Tây Bắc chào đón tôi bằng những con đèo

Rời Hồng Đà, tạm biệt Tuân, tôi men theo sông Đà lên Hòa Bình, cảnh hai bên đường rất thanh bình. Trên đường đi tôi có ghé Tu Vũ, một địa danh lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Qua lời kể của anh Cường, một người dân ở Tu Vũ tôi biết rằng […]

Trần Việt Anh Tháng Chín 11, 2021

  • Chia sẽ:

Rời Hồng Đà, tạm biệt Tuân, tôi men theo sông Đà lên Hòa Bình, cảnh hai bên đường rất thanh bình. Trên đường đi tôi có ghé Tu Vũ, một địa danh lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Qua lời kể của anh Cường, một người dân ở Tu Vũ tôi biết rằng nơi đây từng là nơi mở đầu cho chiến dịch Hòa Bình vào tháng 12 năm 1951, đó cũng là trận chiến đầu tiên mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xa xa, tôi bắt đầu thấy những dãy núi nhấp nhô, Hòa Bình là cửa ngõ bước vào Tây Bắc, tôi có một chút lo lắng khi nghĩ tới những con đèo, chỉ những con dốc như đường đi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc) đã khiến tôi mệt phờ người, sắp tới toàn đèo dốc không biết sẽ thế nào?

Phía bên kia sông là núi Ba Vì, là Hà Nội. Tôi thực sự xa nhà…

Đến Hòa Bình, tôi gặp Giang, một người bạn mà Hạnh (bạn thân của tôi) đã liên hệ giúp, Giang giúp tôi đến nhà anh Dương – người Mường, đang là giáo viên trường chuyên Hòa Bình để ngủ nhờ, tôi ở lại Hòa Bình 3 ngày vì xe lại có sự cố, tôi nghĩ rằng lần sửa ở Việt Trì đã ổn thỏa cả rồi nhưng không phải. Tới Hòa Bình cũng không tìm được quán sửa xe nào chuyên nghiệp, càng đi xa Hà Nội đồ sửa xe càng thiếu. Mỗi ngày tôi đi bộ ra hàng sửa xe chờ, có những lúc thực sự lo lắng, sốt ruột. Khi rời khỏi Hà Nội, sau khi mua sắm thêm đồ đạc cho xe, tôi chỉ mang theo 600,000đ trong người, sửa xe ở Việt Trì đã tốn một khoản.

Giang – người bạn đã giúp đỡ tôi những ngày ở Hòa Bình.

Hòa Bình là xứ sở của người Mường, những ngày ở đây, Giang dẫn tôi đi thăm thủy điện, lên tượng Bác Hồ, anh Dương dẫn tôi đến đài tưởng niệm nơi cất giữ bức thư mà các kỹ sư người Nga viết lại cho hậu thế, đúng 100 năm sau mới được mở ra, tôi tò mò không biết có gì ở trong đó. Tôi và anh Dương trò chuyện rất nhiều, anh chia sẻ với tôi góc nhìn và cho tôi một vài lời khuyên về việc khi đi nên tìm điều gì đó thiết thực để giúp đỡ bà con.

Chiếc xe cuối cùng cũng được sửa xong, sửa đi được chứ vẫn còn nhiều lỗi lặt vặt, tôi quyết định cứ đi tiếp, hỏng đâu sửa đó. Tôi chia tay gia đình anh Dương, chia tay Giang lên đường đi Mai Châu.

Anh Dương, anh Tuấn giáo viên trường chuyên ở Hòa Bình và hai cậu em là cháu hai anh đang theo học cùng chú. Những người bạn Mường đầu tiên tôi gặp trên đường.

Những con dốc đầu tiên

Ngay khi ra khỏi Hòa Bình tôi gặp con dốc đầu tiên, đó là dốc Cun, tôi đã lường trước sẽ gặp con dốc này vì những lần đi Mộc Châu tôi thuộc hết tên những con đèo, con dốc lớn trên trục đường này. Dốc Cun trong tâm trí của tôi không có gì khó khăn cả, nhưng đó là đi xe máy.

Khi vừa đến chân dốc, tôi chỉ đạp được một đoạn rất ngắn rồi không sao đạp nổi. Tôi nhảy xuống dắt bộ. Không đạp được thì dắt có sao đâu. Nhưng bạn biết không, dắt bộ tôi cũng mệt bở cả hơi tai, mồ hôi nhễ nhại, đi được một đoạn là thở phì phò. Mệt khủng khiếp. Ngày đó đi tôi không có nhiều kinh nghiệm, đằng sau mang tới 20kg đồ: laptop, máy ảnh, lều, đồ sửa xe, quần áo, sách… tôi nhét đầy hai chiếc túi phía sau.

