Những đứa trẻ ở bản Cột Mốc – Mộc Châu

Những đứa trẻ cởi truồng, đi chân đất vào mùa đông ở Cột Mốc – Mộc Châu. Tôi và Hiền tìm đến Cột Mốc với những đứa trẻ. Tìm đến những ánh mắt ngây thơ hút mất hồn tôi không biết từ bao giờ. Bạn bè hay đùa tôi bị cô gái dân tộc nào […]

Trần Việt Anh Tháng Hai 3, 2014

  • Chia sẽ:

Những đứa trẻ ở Cột Mốc - Mộc Châu

Những đứa trẻ cởi truồng, đi chân đất vào mùa đông ở Cột Mốc – Mộc Châu.

Tôi và Hiền tìm đến Cột Mốc với những đứa trẻ. Tìm đến những ánh mắt ngây thơ hút mất hồn tôi không biết từ bao giờ. Bạn bè hay đùa tôi bị cô gái dân tộc nào bỏ bùa, tôi chỉ cười không thanh minh. Nghĩ lại thấy cũng đúng, có lẽ tôi đã bị bỏ bùa. Nhưng người bỏ bùa tôi không phải một cô gái dân tộc, mà là cả đất trời Tây Bắc và đôi mắt của những đứa trẻ ngây thơ. Tây Bắc lôi cuốn và quyến rũ lạ kì.
Tới Cột Mốc vào một ngày đẹp trời. Hôm ấy là ngày 18 tháng 1.2014.  Sau gần 8 tiếng chạy xe máy, vượt qua quãng đường 250km, vượt qua những con đèo quanh co dốc thoải chúng tôi tới Cột Mốc lúc chiều tàn. Mang theo một ít vở, quần – áo ấm, tất, mũ len, bánh kẹo (quà của những người bạn tuyệt vời mà tôi sẽ nhắc tới họ ở cuối bài viết thay cho lời cảm ơn.). Chúng tôi tới đây mong muốn được làm một điều gì đấy ý nghĩa cho những đứa trẻ nơi này vào dịp cuối năm.

Cột Mốc ảm đạm và u tối

Những con đường đất lầy lội, những mái nhà liêu xiêu. Nằm thu mình dưới chân dãy Pha Luông, Cột Mốc là một trong những bản nghèo nhất huyện Mộc Châu (giờ là huyện Vân Hồ), là nơi sinh sống của người Mông Lai, có gần 100 hộ dân. Và điện mới về đến bản cách đây gần 5 tháng.

“Không gian u ám – những con đường đất gồ ghề lầy lội – hàng rào liêu xiêu – đứa trẻ tật nguyền – những con dê – bộ lông màu đen óng của chúng – khói tím trên mái nhà – tiếng kêu la – u ám – ma quỷ – vắng người – rung mình”. Đấy là những ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân tới Cột Mốc, tôi giật mình khi nhìn thấy đứa bé này. Tôi chưa thấy hình ảnh tương tự như thế bao giờ, bạn thử tưởng tượng giữa cái thời tiết cuối đông chúng tôi phải mặc thật nhiều áo ấm mà vẫn lạnh thì ở đây – giữa những đống sỏi đá, bên cạnh chuồng trâu, bên cạnh những con dê hôi hám đang kêu la ầm ĩ… có một đứa trẻ nhỏ dò dẫm những bước đi bằng tay, không mặc quần và toàn thân tím ngắt vì lạnh. Tôi quyết định đến gần hơn để gặp đứa trẻ này.

