Tại sao tôi lại có cái ý định “không bình thường” đó?

Tôi nhớ một lần xem tin tức trên Facebook blogger Đinh Hằng có chia sẻ về một cụ ông tên Derek, ông ấy bị ung thư và đang đạp xe vòng quanh Thế Giới đến chết, tôi đã bị ấn tượng rất mạnh bởi câu chuyện của người đàn ông đó. Tôi nghĩ trong đầu […]

Trần Việt Anh Tháng Chín 8, 2021

  • Chia sẽ:

Tôi nhớ một lần xem tin tức trên Facebook blogger Đinh Hằng có chia sẻ về một cụ ông tên Derek, ông ấy bị ung thư và đang đạp xe vòng quanh Thế Giới đến chết, tôi đã bị ấn tượng rất mạnh bởi câu chuyện của người đàn ông đó. Tôi nghĩ trong đầu : “Ông ấy đang tận hưởng những tháng ngày cuối cùng của cuộc sống bằng một việc thật điên rồ, ông ấy đang hạnh phúc!”.

Tôi thấy Derek qua tấm ảnh của chị Đinh Hằng chụp ông trên phố, thấy ông tham gia một chương trình TV show, tôi tin rằng ông hạnh phúc. Người đàn ông đó thật kì diệu, ông ta đạp xe đến chết!!! Thật điên rồ! Và có thể khoảnh khắc đó trong tôi hình thành một mầm mống gì đó về việc đạp xe xuyên các quốc gia.

Nhưng nếu nói đó là nguyên nhân chính thì chưa hẳn. Tôi còn nhớ năm 2012, khi đó tôi 22 tuổi, trong chuyến xuyên Việt lần đầu tiên bằng xe máy tôi đã bắt gặp hình ảnh những người nước ngoài đạp xe xuyên Việt trên quốc lộ 1A, tôi nhớ mình đã gặp một gia đình rất dễ thương, hình như họ là người Pháp, hai vợ chồng đạp 2 chiếc xe, cùng 2 cô con gái nhỏ ngồi trong một chiếc xích lô nhỏ được gắn phía trước xe của ông bố. Đó là một hình ảnh vô cùng dễ thương, nó khiến tôi tò mò, liệu trải nghiệm cả gia đình cùng chiếc xe đạp đi đây đi đó sẽ thú vị như thế nào nhỉ?

Rồi một hôm, tôi đọc báo thấy có tin tức về hai chàng trai Dương Xuân Phi và Nguyễn Trường Giang đạp xe xuyên Việt đi đưa thư, lúc đó tôi nghĩ :”WOW! Người Việt làm chuyện đó, thật tuyệt!”, hình như mọi mầm mầm mốm đạp xe trong tôi chợt đâm chồi, như cây măng vừa nhú lên trên mặt đất sau bao ngày ấp ủ. Tôi nhắn tin cho hai bạn muốn xin đi cùng, nhưng hai bạn từ chối, và thế là tôi quyết định sẽ đi một mình.

Tôi gọi điện cho anh Lâm, người anh đã giúp đỡ tôi khi tôi đi xuyên Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, người đã từng lang thang 8 nước Đông Nam Á với một ít tiền, cũng là một người đã truyền cả hứng cho tôi rất nhiều. Tôi kể với anh về dự định của mình và nhờ anh giúp liên hệ với ai đó để viết báo, mượn xe đạp, máy ảnh, anh hỏi tôi 1 câu : “Nếu không có ai cho mượn, không ai tài trợ, chỉ mượn chiếc xe khung dựng, có đi không?”

Tôi rõng rạc nói qua điện thoại: “Có! Em vẫn đi như thường!”

Anh nhắn cho tôi số anh Lý Đợi, là phóng viên tại Sài Gòn, anh Lý Đợi có liên hệ với bác chủ hãng Martin cũng là bạn của anh trong giới nhà thơ để mượn giúp tôi chiếc xe đạp nhưng không được.

Tôi gọi tiếp cho anh Lâm, anh cho  tôi số của bác Xuân Nguyên, lúc đó là hội trưởng hội nhà văn Hà Nội, bác là người đã giúp anh Lâm xuất bản cuốn sách Trở Lại, anh nói bác sẽ giúp được tôi vụ viết báo kiếm tiền đi đường. Có lẽ đó là một trải nghiệm vô cùng thú vị, chuyến đi của tôi vô tình được sự trợ giúp của Chủ tịch hội nhà văn Hà Nội, sau đó của phóng viên Mi Ly, phóng viên Cao Mạnh Tuấn (Người đưa tin), của anh Phương phó tổng biên tập báo TTXV, toàn người có mơ tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc sẽ gặp được họ.