Bây giờ tưởng tượng lại khuôn mặt mình lúc đó nhăn nhó, cau có, nhễ nhại mồ hô thấy buồn cười, chứ ngày đó tôi căng thẳng. Dắt bộ lên dốc một đoạn 50m lại dừng thở một lần, người đổ nhiều mồ hôi, mệt, nóng và mệt mỏi đôi khi không hẳn là về thể xác mà mệt tinh thần. Mới con dốc đầu tiên mà đã như thế này? Những chặng đường tiếp theo sẽ như thế nào đây? Hôm nay tôi có 80km, đích đến là Mai Châu, còn cả đèo Đá Trắng nữa.

Tôi vừa đạp vừa dắt, đoạn nào đạp được thì đạp, không đạp được lại nhảy xuống dắt bộ. Thực ra mệt mỏi chỉ thời gian đầu, về sau dần dần thành quen, dốc hả? Không đi được thì dắt, dốc cao mấy cũng qua, có lần tôi dắt bộ nguyên một ngày mới hết 30km đèo Ô Quy Hồ, một trong những con đèo dài nhất Việt Nam, sau con đèo đó chẳng còn con dốc nào cũng dễ dàng hơn.

travel blogger trần việt anh dulichbui24
Tấm ảnh này tôi được chị Mai Thu chụp trên đường đi Tân Lạc, cả chuyến đi ở Việt Nam đây là tấm ảnh được người khác chụp đầu tiên và là tấm tôi yêu thích nhất.

Nhưng đấy là chuyện của tương lai, còn ngày đầu tiên tôi vẫn mệt phờ. Tầm 1h30, sau khi đánh chén một bát mì tôm với hai quả trứng ở Tây Phong, tôi tới Tân Lạc, vô tình gặp anh Dũng và chị Thu trong nhóm Nụ Cười ở đó, chị Thu nhận ra tôi khi đang ngồi nghỉ ở một quán nước ven đường. Hai anh chị cũng đi Mai Châu, anh chị rủ tôi tối nay tới Mai Châu anh chị lo cho chỗ ăn ngủ, vậy là hôm đó lại gặp may.

Bữa trưa ngang đường.

Tạm biệt anh chị, tôi lóc cóc mãi tới 5h15 mới tới chân đèo Đá Trắng, phân vân không biết có nên đi tiếp hay không, tôi hỏi người dân ở chân đèo biết đèo dài 4km dốc lên, tôi quyết định vượt đèo, nhưng 4km dốc lên với người đi xe máy rất nhanh, còn với người dắt bộ, và cả ngày mệt nhoài với đèo dốc, với những trận mưa thì không dễ dàng chút nào.

6h tối, sau 45 phút tôi mới đi được 2km, trời dần tối, lên đến khu hàng quán ở lưng đèo là dắt bộ hoàn toàn, tôi không còn sức để đạp thêm nữa. Lúc 7h kém trời tối mịt, sương đêm bắt đầu xuống, tôi vốn sợ tối, đi qua đèo có mấy cái miếu, lúc đó trên đường vắng, hầu hết là đi một mình, càng làm tôi sợ và mệt thêm. Lúc đó 100m đường tưởng như dài vô tận. Tiếng chim rừng nghe ma quái. Đi qua miếu sợ quá tôi tưởng tượng ra ai đó đang ngồi sau xe mình, trí tưởng tượng giúp con người có nhiều ý tưởng thú vị, nhưng đôi khi cũng khiến con người tự vẽ ra những điều tiêu cực để dọa nạt chính mình.

Lên đến lưng đèo Thung Khe (hay còn gọi là Đá Trắng) lúc chiều tà.

Mãi tới 7h15 tôi mới lên tới đỉnh dốc, vui sướng quá vì không còn phải dắt bộ nữa mà bắt đầu đến đoạn thả dốc. Nhưng trời tối mịt, tôi không nhìn rõ đường mà chỉ nhìn thấy vạch kẻ trắng phân làn. Vừa thả dốc vừa bóp cả hai phanh. Tôi còn không có cả đèn pin nữa, vì nghĩ rằng sẽ không đi vào lúc trời tối nên không chuẩn bị, đành phải lấy đèn pin chiếc điện thoại ra soi, ngày đó còn dùng điện thoại đen trắng ánh sáng lờ mờ chứ không như bây giờ.

