
Thử thách xin ngủ nhờ người lạ ở đồng bằng lần đầu tiên!
“Sau này lớn lên nhớ đi hết Việt Nam em nhé!” Tạm biệt gia đình chị Hằng, tôi hướng về phía Hòa Bình, đến đoạn … gần xã Hồng Đà tôi thấy một cậu bé đạp xe trên bờ đê gọi với xuống: CỐ LÊN ANH ƠI!!! Cảm ơn em, em tên là gì? Em […]
“Sau này lớn lên nhớ đi hết Việt Nam em nhé!”
Tạm biệt gia đình chị Hằng, tôi hướng về phía Hòa Bình, đến đoạn … gần xã Hồng Đà tôi thấy một cậu bé đạp xe trên bờ đê gọi với xuống:
- CỐ LÊN ANH ƠI!!!
- Cảm ơn em, em tên là gì?
- Em tên Sự, anh đang đi đâu thế ?
- Anh đang đi xuyên Việt, em học lớp mấy rồi?
- Em học lớp 7
- Nhà em ở đâu?
- Nhà em ở gần đây
Hai anh em người đạp trên bờ đê, người dưới đường nhựa gọi với lên nói chuyện cùng nhau, cũng có lúc hai anh em cứ đạp mà không nói lời nào, gần đến nhà cậu bé gọi với xuống: “Em đến nhà rồi, anh vào nhà em chơi đã!”, lúc đó trời cũng dần tối rồi nên tôi tạm biệt cậu bé, chẳng hiểu sao khi ấy tôi hét với lên:
– “Lớn lên nhớ đạp xe đi hết Việt Nam em nhé!”
– Vâng!
Giờ cậu bé ngày ấy cũng đang là một cậu sinh viên 20 tuổi rồi, không biết Sự có nhớ cuộc trò chuyện với hai anh em không, nhưng thú thực, trên những chặng hành trình nào đi chăng nữa, một lời động viên những lúc cô đơn cũng vô cùng quý giá. Còn chuyện đi hết Việt Nam, cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu có thể, mỗi người trẻ Việt Nam nên đi xuyên Việt ít nhất một lần, tôi nói vui với mấy đứa bạn rằng: Anh nghĩ đây là một “nghĩa vụ” của Tuổi Trẻ.
Sau chuyến đi xuyên Việt lần đầu tiên tôi nhận ra rằng Việt Nam – quê hương mình rất đẹp và giàu có về cả cảnh quan lẫn văn hóa, con người, sau này đi Đông Nam Á càng khẳng định thêm về nhận định đó, Việt Nam mình đẹp không thua kém gì các nước khác trong khu vực, đa dạng về địa hình và phong phú phong tục tập quán 54 dân tộc anh em. Các bạn trẻ nếu chưa đi xa được có thể đi hết Việt Nam để khám phá hết Quê hương mình, xem khác biệt vùng miền ra sao, đi để mở rộng tầm mắt, để thấy và hiểu sự khác biệt, tôi tin chắc đó sẽ là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Và chi phí cũng không hề tốn kém nếu đi kiểu du lịch bụi.

Chiều hoàng hôn diệu kỳ
Trở về với buổi chiều cuối cùng của tôi ở Phú Thọ, lúc tạm biệt Sự trời cũng mờ tối, tôi dừng xe ngang đường và bắt gặp một cảnh hoàng hôn đẹp đến mức tôi không muốn đi tiếp nữa, dựa xe vào cột mốc lộ giới, chỉ ngồi đó và ngắm nhìn. Tất cả mọi thứ xung quanh đều yên tĩnh, tôi cứ ngồi đó cho đến khi mặt trời lặn và sực nhớ ra là đêm nay mình còn chưa có chỗ ngủ.