Và tôi mượn được một chiếc máy ảnh Pentax của anh Tuấn, cùng với sự trợ giúp của anh trong việc viết bài đăng lên trang tin du lịch của TTXVN. Tôi cùng anh Doãn Phương, chị Mi Ly đi gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cùng một bác nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh ở một quán café nhỏ trên phố cổ. Và sau đó được chị Mi Ly dẫn đến nhà cố nhà văn Tô Hoài, lúc ấy vừa qua 49 ngày của Ông, tôi gặp bà Cúc vợ của nhà văn Tô Hoài trong căn nhà nhỏ đơn sơ, giản dị của hai Ông Bà. Hôm đó, đầu Bà vẫn còn quấn khăng tang trắng, Bà kể cho tôi nghe về cuộc sống giản dị của hai ông bà, về câu chuyện tình yêu của Ông Bà thời còn ở chiến khu, Bà kể rằng Bà là con nhà khá giả bỏ phú quý vinh hoa theo ông, và tôi nhớ bà vừa nói vừa đọc thơ, tôi nhớ mãi câu: “Trong gian khó ta tìm ra Chân lý”. Ngày đó tôi chẳng hiểu gì, nhưng nghiệm lại thấy sao mà đúng đắn…

Nghĩ lại tôi càng thấy mình may mắn, sao lại có thể gặp gỡ những nhân vật thú vị như thế vào năm 23 tuổi nhỉ?

Tôi chụp cùng Bà Cúc vợ cố nhà văn Tô Hoài.

Chưa hết ngỡ ngàng, tôi liên hệ với anh Hùng Wetrek để trao đổi về ý tưởng của mình, anh cho tôi mượn lều, một số vật dụng sửa xe, camping.

Tôi liên hệ tiếp với chị Kim Anh báo Vnexpress khi đó là người nhận cái bài viết cộng tác của tôi trên trang. Và tôi có một cuộc hẹn với chị Xuan Tú trưởng ban, và phóng viên Hương Chi về việc vừa đi vừa viết bài gửi Vnexpress để kiếm tiền trang trải trên đường. Mọi người say: yes!!! Hura!!!

Tôi đã mượn được gần đầy đủ, chỉ thiếu 1 thứ quan trọng duy nhất là chiếc xe đạp. Tôi liên hệ với mấy hãng xe nhưng không xin được tài trợ, nghĩ mãi không ra, cũng xác định sẽ kiếm một chiếc xe cà tàng rồi, thì hôm đó, trước khi khởi hành 4 ngày tôi gặp anh Tâm Ngô Đồng qua một cuộc nhắn tin trên Facebook, anh cho tôi mượn chiếc xe đạp, dẫn tôi đến chỗ chị Nhã Salamon Việt Nam để xin tài trợ cho tôi một bộ quần áo và một đôi giày để tôi sử dụng trên đường (trước đó chị Nhã hay giúp đỡ/tài trợ cho các bạn đi xuyên Việt). Sau đó, hai anh em cùng nhau đến nhà Thầy Hùng (Chủ tịch Thái Hà Book) xin thầy trợ giúp, vì anh Tâm cũng đang chuẩn bị cho chuyến đi bộ xuyên Việt đến thăm các trại trẻ mồ côi, còn tôi muốn gây một chút quỹ nhỏ mua áo ấm cho mấy đứa trẻ ở Cột Mốc, Vân Hồ, Sơn La.

Phạm Thành Nam (đi bộ xuyên Việt), tôi, anh Dũng (chạy bộ xuyên Việt) và anh Tâm (đi bộ xuyên Việt), trên tay là hộp ô mai của My.

Buổi tối hôm đó trước ngày lên đường, tôi và anh Tâm đến ăn cơm tối tại nhà Thầy Hùng, ở đó gặp Phạm Thành Nam (sau này Nam đi bộ xuyên Việt), và Thầy đã chỉ bảo chúng tôi rất tận tình để chuẩn bị cho chuyến đi, thầy tặng tôi hai câu thần chú đã giúp tôi đi hết được Đông Nam Á, đó là : “Cứ đi rồi sẽ đến, cứ gõ cửa sẽ mở”. Câu nói này không chỉ giúp tôi xin ngủ nhờ, trợ giúp trên đường mà còn giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống.