Khi tôi vừa ghi lại một vài bức hình, có tiếng người phụ nữ gọi phía xa cách đấy khoảng chừng 30m. Mẹ thằng bé gọi nó về, tôi lo lắng người phụ nữ này sẽ xua đuổi và chửi mắng mình… nhưng ngược lại, cô ấy rất thân thiện. Sau khi hỏi chuyện tôi biết được tên thằng bé là Hờ A Di (hoặc có thể là H’ A Di) 12 tuổi. Khi mới sinh được 3 tháng, một cơn sốt khiến thằng bé mù mắt. Kể từ đấy đôi tay thay cho mắt. Do bố mất sớm, thằng bé chưa có giấy khai sinh nên không nhận được hỗ trợ từ nhà nước, mẹ nó mới vừa ra huyện làm cách đây ít ngày. Tên nó là Hờ A Di…

Tôi chia tay cô H’ Thị La và đứa trẻ đi tìm nhà trưởng bản xin ngủ nhờ. Buổi sáng ngày hôm sau khi đi tới từng nhà tặng quà, tôi tìm lại nhà cô, hỏi thăm về đứa trẻ tật nguyền.

Tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ trên quả đồi, thằng bé ngồi một mình bên bếp lửa. Không phải! Chính xác hơn thì nó gật gù bên bếp lửa. Cảm xúc của tôi thật khó tả, hình ảnh thằng bé này theo tôi từ tận chiều tối hôm qua – ngay sau lần đầu tiên gặp nó đến bây giờ. Tôi đặt miếng kẹo lạc vào tay nhưng thằng bé không ăn.

Tôi quên là mắt nó không nhìn được…

Mãi tới khi những người phụ nữ nhà gần đấy (tôi vừa tới thăm và hỏi đường) tới, nói vài câu tiếng H’Mông và sau khi tôi bóc vỏ kẹo nữa… thằng bé mới cho vào mồm, nhai ngấu nghiến và… cười tươi. Chắc hẳn thằng bé đang vui lắm!

http://www.youtube.com/watch?v=DCrRiAixAVY

Người phụ nữ này là Hờ Thị La (mẹ của Hờ A Di). Còn đứa trẻ nhỏ là Hờ Thị Dùa cháu nội của bà.

“Mẹ của đứa trẻ này chết sau 7 ngày sinh nó, ốm chết” – bà La kể lại với chúng tôi. Mẹ Dùa chết, bố Dùa lấy vợ mới, vợ mới không thương nó nên bà phải chăm. Chúng tôi tặng cho bà một ít tất, quần áo và tiền rồi ra về.

Ở Cột Mốc không có nhiều gia đình hoàn cảnh đặc khó khăn như thế, nhưng nhìn chung còn rất nghèo. Những ngôi nhà dựng bằng gỗ tạm bợ, bên trong không có lấy một đồ đạc giá trị (ngoài chiếc máy khâu). Nhà nào giàu thì có thêm chiếc xe máy. Mỗi nhà có trung bình có 3 – 5 đứa trẻ. Cái nghèo, cái đói chắc sẽ rất lâu nữa mới chịu buông tha nơi này.

Dù  nghèo đói nhưng nụ cười vẫn luôn trên môi những đứa trẻ và người dân ở đây. Có lẽ họ sinh ra ở trong cái nghèo, cái đói nên đã quen.

Sau khi rời nhà H’ A Di, chúng tôi tặng thêm tất và quần áo cho những đứa trẻ chơi trên đường rồi quay về nhà “cô giáo”  để nhờ cô chỉ giúp nhà em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vừa tìm được nhà cô, một chú bồ đội biên phòng đến… áp giải chumgs về công an xã Tân Xuân vì hành vi đến khu vực biên giới mà không được sự đồng ý của chính quyền.

Rất may là chúng tôi không bị xử phạt hành chính và được cho phép quay trở lại bản. Nhưng tiếc là đã qua trưa, chúng tôi còn phải quay trở lại Hà Nội để kịp đi làm vào sáng ngày mai. Dù muốn được tận tay đưa quà cho bọn trẻ nhưng tôi và Hiền đành phải gửi quà lại ủy ban nhân dân xã. Nhờ chú Quán chủ tịch xã và anh Khoa trưởng bản tặng cho bọn trẻ vào sáng thứ 2.