Suýt ngã khi đổ đèo xuống Mai Châu

Tôi lao xuống dốc. Tập trung giữ tay lái. Xe lao đi nhanh trong đêm cũng rất nguy hiểm. Vừa đi vừa cầu khẩn. Vừa đi vừa nghĩ tới bạn bè đang đợi mình ở phía trước để sốc lại tinh thần. Có đoạn gặp được hai anh đi xe máy phía trước tôi bám theo. Đến đoạn nhìn thấy thị trấn Mai Châu tôi thấy mừng quá thành ra chủ quan, xe đang lao nhanh xuống dốc bỗng dưng có tiếng HUỴCH một cái rất to, cả xe, người, túi đựng quần áo trong giỏ xe nảy lên trên không trung, tôi còn nhớ như in cái khoảnh khắc đấy, như một cảnh quay slomotion trong phim Ma trận, chiếc túi từ từ bay lên trên không trung, và khoảnh khắc đó tôi nghĩ : “Thôi… Xong rồi!” thì may mắn vô cùng, bánh xe chạm đất thăng bằng, xe tiếp tục lao đi. Ơn Trời!!! Không thể tin được. Lúc đó gai ốc còn không kịp nổi, vừa sợ, vừa mừng vui lẫn lộn…

Từ lần đó trở đi tôi không đi vào buổi tối nữa. Vừa trải qua lần suýt ngã đó, chị Mai Thu gọi và báo mọi người đang chờ cơm ở Pom Coọng.

7h45 tôi đặt chân đến Pom Coọng, ngày đầu tiên Tây Bắc chào đón tôi bằng những con đèo, với cả nắng và những trận mưa rào, nhưng cuối cùng cũng vượt qua. Và cuối cùng, là một mâm cơm đầy đồ ăn ngon, những người bạn mới quen, gia đình anh Thắng người Thái Trắng chờ đợi tôi trong căn nhà sàn. Thật tuyệt phải không nào?

Bữa cơm người Thái Trắng tại gia đình anh Thắng, bạn anh Dũng, chị Thu.

Bữa tối hôm đó tôi may mắn được thường thức những món ăn đặc sản do gia đình anh Thắng chuẩn bị để chiêu đãi anh Dũng và chị Mai Thu, trong đó có món Chôm đặc sản một năm chỉ có vài tháng, rượu mai hạ, rượu phấn hoa. Tôi chẳng biết vì điều gì, nhưng đêm đó tôi bị dị ứng nổi kín người không tài nào ngủ được, sáng hôm sau toàn thân, không một chỗ nào không sưng phù, tất cả các vùng da trên cơ thể… Tôi bị ngộ độc thực phẩm hay dị ứng côn trùng không biết nữa – nhưng toàn thân không còn chút sức lực nào.

Xin chào Tây Bắc!

Món chôm, tôi nghĩ đây là tác nhân chính gây ra việc mình bị ngộ độc sưng phù hết cả người.

Bạn có thể đọc các bài viết khác trong cuốn sách Đạp xe 11 nước Đông Nam Á: chặng 63 tỉnh thành Việt Nam của tôi tại đây: Mục lục nội dung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

May mắn là tôi đã không nghe theo lời chú sửa xe đạp ở Hà Nội nói…

Có bao giờ lời nói của những người xung quanh ảnh hưởng tới một quyết định nào đó, sau này khiến bạn phải hối hận? Khi tới Phú Thọ, ngày thứ 3 của hành trình tôi mang người bạn đồng hành đến một quán sửa xe đạp trong chợ Việt Trì, đó là lần đầu […]

Tháng Chín 11, 2021

Thử thách xin ngủ nhờ người lạ ở đồng bằng lần đầu tiên!

“Sau này lớn lên nhớ đi hết Việt Nam em nhé!” Tạm biệt gia đình chị Hằng, tôi hướng về phía Hòa Bình, đến đoạn … gần xã Hồng Đà tôi thấy một cậu bé đạp xe trên bờ đê gọi với xuống: CỐ LÊN ANH ƠI!!! Cảm ơn em, em tên là gì? Em […]

Tháng Chín 10, 2021

Những người bạn ở Phú Thọ giúp tôi sốc lại tinh thần trong những ngày đầu tiên

Tôi hơi shock sau ngày đầu tiên đạp xe, tôi thấy mình yếu dù đã tập luyện thể lực bằng cách chạy bộ trước đó một thời gian, nhưng chỉ mấy con dốc nhẹ như những gợn sóng nhỏ trên đường từ thị trấn Phúc Yên đi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã làm […]

Tháng Chín 9, 2021

Tại sao tôi lại có cái ý định “không bình thường” đó?

Tôi nhớ một lần xem tin tức trên Facebook blogger Đinh Hằng có chia sẻ về một cụ ông tên Derek, ông ấy bị ung thư và đang đạp xe vòng quanh Thế Giới đến chết, tôi đã bị ấn tượng rất mạnh bởi câu chuyện của người đàn ông đó. Tôi nghĩ trong đầu […]

Tháng Chín 8, 2021

Nhật ký hành trình chuyến đạp xe xuyên Việt

Lời mở đầu cho gần 7 năm chờ đợi. Bạn thân mến, Tôi biết ơn bạn vì đã dành thời gian đọc những dòng chữ này, để tôi có dịp được trò chuyện với bạn, kể cho bạn nghe về hành trình Tuổi Trẻ của tôi: với hai chuyến đi khám phá Việt Nam và […]

Tháng Chín 7, 2021