Tối hôm đó mấy Thầy trò, cùng các bạn trong CLB yêu sách Thái Hà ngồi đến khuya để giúp tôi – người khởi hành đầu tiên.

Hôm đó Thầy dặn ba thằng chúng tôi :”Mấy đứa đi nhớ viết nhật ký, về thầy xuất bản sách”, và tôi làm theo lời Thầy, hôm nay viết sách gửi Thầy xuất bản ^^

Anh Dũng (chạy bộ xuyên Việt) bạn anh Tâm cho tôi mượn chiếc áo khoác của Salamon tặng để che nắng trên đường, em My tặng tôi hai hộp ô mai Hà Nội và bạn gái tôi lúc đó cũng gói ghém cho tôi một đống đồ đạc.

WOW!!!

Vậy đó, tôi đã nhận biết bao nhiêu may mắn và sự giúp đỡ trước khi bắt đầu hành trình. Nhưng mọi chuyện có tiếp tục may mắn như thế không? Chuyện trên đường có thực sự dễ dàng? Chúng ta sẽ cùng nhau chờ đón trang tiếp theo bạn nhé!

Có lẽ một bài học sâu sắc nhất nếu nói về việc chuẩn bị, tôi sẽ chọn câu nói của Thầy Hùng : “Cứ đi rồi sẽ đến, cứ gõ rồi cửa sẽ mở”, hay một câu khác tôi thường hay trích dẫn từ cuốn Nhà Giả Kim – cũng có là cuốn sách thôi thúc tôi bắt đầu chuyến đi của mình : “Khi bạn khát khao điều gì, cả vũ trụ sẽ giúp bạn đạt được điều đó!”.

Hai câu thần chú này đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong suốt hành trình Thanh Xuân của mình…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

Tây Bắc chào đón tôi bằng những con đèo

Rời Hồng Đà, tạm biệt Tuân, tôi men theo sông Đà lên Hòa Bình, cảnh hai bên đường rất thanh bình. Trên đường đi tôi có ghé Tu Vũ, một địa danh lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Qua lời kể của anh Cường, một người dân ở Tu Vũ tôi biết rằng […]

Tháng Chín 11, 2021

May mắn là tôi đã không nghe theo lời chú sửa xe đạp ở Hà Nội nói…

Có bao giờ lời nói của những người xung quanh ảnh hưởng tới một quyết định nào đó, sau này khiến bạn phải hối hận? Khi tới Phú Thọ, ngày thứ 3 của hành trình tôi mang người bạn đồng hành đến một quán sửa xe đạp trong chợ Việt Trì, đó là lần đầu […]

Tháng Chín 11, 2021

Thử thách xin ngủ nhờ người lạ ở đồng bằng lần đầu tiên!

“Sau này lớn lên nhớ đi hết Việt Nam em nhé!” Tạm biệt gia đình chị Hằng, tôi hướng về phía Hòa Bình, đến đoạn … gần xã Hồng Đà tôi thấy một cậu bé đạp xe trên bờ đê gọi với xuống: CỐ LÊN ANH ƠI!!! Cảm ơn em, em tên là gì? Em […]

Tháng Chín 10, 2021

Những người bạn ở Phú Thọ giúp tôi sốc lại tinh thần trong những ngày đầu tiên

Tôi hơi shock sau ngày đầu tiên đạp xe, tôi thấy mình yếu dù đã tập luyện thể lực bằng cách chạy bộ trước đó một thời gian, nhưng chỉ mấy con dốc nhẹ như những gợn sóng nhỏ trên đường từ thị trấn Phúc Yên đi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã làm […]

Tháng Chín 9, 2021

Nhật ký hành trình chuyến đạp xe xuyên Việt

Lời mở đầu cho gần 7 năm chờ đợi. Bạn thân mến, Tôi biết ơn bạn vì đã dành thời gian đọc những dòng chữ này, để tôi có dịp được trò chuyện với bạn, kể cho bạn nghe về hành trình Tuổi Trẻ của tôi: với hai chuyến đi khám phá Việt Nam và […]

Tháng Chín 7, 2021