Trải nghiệm lần đầu tiên xin ngủ nhờ ở đồng bằng
Tôi nhận ra mình đang ở giữa một không gian vắng vẻ, thưa người, ở đây có vẻ thích hợp cho việc xin ngủ nhờ qua đêm. Trước đó trong những chuyến đi Tây Bắc tôi đã từng xin ngủ nhờ một lần trong nhà một anh người Mông ở Tây Bắc, nhưng đó là trên núi cao, bạn có thể dễ dàng xin ngủ nhờ trong một bản làng, còn ngủ nhờ nhà người Kinh dưới đồng bằng thì đây là lần đầu tiên…
Tôi rẽ vào gia đình đầu tiên – một trang trại nuôi vịt, tôi nghĩ rằng xin ngủ nhờ những gia đình không quá khá giả mọi người sẽ đỡ lo lắng về an ninh và dễ dàng cho mình nghỉ lại. Cả nhà đang ngồi ăn cơm trong một căn nhà cấp 4, lần đầu tiên nên thú thực tôi hơi run, như bạn đã biết rằng bản tính tôi hay ngại, tôi lắp bắp nói rằng mình đang đi đạp xe xuyên Việt và muốn xin tá túc lại một đêm, gia đình rất thân thiện nhưng không cho tôi nghỉ lại được vì trong nhà không có đủ chỗ.
Không biết bạn có nhớ phim Tây Du Ký không? Tôi cũng lễ phép như Sư Phụ và Sa Tăng chứ không phải kiểu của Bát Giới với Tôn Ngộ Không đi xin ngủ nhờ làm người ta chạy mất dép đâu, nhưng lần đầu tiên đã thất bại. Thằng bé con nhà anh chị ấy bảo tôi : “Chú lên cắm trại trên đê kia kìa, ở đây không sợ trộm đâu”…
Không sợ trộm, nhưng tôi sợ bóng tối…
Ầy! Có vẻ khó khăn rồi đây… Tôi quyết định đạp tiếp tầm 2km nữa đến khu vực đông dân cư phía trước.
Tôi ghé trạm bơm xin: người ta lắc đầu.
Tôi ghé quán nước ven đường: người ta lắc đầu tiếp.
Tôi đã lựa chọn cơ quan nhà nước và quán nước ven đường có đủ chỗ để dựng lều rồi mà vẫn không được sao? Trời càng lúc càng tối, tôi bắt đầu lo lắng, không biết phải làm sao bây giờ? Tự tin mỗi lúc một vơi, nhìn vào nhà này muốn xin nghỉ nhờ nhưng nhà to quá sợ họ từ chối, nhà kia nhỏ quá, chắc gì họ đã cho mình vào? Cứ khất lần, khất lần, cho đến khi tôi tìm được một căn nhà vừa xây xong, tường còn nguyên màu vữa mới chát chưa sơn với cánh cửa mở và khoảng sân rộng, tôi sẵn sang tinh thần trường hợp xấu nhất sẽ xin cắm trại nhờ ngoài sân.
“Chào em! Anh đang đi xuyên Việt, đến đây trời tối quá muốn xin cắm trại nghỉ qua đêm ở đây, đây là giấy tờ tùy thân của anh, em có thể cho anh nghỉ lại một đêm được không?”
“Dạ được! Anh vào trong nhà mà ngủ này!”
Tôi ngỡ ngàng khi nghe cậu ấy nói vậy.
- Bố Mẹ em đâu?
- Bố Mẹ em đi làm xa có mình em ở nhà thôi
- Mình em ở nhà mà cũng dám cho anh ngủ nhờ không sợ à?
Cậu ấy chỉ cười, cậu ấy tên là Tuân, học lớp 11, ở xã Hồng Đà.
- Tại sao ở đây lại có tên Hồng Đà thế em?
- Vì ở xã em là nơi giao giữa con song Hồng và sông Đà
- Bố Mẹ em đi làm xa có hay về không?
- Bố Mẹ em đi thu mua tóc rối ở Hòa Bình, Thanh Hóa ít về nhà, Bố Mẹ em đi mua tóc rối cũng toàn xin ngủ nhờ nhà đồng bào ở đó.
Tối đó Tuân nấu cơm cho tôi ăn, hai anh em trò chuyện một lúc rồi lăn ra cái chiếu giữa nhà ngủ say sưa. Đó là trải nghiệm xin ngủ nhờ lần đầu tiên của tôi, một chút khó khăn ban đầu, sau này tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, đi khắp Đông Nam Á xin ngủ nhờ trở thành một kỹ năng quen thuộc, nhưng cũng có nhiều lần phải ngủ vỉa hè, ghế đá, tôi hay nói đùa là xin cả xã không ai cho.
Không biết giờ Tuân giờ ra sao? Không biết thằng bé học không giỏi ấy có học một cái nghề nào đó, tìm ra điều nó yêu thích hay không? Nhưng tôi tin những người nhân hậu như Tuân sẽ gặp nhiều may mắn.

Tuân, cậu em cho tôi ngủ nhờ tại Hồng Đà.
Tại sao lại xin ngủ nhờ?
Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi không tìm nhà nghỉ, khách sạn? Chuyến đi của mình tôi muốn tự thử thách bản thân bằng việc mang theo ít tiền, và xin ngủ nhờ vừa để tiết kiệm chi phí, vừa để trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa.
Qua việc xin ngủ nhờ, xin nước uống ven đường, tôi có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu, trò chuyện và kết bạn cùng người dân. Qua những lần ngủ nhờ đó mà giờ tôi có thêm những người bạn thân thiết ở khắp nơi trên cả nước và cả nước ngoài.
*Kinh nghiệm xin ngủ nhờ: sẽ rất khó để xin ở khu trung tâm, khu đân cư đông đúc, thành phố vì lý do giờ nhiều người lừa đảo, mất an ninh. Nhưng đến các vùng núi, hay những khu ngoài đảo, nơi hoang sơ, đời sống người dân còn chưa phát triển bạn có thể xin ngủ nhờ ở nhà Trưởng bản, Công an viên… Nhớ mang theo giấy tờ tùy thân và có càng nhiều bằng chứng để chứng minh rằng mình là người tử tế, lương thiện và đi có mục đích rõ ràng càng tốt. Tôi thường sử dụng cách này khi đến nơi không có nhà trọ, và muốn được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa.
Bạn có thể đọc các bài viết khác trong cuốn sách Đạp xe 11 nước Đông Nam Á: chặng 63 tỉnh thành Việt Nam của tôi tại đây: Mục lục nội dung