về Hà Nội.

Đoạn đường từ Cao Bằng đến Bắc Kan dài khoảng 80km. Vượt qua 4 con đèo quanh co. Đường tối không người qua lại, cuối cùng cũng tới Bắc Kan. Dừng chân ăn đêm, hai người bạn đồng hành của chúng tôi dừng chân nghỉ tại Bắc Kan. Tôi và Hiền đi tiếp.

Khoảng 1h30 đến Thái Nguyên. Mắt díp lại nên ngủ lại một đêm tại  Thái Nguyên.

Kết thúc ngày thứ 4 với Cao Bằng. Rất vui và cảm động vì gia đình thằng bạn hiếu khách. Thêm nhớ Hà Giang, nhất là những đoạn đèo.

Ngày thứ 5

Thức dậy ở Thái Nguyên. Đêm qua mệt tưởng như gục. Sau một hành trình dài thì cuối cùng cũng gần hết pin. Ngủ một giấc ngon lành ở Thái Nguyên, pin lại được nạp đầy.

La cà mãi trưa mới quay lại Hà Nội.

Cái cảm giác xa Hà Nội rồi quay về thấy thân quen làm sao.

Kết thúc 5 ngày 4 đêm trên đường. Hơn 1100km phía Bắc với những trải nghiệm tuyệt vời. Đặc biệt là Hà Giang và Cao Bằng.

Hẹn một ngày không xa trở lại thăm. Để tìm lại những điều bỏ lại ở Mã Pì Lèng. Để được say chén rượu ngô Hà Ging, rượu nếp Cao Bằng.

Những ghi chép vụn vặt trên đường đi.

8 thoughts on “5 ngày 4 đêm ở Đông Bắc (Hà Giang – Cao Bằng)

  1. Đọc cảm nhận về chuyến đi của bạn thấy thích kinh khủng, tháng 11 này mình với bg đã đặt vé bay ra HN để đi Hà Giang, vẫn đang phân vân lịch trình vì tụi mình đi đến 5 ngày lận. Bạn có thể giúp mình tham khảo theo chuyến đi HG với CB được không? Tụi mình định đi xe khách từ HN lên HG, nên sẽ bỏ qua đoạn lên HG, từ đó chắc sẽ theo kinh nghiệm của bạn mướn xe từ HG đi, nhưng lên CB rồi vòng về HG ổn không ha? Với đoạn đường đèo có khó đi hay không? Vì mình xem trên mạng người ta cũng khuyên mang mang theo dụng cụ thay ruột xe nếu lỡ dính đinh. Cám ơn bạn nhiều 🙂

    • Nếu đi Cao Bằng rồi vòng về Hà Giang đoạn đường rất xa. Tốt nhất là thuê xe máy đi hết Hà Giang rồi bạn bắt xe khách đi Cao Bằng. Đến Cao Bằng bạn thuê xe tiếp như thế tiện hơn. Nhưng di chuyển như thế trong 5 ngày sợ gấp gáp quá, bạn nên cân nhắc nhé! Còn về dụng cụ thay đồ xe, nếu mang được thì quá tốt rồi, vì có nhiều đoạn đèo dốc mà không có cửa hàng – dịch vụ gì đâu.

  2. Chào bạn!

    sắp tới mình cũng định đi 1 chuyến HG – CB, lịch trình sẽ là xe khách từ HN – HG và đến HG thuê xe máy. Đường ở HG và CB có xấu/khó đi nhiều ko bạn? Và minh cần có những kỹ năng gì để sửa xe ngoài vá xe, thay lốp?

    2 đứa con gái chuẩn bị đi với nhau nên là lo nhất khâu này, mình cảm ơn bạn trc nhé!

  3. Cho mình hỏi từ Hà Giang qua Cao Bằng muốn đi xe khách thì đi hãng nào. Có chuyến đi buổi tối xong sáng đến Cao Bằng không? Mình muốn rút ngắn thời gian đi lại

  4. Mình đã book ngày 25.1 này đi Hà Giang. 1 thân con gái thoai.k bít bạn nào coa nhã hứng phượt cùng k nhỉ???
    Nên chuẩn bị hành lý như thế nào cho hợp lý vậy Việt Anh ơi. Dự trù 3 ngày nhé ^^. Cảm ơn bạn nhiều nè

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

“Câu trả lời ngắn gọn nhất là hành động”

Có bao giờ lời nói, hành động, suy nghĩ của những người xung quanh khiến bạn cảm thấy không còn tự tin? Bao giờ những người đó chính là người xung quanh bạn? Nếu bạn đã và đang ở trong trạng thái đó, hãy để tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của tôi. […]

Tháng Tám 31, 2021

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu? Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều […]

Tháng Tám 30, 2021

Bản nháp Lời tựa cuốn sách đạp xe 63 tỉnh thành Việt Nam

Năm 17 tuổi, đã có lúc, tôi nghĩ tới việc lao đầu vào ô tô để kết liễu cuộc đời mình, sau những lần chứng kiến những cuộc chiến tranh của Bố Mẹ, và đã có lúc tôi tham gia vào cuộc chiến ấy như một con thú với tất cả bản năng hoang dại […]

Tháng Tám 29, 2021

Đi như thế nhỡ hỏng xe thì phải làm sao?

Đó là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều người từng hỏi mình câu đó. Phải làm sao nhỉ? Mình có cả một bộ dụng cụ sửa xe ở đằng sau chiếc balo, cờ lê, bộ vá xe được WETREK tài trợ, mình mua theo cả săm dự phòng để thay khi cần. […]

Tháng Tám 27, 2021

Cái duyên với Thiền viện Trúc Lâm

Tôi đói lả người, mệt, kiệt sức. Cố hết sức đạp đến chân Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lúc đó cũng gần 7h tối, tôi nhìn thấy đường lên dốc cao hơn những con dốc dạng sóng nhẹ mà mình vừa đi qua, thấy nản. Khi đói, mệt, thêm với sợ tối, tôi đã […]

Tháng Tám 26, 2021