Sau chuyến đi này tôi có thêm một kinh nghiệm khá thú vị nữa. Chú Quán rất tốt bụng, chú nói nếu lần sau các cháu có quay lại thì gọi điện trước cho chú. Chú sẽ cho người hỗ trợ đi cùng các cháu tặng quà. Tôi có kịp xin lại số điện thoại, nếu bạn muốn đến đây có thể điện thoại trực tiếp cho chú Quán (0168 296 1466) chủ tịch xã Tân Xuân nhé!

Hiền chụp ảnh kỷ  niệm sau khi giải trình với chú chủ tịch ủy ban nhân dân xã và chú bộ đội biên phòng.

Một vài hình ảnh trong chuyến đi Cột Mốc của chúng tôi:

Trường mầm non Cột Mốc.

Chân đất và không mặc quần.

Tôi chụp chung với 2 đứa trẻ đang thêu trước hiên nhà. Cô bé này chỉ khoảng 4 tuổi nhưng đã biết thêu thổ cẩm và thêu cũng rất đẹp.

Bọn trẻ thích thú khi nhận tất và bánh kẹo.

Bố mẹ chúng cũng ra xem, một số người gọi con về vì sợ bị bắt cóc. Gần đây tình trạng bắt cóc trẻ em dân tộc bán sang biên giới đang tăng cao.

Khuôn mặt xinh xắn và đôi mắt ngây thơ.

Gia đình anh Khoa trưởng bản Cột Mốc.

Vợ chồng anh chị có 4 đứa con, đứa lớn học cấp 2 và đứa bé khoảng 4 tuổi. Chị vợ không biết nói tiếng Kinh.

Cột Mốc trong sương sớm.

“Mới đến chơi à? Ở lại đây uống rượu với anh!” – ” Anh già thế này rồi mới lấy vợ đây!” – “Chụp ảnh xấu hổ lắm!”

May mắn khi chúng tôi đến bản đang có đám cưới, cả bản đến ăn cưới mấy ngày liền. Đến tối các cô gái cùng nhau nhảy múa. Chuyến đi này tôi mới biết người dân tộc nghèo nhưng hiếu khách đến nhường nào. Khi bạn đến nhà của một người H’Mông bạn có thể coi đó là nhà của mình.

Ban thờ trong nhà chú rể.

Sáng sớm tôi đã được mời một chén rượu. Rượu rất ngon nhưng hơi nặng.

Đến Mộc Châu đúng mùa hoa mận nở.

Vẫn còn những cánh đồng hoa cải trắng.

Trên đường về còn một ít kẹo chúng tôi ghé vào Pa Khả (nằm trên QL6) đúng lúc bọn trẻ đang chơi ở sân.

Chia quà nào!

Nháy mắt dễ thương quá ^.^

Làm dáng chụp ảnh luôn!

Tổng tiền quyên góp được: 1.580.000 VNĐ

Tổng chi: 1.130.000 VNĐ

– Mua 100 đôi tất trẻ em x 5000 VNĐ/1 đôi (chợ Đồng Xuân) = 500.000 VNĐ

– Mua 30 chiếc mũ len x 15.000 VNĐ = 450.000 VNĐ

– Mua 1kg kẹo 80.000 VNĐ

– Tặng cô Hờ Thị La 100.000 VNĐ

Số tiền còn lại: 450.000 VNĐ

Số tiền này tôi sẽ dành để mua thêm quà cho chuyến đi kế tiếp.

Xin chân thành cảm ơn những người bạn đã góp tiền mua quà cho bọn trẻ ở bản Cột Mốc – Mộc Châu, cho dù họ có đọc được điều này hay không.

cot-moc-moc-chau

Những người bạn của tôi ở Viet-care:

– Chị Hằng Marketing 100.000 VNĐ

– Chị Huệ 100.o00 VĐ

– Bạn Tuyên 50.000 VNĐ

– Chị Chiến 50.000 VNĐ

– Chị Dương 50.000 VNĐ

– Chị Lệ 40.000 VNĐ

– Chị Bính 40.000 VNĐ

– Chị Định 50.000 VNĐ

– Em Nhàn 50.000 VNĐ

– Bạn Mai Mèo 50.000 VNĐ

– Chị Lơ 50.000 VNĐ

– Em Nguyệt 40.000 VNĐ

– Chị Trang 50.000 VNĐ

– Chị Linh 100.000 VNĐ

– Chị Hà 50.000 VNĐ

Tổng cộng: 880.000 VNĐ

Và cảm ơn những người bạn khác:

– Cảm ơn chị Tú Anh về thùng quần áo đã được giặt và gấp rất cẩn thận.

Cảm ơn những người bạn của Hiền:

Anh Nguyễn Đức Trí, anh Phong Lâm, anh Lê Quỳnh, chị Trần Ngọc Thủy, chị Anh Le, chị Mẹ Tít, chị Thu Hằng, chị Ruby Trần, chị Hường, chị Cao Hương, chị Diệp.
Tổng số tiền bạn của Hiền đóng góp: 700.000 VNĐ

Cảm ơn những trái tim ấm áp của mọi người! Cảm ơn vì đã tin tưởng và chung sức! Cảm ơn Hiền đã sát cánh với tớ! Cảm ơn Cột Mốc! Cảm ơn Mộc Châu về những kỷ niệm ngọt ngào!

Nếu bạn chuẩn bị đi phượt Mộc Châu, bạn có thể tham khảo bài viết chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Mộc Châu của tôi.

One thought on “Những đứa trẻ ở bản Cột Mốc – Mộc Châu

  1. Không hiểu sao nhưng đã từ rất lâu rồi Tôi rất thích nhìn ngắm hình ảnh những đứa trẻ dân tộc, Chúng cho Tôi một thứ tình cảm rất lạ mà Tôi kg thể giải thích nổi. Nhìn hình ảnh đứa bé tật nguyền khiến Tôi kg thể cầm đc nước mắt, cám ơn Bạn đã cho Tôi và những bạn khác thấy đc những hình ảnh này và hy vọng sẽ có nhiều và nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái sẵn sàng rộng tay chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết gợi ý

“Câu trả lời ngắn gọn nhất là hành động”

Có bao giờ lời nói, hành động, suy nghĩ của những người xung quanh khiến bạn cảm thấy không còn tự tin? Bao giờ những người đó chính là người xung quanh bạn? Nếu bạn đã và đang ở trong trạng thái đó, hãy để tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của tôi. […]

Tháng Tám 31, 2021

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng

1. Niềm đam mê du lịch của em có từ lúc nào? Chuyến đi lần đầu tiên của em là ở đâu? Niềm đam mê du lịch của tôi có từ lúc nào nhỉ? Trong ký ức lâu nhất mà tôi còn nhớ được, cũng là một giấc mơ tôi đã từng mơ rất nhiều […]

Tháng Tám 30, 2021

Bản nháp Lời tựa cuốn sách đạp xe 63 tỉnh thành Việt Nam

Năm 17 tuổi, đã có lúc, tôi nghĩ tới việc lao đầu vào ô tô để kết liễu cuộc đời mình, sau những lần chứng kiến những cuộc chiến tranh của Bố Mẹ, và đã có lúc tôi tham gia vào cuộc chiến ấy như một con thú với tất cả bản năng hoang dại […]

Tháng Tám 29, 2021

Đi như thế nhỡ hỏng xe thì phải làm sao?

Đó là một câu hỏi rất hay và cũng có nhiều người từng hỏi mình câu đó. Phải làm sao nhỉ? Mình có cả một bộ dụng cụ sửa xe ở đằng sau chiếc balo, cờ lê, bộ vá xe được WETREK tài trợ, mình mua theo cả săm dự phòng để thay khi cần. […]

Tháng Tám 27, 2021

Cái duyên với Thiền viện Trúc Lâm

Tôi đói lả người, mệt, kiệt sức. Cố hết sức đạp đến chân Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lúc đó cũng gần 7h tối, tôi nhìn thấy đường lên dốc cao hơn những con dốc dạng sóng nhẹ mà mình vừa đi qua, thấy nản. Khi đói, mệt, thêm với sợ tối, tôi đã […]

Tháng Tám 26, 2021